Cha mẹ bình thường nuôi dạy nên những đứa trẻ bình thường, cha mẹ thông thái sẽ làm nên những đứa trẻ thông minh, thậm chí là kiệt xuất và thành công xuất sắc sau này. Nhưng bức ảnh dưới đây thể hiện sự trái ngược trong cách giao tiếp, nuôi dạy con giữa hai kiểu cha mẹ.
Một trong những khác biệt đáng chú ý nhất là cha mẹ bình thường luôn nhìn ra những lỗi rất nhỏ để soi xét con, trong khi đó cha mẹ thông thái lại quan sát ở tầm xa, bỏ qua những lỗi nhỏ, từ đó thấy được thế mạnh của con mình.
Sự khác biệt về giao tiếp
Ảnh trái thể hiện kiểu nuôi dạy con của cha mẹ bình thường. Họ là những người luôn đánh giá cao quan điểm của mình, cho rằng mình là người lớn nên mọi tư tưởng đều đúng đắn tuyệt đối. Trong khi đó quan điểm, ý tưởng của con trẻ là non nớt, ngây thơ, nên không được đánh giá cao.
Vòng tròn to thể hiện quan điểm của bố mẹ, vòng tròn nhỏ thể hiện của con cái, mãi mãi không có sự giao thoa, kết nối. Kiểu cha mẹ như này thường lấn át con, ra lệnh cho con, không sẵn sàng tương tác, lắng nghe con trẻ. Mối quan hệ của bố mẹ với trẻ là kiểu quan hệ kiểm soát.
Ngược lại, hình bên phải thể hiện tư duy của cha mẹ thông thái. Họ là những bố mẹ khôn ngoan, luôn tôn trọng suy nghĩ của trẻ, bình đẳng trong quan hệ với trẻ. Phụ huynh dạng này luôn hiểu rằng trẻ có những ý tưởng khác mình và sẵn sàng để giao thoa, giao tiếp. Quan hệ này là quan hệ hợp tác.
Sự khác biệt về góc nhìn
Chiếc kính lúp đại diện cho nhóm cha mẹ bình thường, luôn nhìn con dưới con mắt soi xét, chỉ ra mọi lỗi dù là rất nhỏ của con. Điều này khiến trẻ lo lắng, luôn sợ hãi sai sót và sau này khó chấp nhận việc mình mắc lỗi. Đây là kiểu phụ huynh nhìn nhận vấn đề thiển cận.
Trong khi đó, cha mẹ thông minh nhìn con dưới góc độ của kính viễn vọng, quan sát trẻ ở tầm xa để nhìn thấy khả năng phát triển, thế mạnh của trẻ. Đây là kiểu phụ huynh nhìn nhận vấn đề sâu, rộng.
Sự khác biệt khi đánh giá đặc điểm của trẻ
Cha mẹ bình thường luôn nhìn thấy ở con mình nhiều khuyết điểm hơn là ưu điểm. Như ở hình bên trái, cha mẹ nhìn thấy trẻ có nhiều khuyết điểm (màu nâu) hơn là ưu điểm (màu xanh). Họ thường sẵn sàng bỏ qua ưu điểm, chỉ chú trọng nhược điểm và tìm cách cải thiện những thiếu sót đó của con. Họ tin rằng chỉ bằng cách này, đứa trẻ mới có thể trở thành một người hoàn hảo.
Cha mẹ khôn ngoan coi cả ưu điểm, khuyết điểm của trẻ là đặc điểm. Họ không nhìn chằm chằm vào nhược điểm của đứa bé, thậm chí còn biết biến đó thành điểm mạnh của con. Như thế, ưu và nhược đều trở thành đặc tính (bức tranh màu vàng).
Sự khác biệt trong phép so sánh
Cha mẹ bình thường cho rằng thất bại của trẻ là điều có thể tránh được và quan niệm thất bại là sai lầm. Họ vạch ra những khuôn khổ cho trẻ, nói với đứa trẻ phải làm cái này, cái kia mới là tốt, nếu không sẽ thế này, thế kia. Điều này có thể khiến cho đứa bé sợ thất bại, không có tự tin bước ra khỏi mọi ranh giới để làm điều gì đó mới mẻ.
Cha mẹ khôn ngoan thì tin rằng thất bại là một phần của sự trưởng thành. Chỉ có trải qua vấp ngã, trẻ mới học hỏi và trau dồi được bản thân. Thất bại không có gì là xấu hổ hay sai lầm.
Chính nhờ quan niệm này, mà đứa trẻ sẽ bình thản bước qua mọi thử thách, vững vàng hơn sau mỗi lỗi lầm. Khi phạm sai lầm, tất nhiên trẻ cũng bị tổn thương nhưng sẽ vượt qua nhanh chóng.
Sự khác biệt trong cách trả lời câu hỏi
Cha mẹ bình thường không thích con hơi tí là đặt câu hỏi, có thể vì họ không có đáp án mà trẻ cần, dần dần, có thể trở nên kém "giỏi" trong mắt con. Vì thế, đứng trước các câu hỏi của con, họ tìm cách né tránh, thậm chí gắt gỏng để phản ứng.
Cha mẹ thông minh sẽ khuyến khích con cái tìm ra câu trả lời, đồng thời có thể đưa ra các gợi ý, hoặc các ý tưởng để con tự tìm đáp án cho riêng mình. Cha mẹ tuýp này hiểu các vấn đề thường giúp trẻ khơi nguồn sáng tạo, trí tưởng tượng, giúp tư duy "nảy mầm".
Sự khác biệt về ghi nhận kết quả học tập
Cha mẹ bình thường cho rằng con luôn luôn phải tiến bộ, không được phạm sai lầm. Trong mắt họ, chỉ số duy nhất phản ánh kết quả học tập là điểm số.
Cha mẹ thông thái nghĩ rằng học hành là một quá trình khám phá, quá trình này có sự biến động lên, xuống, có khi thành công, có khi thất bại.
Sự khác biệt trong phân bổ thời gian
Cha mẹ bình thường ưu tiên việc học tập hơn cả, họ chạy theo điểm số, mong muốn con học càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, các thời gian cho phát triển tư duy, vận động thể chất... đều bị giảm thiểu. Điều này khiến đứa trẻ vô tình trở thành "cái máy học", thiếu kiến thức xã hội.
Cha mẹ thông thái chú tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ, phân bổ thời gian đều đặn cho nhiều khía cạnh khác nhau: vui chơi, vận động, tương tác xã hội... Nhờ đó, trẻ trở thành một cá thể hoàn chỉnh, khỏe về thể chất, thông tuệ về tư duy.
Sự khác biệt trong quan điểm về vai trò của bản thân
Cha mẹ bình thường luôn muốn mình hoàn hảo trong mắt mọi người, phải hoàn hảo trong vai trò người mẹ, người vợ, người nhân viên... Khi không đạt được điều đó, họ trở nên căng thẳng, gây stress cho cả gia đình.
Cha mẹ khôn ngoan hiểu rằng điều quan trọng là tạo được sự cân bằng giữa cuộc sống riêng và công việc, thông qua sự điều chỉnh năng lượng linh hoạt ở từng giai đoạn. Khi tâm lý của bản thân tốt, họ mới có thể đem lại hạnh phúc cho gia đình.
Sự khác biệt về quan điểm "thành công"
Cha mẹ bình thường cho rằng thành công của con cái là công việc tốt, thu nhập tốt. Họ có xu hướng so sánh, buộc con cái phải đạt được mức độ nào đó mới được coi là thành công. Như thế, người con khó có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Cha mẹ khôn ngoan hiểu rằng định nghĩa về sự thành công trong cuộc sống đa dạng. Trong quá trình trưởng thành của con cái, họ cảm thấy miễn là đứa trẻ tiến bộ so với cái mốc nhất định nào đó ban đầu, đó là một thành công.
Khác biệt trong tư duy giáo dục
Cha mẹ bình thường dạy con theo suy nghĩ mình cho là đúng, và nếu trẻ không tuân thủ, họ thường trách móc trẻ: "Mẹ/bố đã vất vả vì con, con phải nghe lời". Họ coi việc sinh con và nuôi dưỡng như một sự ban ơn, thế nên phải yêu cầu trẻ đáp đền theo định hướng .
Trong khi đó, cha mẹ khôn ngoan dạy trẻ bằng cách lấy mình làm tấm gương, thôi thúc trẻ học hỏi để trở thành một hình mẫu mới. Họ không đặt lên vai trẻ trách nhiệm phải nghe lời vì "đã sinh ra, nuôi dạy", thay vào đó, dần ý thức cho con cái thấy giá trị của mình trong mắt con.