Tôi đã nhiều lần ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ và rồi tự hỏi lòng mình rằng: Tại sao những người phụ nữ Việt Nam lại phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cánh mày râu chúng tôi? Tại sao nhiều khi phái mạnh nhận thức rõ những thiệt thòi ấy mà vẫn không chia sẻ, yêu thương nhiều hơn đối với những người phụ nữ bên mình?
Phải chăng phụ nữ là muôn đời suốt kiếp phải chấp nhận những sự hi sinh vì chồng vì con. Phải một mình chăm bẵm, giáo dục con cái thật tốt. Phải biết nội trợ, vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ. Phải trở thành một thủ quỹ kiêm kế toán tài giỏi. Tất cả như một mặc định mà xã hội gọi chung bằng một cụm từ nghe có vẻ rất đáng tự hào “thiên chức của người phụ nữ”.
Ngẫm kĩ thì ra chính “thiên chức” đã gieo vào lòng người phụ nữ những bổn phận không thể chối bỏ và có thể vượt qua. Mình là phụ nữ không thể không chăm sóc con cái. Mình là phụ nữ không thể chối bỏ mọi công việc nhà cửa, bếp núc. Đó nhiều khi đã trở thành niềm hãnh diện, niềm hạnh phúc riêng của người phụ nữ.
Và dường như vất vả, bận bịu không làm cho họ cảm thấy nản lòng. Phải chăng đó là một trong những lực cản lớn cho sự bình đẳng giới?
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc tiến tới bình đẳng giới chính là nhận thức và hành động của người đàn ông. Tôi từng nghe một đồng nghiệp - là một nhà giáo giỏi, mẫu mực, tâm huyết với nghề chia sẻ rằng: Đối với phụ nữ, đặc biệt là vợ mình thì mỗi lần đi công tác xa chớ có dại dột mà mua quà tặng.
Tôi thật sự ngạc nhiên thì được anh đồng nghiệp giải thích, với phụ nữ đã mua quà một lần thì những lần sau, lần sau nữa đều đặn có quà khi mình đi đâu đó nếu không sẽ bị họ trách cứ, như thế người đàn ông sẽ đau khổ cả đời vì chuyện phải… mua quà.
Tôi không nghĩ phụ nữ họ cần quà đến mức như vậy. Họ cần sự quan tâm và thương yêu chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn. Đó mới là suy nghĩ của những người phụ nữ hiện đại.
Và một món quà để thể hiện sự quan tâm cũng không thể là nỗi “đau khổ cả đời” của người đàn ông. Mua một thứ gì đó vợ mình thích, nếu lỡ quên thì một vòng tay âu yếm cùng một câu nói dí dỏm cũng sẽ giúp bạn đời mình vui, có lẽ chẳng người phụ nữ nào còn đòi hỏi nhiều hơn thế nữa.
Người đàn ông biết chia sẻ thêm những công việc hàng ngày, biết quan tâm, yêu thương nhiều hơn với một nửa của mình chẳng phải là người đàn ông tuyệt vời hay sao?
Người đàn ông đã trưởng thành cần nhận thức được trách nhiệm về sự che chở, yêu thương nhiều hơn dành cho những người phụ nữ bên mình, đặc biệt là người bạn trăm năm của mình. Bill Gates - một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới khi được một nhà báo hỏi về quyết định sáng suốt nhất trong cả đời ông là sáng lập ra
Microsoft hay thành lập tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới đã trả lời một cách thú vị rằng: “Cả hai đều không phải, mà quyết định thông minh nhất đó là tìm được người phụ nữ phù hợp để kết hôn”. Tỷ phú Warren Buffett cũng từng nói rằng: “Quyết định quan trọng nhất trong đời người là kết hôn với người nào chứ không phải là đầu tư vào cái gì!”.
Câu trả lời bất ngờ của Bill Gates, lời khẳng định của Warren Buffett đã tự nó khẳng định đến vai trò, tầm quan trọng lớn lao của người phụ nữ đối với người đàn ông, nhất là trong việc lựa chọn người bạn đời, trong bước ngoặt của cuộc đời - khi lập gia đình.
Người xưa cũng đã có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, như lời khẳng định về vai trò giữ lửa hạnh phúc của người phụ nữ. Bởi vậy, tìm được người thích hợp để kết hôn còn quan trọng hơn có được những thứ khác ở trên đời. Nếu bố bạn lấy nhầm vợ, thì tuổi thơ của bạn sẽ là chuỗi ngày đau khổ.
Nếu bạn lấy nhầm vợ, thì cả cuộc đời bạn sẽ sống trong đau khổ. Nếu con trai bạn lấy nhầm vợ, thì những năm cuối đời của bạn sẽ sống trong cô đơn, buồn tủi. Bởi vậy, chúng ta - những người đàn ông không có lý do gì mà không quan tâm, yêu thương những người phụ nữ của mình nhiều hơn.
Xã hội hiện đại, khi sự giao thoa văn hóa trở nên dễ dàng và là một điều tất yếu thì nhận thức về bổn phận, “thiên chức” của người phụ nữ Á Đông nói chung và của người phụ nữ Việt nói riêng ít nhiều đã được khai phóng.
Đã có nhiều hơn những người phụ nữ cá tính dám “nổi loạn” một cách mạnh mẽ kiểu Hồ Xuân Hương hay nàng Kiều. Họ thấy rõ giá trị bản thân và khẳng định “này của Xuân Hương mới quệt rồi”. Họ mạnh bạo, chủ động tìm kiếm hạnh phúc cho cá nhân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.
Song nhìn vào đại thể, số phụ nữ “nổi loạn”, vượt ra khỏi những khuôn vàng thước ngọc của chuẩn mực truyền thống vẫn còn rất ít. Số ít đó khi thoát ra khỏi được những suy nghĩ về ràng buộc bằng hành động thì thường gặp phải sự cô độc và dẫn đến thất bại.
Và cuối cùng ẩn sâu trong tâm hồn những người phụ nữ ấy vẫn phải chịu sự thỏa thuận và… chấp nhận với xã hội để tồn tại. Điều đó, có nghĩa là trong một xã hội hiện nay chúng ta cần có cái nhìn khách quan, nhân văn hơn đối với phái yếu.
Phụ nữ là một nửa của thế giới, là đóa hoa góp phần làm cuộc sống thêm muôn màu muôn vẻ, thêm đáng yêu, đáng sống hơn. Ai đó chẳng đã từng bảo: “Đàn bà như cánh hoa tươi. Nở ra chỉ được một thời mà thôi”, bởi vậy chúng ta – những người đàn ông cần biết nâng niu, yêu thương, trân trọng. Họ đáng được chúng ta quan tâm, yêu thương nhiều hơn.