Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của TP thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025 cùng với 176 xã trên địa bàn.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội. Với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người, đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
Đối chiếu với những quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" sáng ngày 1/8, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Thành cho hay, quận Hoàn Kiếm hiện mới chỉ được đánh giá trên tiêu chí là quy mô dân số và diện tích tự nhiên.
Ngoài ra, các bộ ngành liên quan sẽ còn phải xem xét những yếu tố đặc thù khác về điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống dân tộc, lịch sử.
Do đó, thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập mới chỉ là số liệu rà soát, sau đó TP còn phải xây dựng phương án cụ thể. Bộ Nội vụ và cơ quan chức năng sẽ xem xét có quyết định sắp xếp lại đơn vị hành chính đó hay không.
“Không nên cứng nhắc, phải tôn trọng lịch sử”
Chia sẻ về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, việc sáp nhập, nhất là đơn vị hành chính như quận Hoàn Kiếm ngoài việc dựa trên diện tích và dân số, song cũng phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến lịch sử, đến văn hóa… nên không thể máy móc, cứng nhắc.
KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc sáp nhập đơn vị hành chính này.
Theo ông Nghiêm, từ năm 1954, quận Hoàn Kiếm đã ổn định, là địa bàn rất đặc thù về lịch sử và văn hóa, do đó không nên đặt vấn đề sáp nhập quận mà nên giữ nguyên như hiện tại.
Ngoài việc dựa trên diện tích và dân số, việc sáp nhập các đơn vị hành chính như quận Hoàn Kiếm phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa... (Ảnh minh họa) |
Nhấn mạnh quan điểm không ủng hộ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, ông Nghiêm cho rằng: "Mọi quy định đều do con người nghĩ ra, nên việc áp dụng phải hợp lý và khả thi, không nên cứng nhắc. Đặc biệt, phải tôn trọng lịch sử".
Phân tích về việc quy hoạch, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng việc sáp nhập các địa phương cần có những nghiên cứu khoa học cẩn trọng và khi công bố dự kiến thực hiện cần biện giải tường minh.
Liên quan đến thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, đây là vấn đề liên quan kinh tế, văn hóa xã hội, lịch sử, địa lý nhân sinh, quản trị hành chính đa chiều, đa dạng… mà chỉ tiêu diện tích/dân số chỉ là 2 tiêu chí có tính phổ quát, chưa đề cập tới các yếu tố đặc thù.
Xét về khía cạnh văn hóa, PGS.TS Hà Đình Đức (nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) cho rằng, Hoàn Kiếm cùng 3 quận (Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) là những di sản văn hóa to lớn, là tài sản thừa kế mà Thăng Long Hà Nội cũ để lại.
Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm có giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời và có thể xem như một thương hiệu đối với thành phố Hà Nội.
“Thương hiệu này nếu muốn xây dựng không phải một sớm một chiều, mà phải mất quá trình tương đối lâu, nên việc sáp nhập sẽ làm mất đi tính thương hiệu của cái tên vốn có của nó”, ông Đức nhận định.
TP. Hà Nội hiện có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Số đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội là 584, trong đó có 386 xã, 177 phường và 21 thị trấn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã cần có lộ trình theo từng giai đoạn với cách làm phù hợp.
Nơi có điều kiện thuận lợi làm trước, nơi chưa có điều kiện thì xác định lộ trình phù hợp thực hiện. Quá trình sáp nhập phải đáp ứng phát triển bền vững, phát huy hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội, tạo không gian phát triển mới.
"Cần sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên cơ sở khoa học, tiêu chuẩn diện tích và dân số, nhưng cân nhắc kỹ đặc thù lịch sử, văn hóa, phong tục", Thủ tướng lưu ý thêm.