Tìm hiểu thông tin tại Ngày hội thanh niên với nghề nghiệp. Ảnh: N.N |
Đáng chú ý là ĐHQG Hà Nội. Những sinh viên sau khi trúng tuyển được xét vào hệ tài năng của trường, ngoài các chế độ dành cho sinh viên chính quy đại trà sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng và được bố trí phòng ở miễn phí trong KTX của ĐHQGHN, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để đạt trình độ C1 tương đương 6.0 IELTS.
Trường ĐH dân lập Hải Phòng cho biết sẽ cho hưởng học bổng tương đương 80-100% học phí của trường cho những sinh viên có kết quả THPT đạt khá, giỏi, thi NV1 vào trường đạt 21 điểm trở lên.
ĐHDL Duy Tân thông báo dành hơn 750 suất học bổng (tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng) cho các tân sinh viên. Bên cạnh đó, còn có các học bổng giá trị do các công ty tài trợ cho trường như: học bổng của Boeing, 10 suất, mỗi suất 1000 USD; học bổng công ty IBM, 2 suất, mỗi suất 2500 USD.
Trường ĐH Quốc tế sẽ cấp học bổng 100% học phí trong học kỳ I cho 5% sinh viên trúng tuyển NV1 có điểm đầu vào cao nhất. Học bổng các kỳ tiếp theo tại Việt Nam xếp theo kết quả học tập của sinh viên. ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì xét miễn giảm học phí ngay trong ngày đầu đăng ký nhập học từ 10-20% cho sinh viên nghèo, khuyết tật, diện chính sách (nếu có giấy chứng nhận).
Riêng ĐH Kinh tế quốc dân có chính sách khuyến khích tuyển sinh một số chuyên ngành đáp ứng nhu cầu xã hội như: Kinh tế lao động; Quản trị kinh doanh lữ hành & hướng dẫn du lịch; Quản trị quảng cáo; Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh. Điểm tuyển cho các chuyên ngành này thấp hơn 2 điểm so với điểm sàn vào trường, theo khối thi. Tuy nhiên, trường cũng lưu ý, muốn được hưởng ưu tiên này, thí sinh phải đăng ký thi vào các chuyên ngành trên ngay khi nộp phiếu đăng ký dự thi. Nếu thí sinh đăng ký vào chuyên ngành khác mà không đủ điểm sàn vào trường thì không được chuyển sang các chuyên ngành ưu tiên trên để hưởng ưu tiên này.
N.N