Nhiều trường học Hà Nội thay đổi thời khóa biểu sau khi tạm dừng dạy liên kết

GD&TĐ - Nhiều trường tại Hà Nội phải bố trí lại thời khóa biểu cho học sinh sau khi có chỉ đạo tạm dừng dạy liên kết trong giờ chính khóa.

Giờ học STEM của học sinh Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: ITN.
Giờ học STEM của học sinh Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: ITN.

Bố trí lại thời khóa biểu

Mới đây, Phòng GD&ĐT Thanh Oai (Hà Nội) đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn tạm dừng dạy liên kết trong nhà trường. Việc này nhằm thực hiện theo Công văn số 2590 ngày 22/11 của UBND huyện Thanh Oai về tăng cường quản lý đối với các hoạt động liên kết trong nhà trường.

Trong khi chờ hướng dẫn của các cấp về việc lập, xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, Phòng GD&ĐT Thanh Oai yêu cầu các nhà trường tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết kể từ ngày 27/11.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, cô Nguyễn Thị Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Dương, huyện Thanh Oai cho biết, toàn trường hiện có hơn 1.000 học sinh. Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT huyện và tạm dừng hoạt động dạy liên kết từ ngày 27/11.

Cũng theo cô Nhàn, việc tổ chức dạy liên kết xuất phát từ nhu cầu thực tế và sự tự nguyện của phụ huynh học sinh nên các em tham gia rất đông. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện nên nhà trường vẫn cho tạm dừng.

Đồng thời, ban giám hiệu điều chỉnh lại thời khóa biểu sao cho hợp lý để ít ảnh hưởng đến phụ huynh nhất. Vì mỗi tiết liên kết thường được sắp xếp vào tiết cuối buổi chiều, kéo dài 35 phút. Thay vì gần 17h tan học thì học sinh sẽ ra về lúc 16h15 phút.

"Chúng tôi đã có cuộc họp với ban đại diện cha mẹ học sinh của các lớp để thông báo về tinh thần chỉ đạo chung của huyện. Trong thời gian này, trường sẽ không tổ chức dạy liên kết nên giờ tan học buổi chiều của học sinh sẽ là 16h15 phút. Các bậc phụ huynh cố gắng sắp xếp thời gian đến đón con về nhà đúng quy định", cô Nhàn nói.

Rà soát lại các quy trình

Một hoạt động giáo dục Tiếng Anh với người nước ngoài ở một trường học tại Hà Nội. Ảnh minh họa: INT.
Một hoạt động giáo dục Tiếng Anh với người nước ngoài ở một trường học tại Hà Nội. Ảnh minh họa: INT.

Là trường có quy mô hơn 800 học sinh, Trường Tiểu học Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai thời gian qua chỉ tổ chức dạy liên kết cho khối 1 và 2 với khoảng 200 em tham gia.

Cô Lê Thị Kim Thái - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi, việc tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về chủ trương của huyện được tiến hành từ sớm. Dù có tổ chức dạy liên kết hay tạm dừng, nhà trường vẫn thực hiện thời khóa biểu cho học sinh đảm bảo theo khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT.

Còn tại huyện Gia Lâm, lãnh đạo Trường Tiểu học Yên Thường cũng cho hay, đơn vị này đang chờ hướng dẫn từ Phòng GD&ĐT huyện để trong thời gian tới cũng sẽ tạm dừng dạy liên kết theo chỉ đạo của UBND huyện. Nhà trường đang tuyên truyền tới phụ huynh hiểu chủ trương này và có sự đồng hành trong quản lý học sinh.

Trước đó, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cũng đã ra văn bản đề nghị các trường học trên địa bàn tạm dừng dạy liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa trong nhà trường từ ngày 2/10 để kiểm tra, rà soát lại công tác này và báo cáo theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng yêu cầu các trường trên địa bàn yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết đến khi các trường có đầy đủ hồ sơ và được Phòng GD&ĐT phê duyệt. Các trường không được sắp xếp thời khóa biểu học chương trình liên kết xen kẽ với các buổi học chính khóa của học sinh.

Theo ông Đào Tân Lý - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị này đã yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia. Các tiết học chính khóa nhà trường không được cắt xén, giảm bớt.

Trao đổi về vấn đề này, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, việc các trường cố tình chèn tiết liên kết, hoạt động ngoại khóa vào giờ chính khóa của học sinh có thu phí là sai quy định. Các địa phương cần chấn chỉnh tình trạng này, tránh gây bức xúc trong dư luận, phụ huynh học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.