Nhiều người ở Vĩnh Phúc vẫn sập bẫy 'việc nhẹ lương cao'

GD&TĐ - Dù cơ quan chức năng, truyền thông đã nhiều lần cảnh báo về hành vi lừa đảo 'việc nhẹ lương cao', song nhiều người dân tại Vĩnh Phúc vẫn bị sập bẫy.

Một số người dân được giải cứu khỏi ổ lừa đảo tại Campuchia. Ảnh: CAVP
Một số người dân được giải cứu khỏi ổ lừa đảo tại Campuchia. Ảnh: CAVP

Vẫn sập “bẫy” bởi chiêu trò cũ

Nhiều công dân Việt Nam trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc bị lừa xuất cảnh trái phép (XCTP) sang một số nước Đông Nam Á như: Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines... thông qua chiêu bài “việc nhẹ lương cao”.

Thực tế, những công dân này bị lao động cưỡng bức nơi xứ người với rất nhiều hệ lụy. Điều đáng nói, những chiêu trò lừa đảo này đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo.

Thượng tá Phạm Bằng Giang (Phòng An ninh đối ngoại - Công an tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 8/2022 đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 50 trường hợp bị lừa XCTP sang lao động bất hợp pháp tại Campuchia, Lào và Philippines.

Tình trạng này xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc. Tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Đảo (17 trường hợp), Lập Thạch (8 trường hợp), Tam Dương (7 trường hợp)…

Trong số này, 39 trường hợp đã trở về Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp gia đình đã phải gửi tiền chuộc cho các đối tượng. Số còn lại bị cơ quan chức năng nước ngoài giải cứu, trao trả về Việt Nam.

Đáng chú ý, các trường hợp trên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các địa bàn kinh tế khó khăn, độ tuổi rất trẻ (nhiều trường hợp dưới 18 tuổi), có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn, trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật hạn chế, không có công việc làm, bị bạn bè hoặc các đối tượng rủ rê lôi kéo XCTP lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng phổ biến như: Facebook, Zalo, TikTok, Wechat, Viber... để dụ dỗ số thanh niên trẻ không có công việc làm với chiêu bài “việc nhẹ lương cao”, hứa hẹn với mức thu nhập từ 800 - 2.000 USD/tháng, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp và sẽ chu cấp toàn bộ chi phí đi đường để XCTP ra nước ngoài.

Khi người bị lừa đảo “sập bẫy”, các đối tượng cầm đầu đường dây này hướng dẫn họ di chuyển bằng các phương tiện có thể. Mọi chi phí phục vụ cho việc đi lại, các đối tượng sẽ trực tiếp chuyển khoản cho các phòng vé máy bay, cho nhà xe… sau đó trực tiếp đón và đưa họ XCTP qua các đường mòn, lối mở.

Sang đến nơi, người lao động bị các đối tượng thu giữ điện thoại và các giấy tờ cá nhân, bị cưỡng ép làm việc trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, các trang mạng lừa đảo bán hàng online, trò chuyện khiêu dâm do người nước ngoài cầm đầu. Người lao động bị giao khoán số tiền phải lừa đảo hàng ngày. Nếu không đủ số tiền khoán, người lao động sẽ bị phạt, bị bỏ đói… Nếu tìm cách trốn ra ngoài, họ sẽ bị giam giữ, đánh đập.

Người lao động muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ với người nhà để gửi tiền chuộc vào tài khoản của các đối tượng với số tiền từ 100 - 250 triệu đồng. Nhiều trường hợp gia đình đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng (Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ…) hỗ trợ giải cứu thân nhân đang bị cưỡng bức lao động ở nước ngoài.

Bài học đắt giá

Thượng tá Phạm Bằng Giang lấy ví dụ về trường hợp nạn nhân N.Q.D, sinh 2000 ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo. Theo đó, tháng 2/2022, D thông qua mạng xã hội Facebook đọc được thông tin tuyển dụng làm bảo vệ tại Campuchia với mức lương khởi điểm 800 USD/tháng.

Sau khi để lại số điện thoại, có một người phụ nữ đã liên hệ lại và hướng dẫn D cung cấp thông tin cá nhân để đặt mua vé máy bay từ Nội Bài vào Tân Sơn Nhất. Sau đó N.Q.D được các đối tượng đưa sang Campuchia.

Khi sang đến nơi, D bị thu giữ điện thoại, CCCD và bị đưa đến một công ty của người nước ngoài, bị bắt làm việc lừa đảo trên mạng xã hội.

Sau khi thấy công việc không đúng như trao đổi trước, D xin được trở về Việt Nam thì bị bắt ép điện về cho gia đình gửi 250 triệu đồng tiền chuộc.

Do số tiền chuộc quá lớn, gia đình không có khả năng đáp ứng, nên D bị đánh đập, bị bỏ đói và bị bán cho rất nhiều công ty khác nhau. Ngày 30/10/2022, lợi dụng sơ hở của các đối tượng, D đã bỏ trốn về Việt Nam.

Ngoài ra, một trường hợp khác là P.V.N, sinh năm 1994, trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tháng 3/2022, thông qua mạng xã hội Facebook, P.V.N đọc được thông tin tuyển dụng đi lao động tại Campuchia với mức lương 1.000 USD/tháng.

Công việc ngồi máy tính, không cần kinh nghiệm. Sau đó, P.V.N đã liên hệ vào số điện thoại trên bài đăng và cũng được hướng dẫn để XCTP sang Campuchia tương tự trường hợp N.Q.D ở trên.

Sang đến Campuchia, P.V.N được đưa đến làm việc cho một công ty của người Trung Quốc và được cấp 1 điện thoại iPhone 8 để làm việc. Công việc của N là chạy quảng cáo cho game trên điện thoại và máy tính. Thời gian làm việc tại Campuchia từ tháng 4 - 9/2022, P.V.N bị ép làm việc 18 tiếng/ngày.

Do không đủ sức khỏe, P.V.N đã đề nghị quản lý cho thôi việc để về Việt Nam. Nhưng mỗi lần xin đều bị quản lý đánh đập, chích điện... Ngày 2/10/2022, P.V.N được Đại Sứ quán Việt Nam tại Campuchia giải cứu và đưa về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh.

Thượng tá Phạm Bằng Giang nhấn mạnh, qua những vụ việc trên, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng. Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đối với người dân, cần hết sức chủ động tự bảo vệ mình và gia đình trước hoạt động dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo XCTP ra nước ngoài. Cảnh giác với thủ đoạn mời chào, lôi kéo của các đối tượng, tránh rơi vào bẫy “việc nhẹ lương cao”. Kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan Công an các dấu hiệu, hoạt động lừa đảo với thủ đoạn trên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.