Cảnh giác với bẫy 'việc nhẹ, lương cao'

GD&TĐ - Trên các trang mạng xã hội hiện có rất nhiều lời quảng bá mời gọi người lao động sang Campuchia làm 'việc nhẹ, lương cao'.

Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tiếp nhận công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia đợt tháng 7/2023.
Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tiếp nhận công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia đợt tháng 7/2023.

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo, nhưng nhiều người dân, nhất là thanh niên, vẫn “sập bẫy” lừa đảo với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, để rồi bị lừa bán sang nước ngoài làm việc. Ở xứ người, không chỉ bị đánh đập, tiền lương bèo bọt, có người còn bị bán qua các công ty khác nhau, muốn quay về phải nộp số tiền lớn.

Nợ chồng nợ

Trên các trang mạng xã hội hiện có rất nhiều lời quảng bá mời gọi người lao động sang Campuchia làm việc, được lo toàn bộ chi phí và bố trí cho “việc nhẹ, lương cao”. Dù thông tin không có tính xác thực, rất mơ hồ nhưng vẫn có nhiều người “mắc bẫy”. Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi 18 đến dưới 40, gia cảnh khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống gia đình.

Cách đây gần 2 tháng, chị K.T. (SN 1987) trú tại tỉnh Tây Ninh đang làm nhân viên cho các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tại TPHCM, thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Với mức lương này ngoài phải gửi tiền về quê cho cha mẹ ruột chăm sóc đứa con vừa tròn 5 tuổi, phần còn lại chị T. chi phí sinh hoạt và tiền thuê trọ.

Thế rồi cha ruột của chị T. ốm nặng phải nhập viện điều trị nên chị phải vay nóng hơn 20 triệu đồng để trả nợ. Gần đây, chủ nợ đòi tiền lãi hằng ngày ráo riết, nên chị quyết định tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn để mong sớm trả hết nợ.

Theo như chia sẻ của chị T., đầu tháng 7/2023, chị vào mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm thì thấy thông tin tuyển dụng làm công việc về chứng khoán tại Campuchia với mức lương từ 30 đến 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi đến văn phòng giáp biên giới Campuchia và Thái Lan, các đối tượng đã tính phí chị khoảng 20 triệu đồng gồm tiền dịch vụ đưa đón, làm thủ tục xuất cảnh, mua chăn, gối...

Đến xứ người chị T. mới “vỡ mộng” khi công việc là làm game đánh bạc. Khi chị T. không đồng ý, chúng chuyển chị làm môi giới chứng khoán. Chúng yêu cầu chị phải dùng các tài khoản ảo mạng xã hội Zalo, Facebook kết bạn với nhiều người khác tại Việt Nam. Nạn nhân dính bẫy chuyển tiền đầu tư chứng khoán “ảo”, nạp tiền chơi game thì chúng chặn liên lạc.

“Làm môi giới chứng khoán được một thời gian, tôi bị chuyển sang công ty khác để đóng giả thành nhân viên bán hàng trực tuyến nhằm tìm cộng tác viên “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội. Lúc này tôi yêu cầu bọn chúng được cho trở về Việt Nam, thì các đối tượng yêu cầu phải trả hơn 80 triệu đồng gồm thêm các khoản chi phí ăn uống, đưa đón...

Sau đó bọn chúng cho tôi liên lạc với người thân ở Việt Nam chuẩn bị tiền. Nhận được tin về con gái, gia đình phải vay khắp nơi mới chuộc được tôi về. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin mà giờ đây nợ cũ chưa trả xong lại phải lo thêm khoản nợ mới”, chị T. cho biết.

Tương tự, chị N.T.H. trú tại TPHCM cũng bị lừa sang Campuchia làm game đánh bạc với mức tiền lương gần 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tiền lương chưa thấy mà nạn nhân đã bị các đối tượng lừa chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng gọi là “thế chân” cho chi phí đưa đón, sinh hoạt. Sau đó, chị H. cũng phải vay người thân hơn 60 triệu đồng để được trở về Việt Nam.

Các đối tượng bị Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây bắt giữ khi lừa N. sang Campuchia bán.

Các đối tượng bị Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây bắt giữ khi lừa N. sang Campuchia bán.

Thủ đoạn tinh vi

Ngày 26/6/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Long An) đã kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng gồm: Trương Việt Hoàng (SN 1998) quê Hà Nội, Lâm Quốc Đạt (SN 2004) quê Đồng Nai, Trương Công Trứ (SN 1998) quê Quảng Ngãi lừa K.N. (SN 2005) trú tại huyện Nhà Bè (TPHCM) xuất cảnh trái phép sang Campuchia để bán cho một công ty với giá 18 triệu đồng.

Nhận thấy tính chất phức tạp của sự việc, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây đã cùng Công an tỉnh Long An, Công an huyện Đức Huệ điều tra mở rộng vụ án và bắt giữ thêm 4 đối tượng, triệu tập 3 đối tượng và truy xét 1 đối tượng liên quan.

Theo lời khai của các đối tượng trong đường dây, nhận thấy nhiều cô gái trẻ muốn tìm “việc nhẹ, lương cao” nên chúng lập ra các trang mạng giả làm công ty môi giới việc làm để tiếp cận các cô gái dụ dỗ đem bán sang Campuchia. Sau khi câu móc được những người từ khắp các tỉnh, thành có nhu cầu ra nước ngoài tìm việc làm, các đối tượng tổ chức đưa đón người qua biên giới. Trung bình mỗi chuyến đưa các cô gái sang bán vào các quán bar, karaoke, massage, các đối tượng thu lợi bất chính từ 10 - 30 triệu đồng/nạn nhân.

Được biết, đối tượng trong đường dây “buôn bán người” liên lạc với các nạn nhân chủ yếu qua mạng xã hội nên rất khó khăn trong công tác đấu tranh, truy vết. Sang bên kia biên giới, trong kỳ sát hạch đầu tiên, với lý do không trình độ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công ty đề ra nên không tuyển dụng, chúng buộc những ai vừa sang phải hoàn lại tiền chi phí cho toàn bộ chuyến đi. Sau đó chúng cưỡng bức lao động hoặc khủng bố tinh thần, nhằm gây áp lực với các gia đình của nạn nhân ở Việt Nam để nhanh chóng lấy được tiền chuộc.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu - Công an TPHCM thì thời gian qua các đối tượng mua bán người thường lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân hiểu biết hạn chế, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi đua đòi… để lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rồi bán ra nước ngoài để thu lợi.

“Khi mạng xã hội phát triển, các đối tượng làm quen, tiếp cận, hướng dẫn nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Thủ đoạn lừa đảo của chúng là lập các trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc hành chính, hứa hẹn mức lương cao, đưa ra các điều kiện như biết đánh máy thì lương cao hơn… để tăng lòng tin với các nạn nhân.

Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu trả các chi phí đi lại ăn ở, có các biện pháp khống chế yêu cầu gia đình đưa tiền, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục... Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan ngoại giao điều tra, xử lý và hỗ trợ các nạn nhân”, Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ.

Thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây, cho biết, thời gian qua đơn vị đã tăng cường phối hợp chặt chẽ ngành chức năng tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi để người dân cảnh giác với những lời quảng cáo, rủ rê, lôi kéo, môi giới sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”. Đồng thời, thường xuyên phổ biến cho người dân hiểu các quy định của pháp luật liên quan việc xuất, nhập cảnh, để nếu phát hiện có vi phạm thì kịp thời báo cho lực lượng biên phòng và các cơ quan chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ