Nhiều loài bò sát trên Trái đất trước nguy cơ tuyệt chủng

GD&TĐ - Trong cuộc đánh giá nguy cơ tuyệt chủng toàn diện nhất từng được thực hiện trên các loài bò sát, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có tới 21,1% tổng số loài đã biết có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Nhiều loài bò sát trên Trái đất trước nguy cơ tuyệt chủng

Bằng cách sử dụng các tiêu chí của Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) – một danh sách liệt kê tình trạng nguy cơ của các loài chim, động vật có vú và lưỡng cư, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 1.829 trong số 10.196 loài bò sát dễ bị tổn hại, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp - tổng cộng là 21,1% số loài đã biết.

Họ cũng phát hiện ra rằng, 57,9% loài rùa và 50% loài cá sấu đang bị đe dọa; Nhìn chung, 40,7% loài động vật lưỡng cư, 25,4% loài động vật có vú và 13,6% loài chim được IUCN nhận định là bị đe dọa, theo Sách đỏ.

Nghiên cứu toàn cầu được thực hiện trong 15 năm với sự hỗ trợ của 961 nhà nghiên cứu đại diện cho 24 quốc gia trên khắp sáu châu lục.

Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các cuộc khảo sát và tập dữ liệu hiện có về rùa, cá sấu, thằn lằn, rắn và tuatara ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Úc, Caribe, châu Âu và châu Đại Dương.

Tuatara là loài đặc hữu của New Zealand và được coi là những sinh vật sống sót cuối cùng của một nhóm bò sát có nguồn gốc từ kỷ Trias, theo Bộ Bảo tồn New Zealand.

Các tác giả cho biết, các loài bò sát đang bị đe dọa trên toàn cầu bởi hoạt động nông nghiệp, khai thác gỗ, phát triển đô thị và các loài xâm lấn. Điều này giải thích tại sao các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có tận 30% loài bò sát sống trong rừng có nguy cơ tuyệt chủng trong khi chỉ 14% loài bò sát sống trong môi trường sống khô cằn đứng trước nguy cơ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, các loài bò sát bị đe dọa tập trung ở Đông Nam Á, Tây Phi, Bắc Madagascar, Bắc Andes và Caribe - một phát hiện cho phép các nhà bảo tồn tập trung nỗ lực của họ ở những nơi có nhu cầu lớn nhất.

Giáo sư Sean T. O’Brien, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của NatureServe, người đứng đầu cuộc nghiên cứu phối hợp với IUCN và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, cho biết: “Loài bò sát không thường được sử dụng để truyền cảm hứng cho hành động bảo tồn, nhưng chúng là những sinh vật hấp dẫn và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong các hệ sinh thái trên hành tinh”.

Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ vai trò của chúng trong việc kiểm soát các loài sinh vật gây hại và làm mồi cho các loài chim và động vật khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ