Quy hoạch mạng lưới trường SP: Nhìn ra quốc tế
Tìm hiểu kinh nghiệm thế giới, nhóm nghiên cứu cho biết: Ở nhiều quốc gia, việc đào tạo giáo viên (GV) tuân theo cơ chế thị trường, theo nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của mỗi quốc gia, nên có sự khác nhau về vai trò và sự can thiệp của Nhà nước đối với hệ thống đào tạo GV. Ở nhiều nước vẫn duy trì cách quản lý tập trung đối với hệ thống đào tạo GV như: Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Hà Lan, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông… Bộ GD&ĐT quản lý hầu hết mọi khía cạnh của quá trình đào tạo GV và cấp bằng/chứng chỉ cho GV. Một số nước trên thế giới thực hiện giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo GV như: Mỹ, Đức, Úc, Phần Lan…
Điểm nổi bật trong đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ GV ở nhiều quốc gia là được thực hiện theo nguyên lý chuẩn hóa. Do đó, mọi hoạt động liên quan tới đào tạo, bồi dưỡng GV đều phải được thực hiện theo một chuẩn nhất định. Chuẩn quan trọng nhất là chuẩn nghề nghiệp GV. Ở một số nước, chuẩn nghề nghiệp GV do Chính phủ ban hành, quản lý. Các nước như Mỹ, Đức và Úc, các chuẩn được giao cho các bang quản lý. Các trường SP quyết định nội dung chương trình đào tạo, tuy nhiên chương trình phải được một cơ quan độc lập quốc gia hoặc ủy ban kiểm định cấp bang thẩm định, kiểm định chất lượng. Vì vậy, các trường ĐH không kể trường công tư đều được tự chủ. Các bang ủy quyền cho các hiệp hội nghề nghiệp xây dựng các chuẩn nghề nghiệp GV và giám sát các trường đào tạo theo chuẩn được phê duyệt.
Điều bất cập hiện nay của cơ chế giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường ĐH trong đào tạo GV ở một số nước là nguy cơ mất cân đối trong cung - cầu đội ngũ GV và sự bất bình đẳng trong cung ứng các dịch vụ giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng khó khăn. Chẳng hạn, hiện tại ở Úc dư thừa sinh viên tốt nghiệp SP tiểu học, nên GV rất khó xin việc làm toàn thời gian; nhưng lại thiếu GV dạy môn đặc thù, GV ở vùng khó khăn. Thực trạng này cũng diễn ra phổ biến các nước Đức, Mỹ. Do đó, công tác dự báo nhu cầu đào tạo, quy hoạch các cơ sở đào tạo GV là vấn đề cấp thiết của nhiều nước trên thế giới.
Năm 1988, Chính phủ Úc đề ra chính sách mới để cấu trúc lại hệ thống giáo dục ĐH. Đề án xác định rõ yêu cầu sáp nhập để giảm số lượng trường ĐH, CĐ nhưng tăng quy mô đào tạo của các cơ sở. Các trường CĐSP buộc phải sáp nhập hay chuyển đổi thành các trường ĐH để tăng hiệu quả quản lý và đầu tư. Kết quả của chính sách này là đến năm 1992, cả nước chỉ còn 39 cơ sở giáo dục ĐH với số lượng sinh viên trung bình là 14.300 so với năm 1982, Úc có 87 trường ĐH, CĐ với số sinh viên trung bình là 3.900.
Kinh nghiệm phát triển hệ thống giáo dục ĐH của Úc cho thấy, căn cứ vào thực tiễn phát triển KT - XH và giáo dục ĐH, chính phủ có thể đề ra chính sách sáp nhập, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo để tăng hiệu quả đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Đồng thời, việc cấu trúc lại mạng lưới giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của các cơ sở giáo dục ĐH của Úc trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục ĐH diễn ra mạnh mẽ.
Sinh viên Sư phạm. Ảnh minh họa/ Internet |
Quản lý tập trung lĩnh vực đào tạo GV
Từ kinh nghiệm quốc tế nói trên, áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần giao Bộ GD&ĐT quản lý tập trung, toàn diện lĩnh vực đào tạo GV; Bộ GD&ĐT thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương và các ĐH vùng, Bộ chỉ quản lý Nhà nước về chuẩn đầu ra, chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo (thông qua kiểm định, thanh tra, giám sát), chuẩn nghề nghiệp GV và sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề GV.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trường ĐHSP trọng điểm với các trường vệ tinh; cơ chế phối hợp giữa Bộ với các địa phương... tạo sự kết nối giữa các “nút” trong mạng lưới các trường SP. Đẩy mạnh đầu tư cho các trường ĐHSP trọng điểm để cạnh tranh với thị trường lao động của các nước ASEAN. Xây dựng chuẩn đào tạo GV của các nước ASEAN; cơ chế chuyển đổi tín chỉ trong các cơ sở đào tạo GV của các nước ASEAN; tăng cường đánh giá chương trình đào tạo GV theo chuẩn AUN-QA.
Phương án quy hoạch của nhóm nghiên cứu cũng đặt vấn đề xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách đối với đào tạo và sử dụng đội ngũ GV; thu hút học sinh giỏi vào học SP. Xây dựng chính sách với GV các trường SP thuộc diện phải sáp nhập, giải thể nhằm giảm thiểu tác động xã hội trong quá trình thực hiện quy hoạch mạng lưới. Nâng chuẩn GV tiểu học, THCS lên trình độ ĐH (đã có trong Nghị quyết, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi).
Xây dựng đề án đào tạo lại, bồi dưỡng GV đối với đội ngũ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo hoặc việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ giảng viên các trường CĐ và trung cấp có đào tạo SP cho phù hợp với yêu cầu mới. Quy hoạch mạng lưới các trường SP trọng điểm và các vệ tinh của nó trong cả nước là cơ sở để tăng cường nguồn vốn đầu tư tập trung, đầu tư trọng điểm; phát triển các trường SP trọng điểm đạt trình độ đào tạo của các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới; tăng cường tính tự chủ của các trường SP và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Đầu tư trọng điểm 3 trường CĐSP T.Ư đào tạo GV mầm non có chất lượng cao
Nói về phương án quy hoạch mạng lưới các trường SP, chủ trì đề tài – GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết: Cần xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn trường SP để xếp hạng các trường SP; xác định các trường đại học SP trọng điểm, trường SP vệ tinh. Các trường trọng điểm đào tạo đa lĩnh vực (từ 3 - 4 lĩnh vực có liên quan đến/gắn với đào tạo GV và cán bộ quản lý giáo dục); tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo sau ĐH. Dành từ 70 - 80% chỉ tiêu đào tạo SP hệ ĐH cho các trường SP trọng điểm; 20 - 30% chỉ tiêu đào tạo SP còn lại dành cho các trường ĐH đa ngành khác có đào tạo GV.
Lộ trình là các trường ĐH đa ngành có đào tạo GV phải giảm dần chỉ tiêu đào tạo GV, đối với một số trường không đáp ứng yêu cầu của bộ quy chuẩn trường sư phạm sẽ phải dừng đào tạo GV. Các trường SP vệ tinh và các trường CĐSP, chuyển thành chức năng bồi dưỡng, chuyển thành cơ sở vệ tinh của trường ĐHSP trọng điểm. Có thể sử dụng ngân sách đào tạo GV dành cho các trường CĐSP sang đào tạo lại và bồi dưỡng GV. Một số trường CĐSP trực thuộc tỉnh nhưng vẫn hoạt động theo cơ chế là vệ tinh của các trường ĐHSP trọng điểm. Đối với đào tạo GV giảng dạy các môn học đặc thù, áp dụng mô hình đào tạo nối tiếp (4 + 1 hoặc 4 + 2 lấy chứng chỉ nghiệp vụ SP hoặc bằng thạc sĩ giảng dạy) ở các trường đào tạo đặc thù. Đối với đào tạo GV mầm non, đầu tư trọng điểm cho 3 trường CĐSP Trung ương tại 3 miền của đất nước để đào tạo GV mầm non có chất lượng cao.