Nhiều hộ dân ở thành phố Hà Tĩnh khấm khá nhờ nuôi hươu sao

GD&TĐ - Mô hình nuôi hươu sao đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho người dân tại TP Hà Tĩnh.

Mô hình nuôi hươu sao tại TP Hà Tĩnh.
Mô hình nuôi hươu sao tại TP Hà Tĩnh.

Hướng đi mới cho người chăn nuôi vùng ven đô

Năm 2023, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, TP Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng dự án “Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hươu sao”, thực hiện tại xã Thạch Bình trong thời gian 5 năm, từ 2023 – 2028.

Từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hươu sao của UBND thành phố Hà Tĩnh, 7 hộ dân trên địa bàn xã Thạch Bình mạnh dạn thả nuôi thử nghiệm 41 con hươu giống.

z4740837488220_7eed7643492535ba0c7eeb4294a2aeb6_104416.jpg
Người dân được tập huấn mô hình nuôi hươu sao.

Theo dự án, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống, 30% chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, liên kết với Công ty TNHH SXTM Dịch vụ An Phong (TP Hà Tĩnh) để được cung cấp con giống, kỹ thuật nuôi cũng như bao tiêu sản phẩm.

Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi hươu trên diện tích hơn 5ha với tổng đàn 200 con, mỗi năm cung ứng hàng ngàn con hươu đực và hươu nái cho người chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Ngoài tập huấn kỹ thuật, cung ứng con doanh nghiệp cũng làm hợp đồng thu mua toàn bộ nhung hươu, hươu con và các sản phẩm khác từ hươu.

z5648859190461_403cc22201e2772ddc1cdf852536f395.jpg
Đơn vị liên kết thường xuyên theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hươu cho các hộ dân.

“Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, chúng tôi xây dựng hợp đồng liên kết rất chặt chẽ, thậm chí có chế tài phạt nặng nếu một bên vi phạm. Quá trình thực hiện đều có sự chứng kiến, tham gia của chính quyền các cấp”, ông Hồ Phúc Đồng, Giám đốc Công ty An Phong chia sẻ.

Để nhân rộng được dự án, doanh nghiệp đang phối hợp Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố sử dụng đệm lót sinh học, dùng men vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi, tạo vòng tuần hoàn an toàn trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe con người.

Thành công bước đầu

Sau gần 1 năm thay đổi mô hình vật nuôi, gia đình ông Nguyễn Văn Thành (70 tuổi) và bà Lê Thị Huệ, thôn Tây Bắc, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) đã khai thác được 3 cặp nhung hươu với tổng trọng lượng gần 2kg. Một cặp gia đình để sử dụng, bán 2 cặp thu về trên 13 triệu đồng.

Ông Thành cho biết, trước đây, hộ ông Thành chăn nuôi 4 con bò và 5 con lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh thường xuyên, giá cả bấp bênh khiến thu nhập từ chuồng trại chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng/năm.

z5648859267019_f0bfed252336d5587c0dbb4548f1b9cb.jpg
Được hướng dẫn quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật, các hộ nuôi hươu tại xã Thạch Bình đã cho thu hoạch lượng nhung đạt chất lượng.

Năm 2023, thông qua chính sách hỗ trợ của thành phố, gia đình ông Thành cải tạo chuồng trại, thả nuôi 4 con hươu đực, 1 con hươu cái do một doanh nghiệp cung cấp. Sau gần 1 năm, mô hình mới đã phát huy hiệu quả, đưa lại những tín hiệu vui cho gia đình.

“Đơn vị doanh nghiệp nhận đỡ đầu đã hướng dẫn rất tỉ mỉ cho các hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, khai thác nhung hươu. Tính ra nuôi hươu sao vừa khỏe, đỡ lo, có thu nhập khá mà xóm làng cũng đỡ mất đoàn kết về mùi hôi thối”, bà Huệ phấn khởi.

Theo bà Huệ, nhờ nuôi trên nền đệm lót sinh học nên chuồng nuôi lúc nào cũng sạch sẽ, không có mùi hôi, giảm công vệ sinh chuồng trại, đồng thời đây cũng là nguồn phân hữu cơ dùng để bón cho gần 50 gốc ổi và trồng thêm cỏ voi, đảm bảo được nguồn thức ăn phong phú cho hươu và tăng thu nhập cho gia đình.

z5648859114064_bd4e1ccd6c479688e86524275dc9b389.jpg
Mô hình chăn nuôi hươu sao đang đem lại thu nhập triển vọng cho nhiều hộ dân tại xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh).

Gia đình ông Trần Hữu Bình (thôn Bình Yên) là 1 trong 7 hộ được xã Thạch Bình lựa chọn hỗ trợ chuyển đổi mô hình sang chăn nuôi hươu sao. Ông đã dành quỹ đất để làm chuồng trại, và sử dụng ngô, khoai, sắn, cỏ để làm thức ăn chăn nuôi.

Từ những nghi ngại ban đầu, nay vợ chồng ông đều vui mừng khoe những thành quả đầu tiên. Sau khi được hỗ trợ 50% giá giống thả nuôi 5 con hươu, ông mua thêm 5 con hươu của doanh nghiệp để nhân rộng quy mô.

Sau gần 1 năm, từ đàn hươu ban đầu gia đình ông đã có thêm những lứa hươu con khỏe mạnh. “Nếu bán giống mỗi con sẽ có trong tay khoảng 10 triệu đồng. Thu nhập này hơn hẳn nuôi trâu bò, lợn”, ông Bình nhẩm tính.

Trong thời gian tới, ông Bình cho biết sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm để tăng năng suất đàn hươu cũng như chất lượng của lộc nhung.

“Nhiều năm qua, ngoài trồng trọt, Thạch bình còn có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, vật nuôi như trâu bò, lợn, gà... Các mô hình còn manh mún, nhỏ lẻ. Những năm qua dịch bệnh thất thường khiến mô hình đàn vật nuôi của người dân bị chết, xóa đàn... hệ thống chuồng trại bị bỏ không gây lãng phí. Việc triển khai liên kết nuôi hươu theo chuỗi đã tận dụng, phát huy được lợi thế hiện có của người dân về chuồng trại, ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững. Mô hình còn hạn chế ô nhiễm môi trường so với những mô hình chăn nuôi trước đó”, ông Trần Huy Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ