Nghề dầm mình lội sình
Tờ mờ sáng, ông Nguyễn Duy Đại (trú thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) đã gọi vợ chuẩn bị dụng cụ để đi thu hoạch ngó sen. Dụng cụ mang theo chỉ là chiếc xuồng nhỏ, ủng bảo hộ và găng tay.
Khu đầm khoảng 2ha trồng sen của ông Đại với nhiều chủng loại như: sen cao sản, sen chuyên củ, sen tứ thời... |
Ngó sen là phần non nhất của cọng lá sen, nằm sát gốc của cây sen. Khi những lá sen non vừa mọc và nổi lên trên mặt nước, lá vẫn còn cuốn lại thành một vòng thì sẽ dùng tay nhổ ngó từ lớp bùn dưới gốc sen. Để lấy được ngó sen, người nông dân phải dầm mình hàng giờ đồng hồ dưới sình bùn.
Thời điểm thu hoạch ngó sen cũng là lúc Hà Tĩnh đang trong thời tiết nắng gay gắt, nhiệt độ từ 37-40 độ C. Chính vì vậy, vợ chồng ông Đại xuống ruộng thu hoạch từ 6h sáng đến khoảng 9h. Những hôm trời râm mát có khi đến 11h mới kết thúc buổi làm việc.
Ông Đại chuẩn bị dụng cụ hái ngó sen. |
Để lấy được ngó, ông Đại phải mò mẫm trong bùn, lần tay vuốt từng cọng ngó nằm sâu dưới bùn khoảng 20-30cm rồi kéo lên mặt nước. Sau chừng 10 phút, một thân ngó đã được ông cẩn thận lấy lên dưới lớp bùn. Sau khi rửa sạch, dưới lớp bùn để lộ phần thân màu trắng muốt.
"Sen có nhiều gai nên dễ gây trầy xước tay chân. Lấy ngó sen cũng đòi hỏi cẩn thận vì không khéo sẽ làm hư gãy các thân khác. Tôi phải dùng tay đưa dọc theo cọng lá sen xuống tới gốc sen, vừa rút nhẹ và vừa bẻ để lấy được hết phần ngon nhất của ngó.
Sau nhiều giờ nhổ là bàn tay bị vọp, mủ sen bám đen hết. Trời nắng nóng oi bức, việc nhổ ngó càng thêm vất vả nhưng bù lại kinh tế ổn định, nên vợ chồng tôi cũng chịu khó lội sình bùn thu hoạch”, ông Đại chia sẻ.
Để lấy ngó sen người nông dân phải thọc tay xuống sinh bùn sâu khoảng 30cm. |
Ngó sen sau khi nhổ được rửa sạch, được ngắt thành từng đoạn dài 30-50cm và cột lại từng bó nhỏ trước khi giao cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, ông Đại thu hoạch từ 10 - 15kg, tuỳ vào lượng đặt hàng. Hiện, giá bán mỗi kg ngó sen dao động từ 60.000-65.000 đồng/kg.
Ông Đại cho biết, theo Đông y, ngó sen có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, thải độc, lọc máu, làm sạch đường ruột, trị hôi miệng, nghẹt mũi, xuất huyết sau sinh… Thường xuyên dùng loại thực phẩm này sẽ giúp bổ máu, bảo vệ hệ tiêu hóa hiệu quả, rất tốt cho cơ thể. Ngó sen còn chế biến được nhiều món ăn ngon như: ngó sen xào, gỏi ngó sen, canh ngó sen... Tuy nhiên, ngó sen cũng rất dễ thâm đen nếu không biết cách bảo quản. Vì vậy, chỉ khi nào có người đặt vợ chồng ông mới đi lấy để giữ nguyên hương vị.
Ngó sen sau hái được rửa sạch, ngắt thành từng đoạn nhỏ và cột thành từng bó mới giao cho khách hàng. |
Cũng theo ông Đại, mô hình trồng sen lấy ngó ít tốn chi phí và tương đối nhẹ công chăm sóc. Sen trồng hơn 3 tháng là lấy được ngó và thời gian lấy ngó kéo dài cho đến vài năm, tùy thuộc nguồn nước, thời tiết và kỹ thuật chăm sóc. Ngoài ra, người vừa thu hái bông sen, gương sen, lá… để tăng thêm thu nhập.
Thu nhập ổn định nhờ cây sen
Hiện gia đình ông Đại có gần 2 ha sen với nhiều loại như sen cao sản, sen tứ thời, sen chuyên củ… Trong đó nhiều nhất vẫn là sen cao sản với hơn 1ha.
Kể về cơ duyên đến với nghề trồng sen, ông cười bảo bắt đầu bằng niềm đam mê. Đầu năm 2023, nhận thấy vùng đất trũng tại địa phương phủ đầy bèo tây, hàng chục năm không thể canh tác, ông Đại đã mạnh dạn thuê lại đất của nhiều hộ dân để áp dụng mô hình trồng sen. Thời điểm đó, người đàn ông trồng hơn 1ha sen cao sản với tổng chi phí đầu tư, cải tạo đất khoảng 80 triệu đồng.
Không chỉ thu hoạch ngó, cây sen còn đem lại thu nhập từ lá, củ, hạt... |
“Trước khi bắt tay vào làm tôi đã tìm hiểu phương pháp ở một số mô hình trồng sen ven thành phố và lên mạng tìm thông tin. Sau vài đợt thất bại tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để trồng sen hiệu quả hơn từ cách chọn giống, làm đất…”, ông Đại nói.
Đối với sen lấy ngó, ông Đại cho biết quá trình trồng sen phải liên tục chú ý cải tạo đất ruộng cho tơi xốp, bón phân theo lượng định kỳ, các cây sen trồng cách nhau khoảng 3m. Ngoài ra, bề mặt ao phải giữ đủ lượng nước tiêu chuẩn, việc xử lý các lá sen hư hỏng, tạo độ thoáng cho ruộng phải làm thường xuyên. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật cùng niềm đam mê của mình, đến tháng 6/2023, ruộng sen của ông mới bắt đầu sinh trưởng tốt.
Giống sen cao sản cho năng suất cao để thu hoạch hạt và ngó. |
"Mỗi giống sen lại đem lại kinh tế khác nhau. Ví dụ, loại sen cao sản phù hợp cho hạt và ngó bởi loại này cây khoẻ, có khả năng sinh trưởng mạnh, hạt sen to, ngó sen cũng lớn và dài. Ngoài ra tôi cũng trồng thêm sen chuyên củ để lấy củ. Điều thích nhất khi trồng sen là bất cứ bộ phận nào cũng đưa lại thu nhập, thậm chí lá sen. Nhờ ruộng sen mà gia đình có tiền trang trải các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình. Nghề trồng sen chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại rất khả quan" - ông Đại phấn khởi.
Thời điểm này, việc thu hoạch ngó sen giúp gia đình ông có nguồn thu đáng kể, với mức bình quân từ 300.000-400.000 đồng.
Bình quân chỉ riêng thu hoạch ngó sen đưa về vợ chồng ông Đại từ 300.000-400.000 đồng/ngày. |
Ông Đại cũng cho biết, trong thời gian tới vợ chồng ông dự tính đầu tư để đầm sen trở thành điểm chụp ảnh. Vừa quảng bá mô hình và thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
“Mô hình trồng sen lấy ngó của ông Nguyễn Duy Đại vừa đem lại kinh tế cho hộ gia đình, đồng thời tạo cảnh quan cho địa phương. Từ mô hình của ông Đại, địa phương đang khảo sát thêm nhiều vị trí để nhân rộng mô hình trồng sen lấy ngó”, ông Mai Văn Dy - Chủ tịch UBND xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) thông tin.
Theo thống kê, diện tích trồng sen toàn TP Hà Tĩnh khoảng 25ha trong đó chủ yếu tại các địa phương như Đồng Môn, Văn Yên, Đại Nài, Thạch Trung, Thạch Hạ…
Bên cạnh mô hình trồng sen lấy nguyên liệu, nhiều hồ sen trên địa bàn TP Hà Tĩnh còn góp phần tạo cảnh quan đô thị sạch - đẹp, điểm trải nghiệm, "check in" cho người dân và du khách.