Nhiều giáo viên chuyển công tác vì lương thấp

GD&TĐ - Lương thấp, nhiều giáo viên đã bỏ nghề hoặc tìm cách thi tuyển viên chức ở vùng đồng bằng để chuyển công tác.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tham gia phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Sau thời gian hưởng các chính sách thu hút, thu nhập của giáo viên các trường học ở vùng khó bị sụt giảm trong khi điều kiện dạy học không được cải thiện nhiều so với trước đó. Lương thấp, nhiều giáo viên đã bỏ nghề hoặc tìm cách thi tuyển viên chức ở vùng đồng bằng để chuyển công tác.

Mơ ước đạt 1,1 giáo viên/lớp

Chưa kết thúc năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) đã có 4 giáo viên biên chế xin nghỉ việc, nâng tổng số giáo viên đang thiếu lên 8 người. Nhà trường buộc phải hợp đồng với 4 giáo viên để hạn chế việc dạy tăng – thay. Thế nhưng, sau kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục của huyện, có 2 giáo viên hợp đồng thi đậu viên chức ở vùng đồng bằng.

“Chúng tôi nỗ lực tìm người để hợp đồng với giáo viên đứng lớp nhưng chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm học, rất khó để tìm được người vừa bắt nhịp được ngay với việc dạy – học trong điều kiện thu nhập quá thấp, lại công tác ở vùng cao với nhiều khó khăn”, cô Lưu Thị Nghĩa – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Để không bị trống lớp, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập động viên thầy, cô giáo nhận dạy tăng – thay. Mong ước của Ban giám hiệu nhà trường chỉ đơn giản là đạt tỉ lệ 1,1 giáo viên/lớp (so với chuẩn 1,5 giáo viên/lớp) để dưỡng sức cho đội ngũ, đảm bảo các hoạt động chuyên môn của nhà trường.

“Tuy nhiên, số giờ tăng – thay của nhà trường vượt mức kinh phí được cấp để hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế. Vì vậy, số tiền thanh toán tăng – thay cho giáo viên thực tế là không đủ theo quy định. Rất may là đội ngũ của chúng tôi cùng nỗ lực khắc phục khó khăn, chia sẻ với nhà trường trong giai đoạn thiếu giáo viên trầm trọng này”, cô Nghĩa chia sẻ.

Sau kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục của UBND tỉnh Quảng Nam, cô Trà Thị Hậu, giáo viên biên chế ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My) đã chuyển về dạy học tại huyện Thăng Bình. Sau 5 năm dạy học tại vùng núi cao Nam Trà My (Quảng Nam), mức lương của cô Hậu giảm từ gần 11 triệu xuống còn chưa đến 9 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ 70% phụ cấp cho giáo viên công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn chỉ áp dụng trong 5 năm đầu công tác. Cô Hậu cho biết, một cảnh hai quê, nồi cơm cũng xẻ làm hai nên gần như hai vợ chồng cô không tiết kiệm được khoản nào.

Một giờ học của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam.

Một giờ học của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam.

Nhiều giáo viên sau 5 năm dạy học ở các trường vùng cao, khi đã hết thời gian hỗ trợ phụ cấp khu vực, đều tìm cách chuyển về đồng bằng. Các địa phương vùng đồng bằng của Quảng Nam vẫn đang thiếu giáo viên tiểu học, vì vậy, chỉ cần trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức, số giáo viên này sẽ được miễn thời gian tập sự. Vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi đang công tác ở ngành Giáo dục sẽ được tính vào tăng lương nên gần như giáo viên sẽ được đảm bảo quyền lợi khi đỗ viên chức ở một địa phương khác, chứ không phải “bắt tay làm lại từ đầu”.


Đầu năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) thiếu 2 giáo viên tiếng Anh. Nhà trường buộc phải hợp đồng trái môn với một cô giáo có 2 bằng đại học sư phạm chuyên ngành Vật lý và Tiểu học. “Chúng tôi biết cô giáo này có một thời gian dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở huyện nên nhà trường ký hợp đồng, bố trí dạy môn Anh văn”, thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tuy nhiên, tháng 3/2022, sau khi trúng tuyển viên chức giáo dục tại huyện Bắc Trà My, cô giáo này chấm dứt hợp đồng. Không thể xoay đâu ra người để tiếp tục duy trì dạy Anh văn cho khối lớp 3, 4, 5, nhà trường phải “cầu cứu” Phòng GD&ĐT huyện.

“Chúng tôi đã được Phòng GD&ĐT tăng cường 1 giáo viên Anh văn thay thế cho giáo viên đã thuyên chuyển. Với vị trí giáo viên tiếng Anh còn lại, trường hợp đồng với một giáo viên tốt nghiệp sư phạm tiểu học rồi vừa dạy vừa bồi dưỡng thêm và bố trí dạy lớp 1 - 2”, thầy Ngọc chia sẻ. Mới đây, nhà trường vừa ký hợp đồng với một giáo viên tốt nghiệp sư phạm môn Giáo dục công dân để đứng lớp các môn tự nhiên xã hội và khoa học.

Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My - cho biết, dù đã đề xuất tổ chức riêng kỳ thi tuyển dụng viên chức nhưng số thí sinh trúng tuyển vẫn không đủ so với chỉ tiêu biên chế của cấp tiểu học.

Tại cuộc họp về kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2022 do UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, ông Thuận nêu thực trạng: “Để giải quyết vướng mắc này, huyện có giải pháp là giao các trường tìm kiếm giáo viên hợp đồng, song thực tế không có nguồn giáo viên, nên phải thực hiện dạy trái môn, người có trình độ trung cấp mầm non có thể dạy tiểu học. Mong tỉnh chấp nhận giải pháp này của địa phương”.

Thầy Nguyễn Văn Nhân (bên trái) - giáo viên hợp đồng với mức lương 3 triệu/tháng đang dạy tại điểm trường Ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Thầy Nguyễn Văn Nhân (bên trái) - giáo viên hợp đồng với mức lương 3 triệu/tháng đang dạy tại điểm trường Ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Đào tạo tại chỗ

Tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Trường ĐH Quảng Nam năm 2020, cô Hồ Thị Hồng có 2 năm làm hợp đồng ở UBND xã Trà Nam. Tháng 12/2022, cô Hồng chuyển sang dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My).

“Khi mới ký hợp đồng, Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện để tôi có 1 tháng dự giờ các tiết dạy của thầy cô bậc tiểu học. Trong một tháng học việc, tôi vừa dự giờ, ghi chép các bước lên lớp, mượn luôn cả giáo án của các thầy cô để so sánh với giờ dạy thực tế, học cả cách giảng bài, ghi bảng, chấm bài, nhận xét...”, cô Hồng kể.

Sau một tháng chỉ đi dự giờ và tự học các mô-đun bồi dưỡng giáo viên của Chương trình GDPT 2018 qua tài khoản nhà trường cho mượn, cô Hồ Thị Hồng chính thức được phân công dạy – học lớp 3.

Cô Hồng cho biết: “Giờ tôi vẫn phải đang vừa dạy vừa học từ các thầy cô đi trước. Có không ít tình huống sư phạm, tôi vẫn phải tham khảo cách xử lý từ đồng nghiệp như cách để học sinh tập trung trong giờ học, cách khuyến khích các em có được động cơ học tập tốt, hoàn thành các bài tập được giao...”.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam có 6 giáo viên hợp đồng không được đào tạo chuyên ngành sư phạm mà tốt nghiệp cử nhân ở một số ngành học khác. 6 giáo viên này đều dạy các lớp tiểu học. Ngoài ra, cô giáo Hồ Thị Hiếc, dù trúng tuyển viên chức ở vị trí ứng tuyển cho môn Ngữ văn THCS phải vừa dạy tiểu học vừa thêm 4 tiết Ngữ văn lớp 8 vì nhà trường không đủ giáo viên tiểu học. Trước đó, cô Hiếc là giáo viên hợp đồng dạy tiểu học tại trường.

Thay vì tháng 9 mới bắt đầu ký hợp đồng với giáo viên, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam - cho biết, nhà trường trình lên Phòng GD&ĐT Nam Trà My phương án thời gian hợp đồng được tính từ tháng 8. Nguồn chi trả lương cho giáo viên sẽ cân đối từ kinh phí chi khác của nhà trường. Với cách làm này, theo thầy Chín, giáo viên hợp đồng vừa có thu nhập để “giữ chân”, xem như là chế độ đãi ngộ của trường bởi gần như trường nào cũng thiếu giáo viên cả, tìm kiếm nguồn để ký hợp đồng là rất khó.

Trong tháng 8, nhà trường đồng thời tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị cho giáo viên, sinh hoạt tổ chuyên môn, thảo luận kế hoạch soạn giảng, vận động học sinh ra lớp… “Rất nhiều công việc trong tháng 8 để chuẩn bị tốt cho năm học mới. Nếu giáo viên hợp đồng tham gia từ sớm thì sự chủ động và bắt nhịp trong công việc sẽ tốt hơn”, thầy Chín khẳng định.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện có 17 giáo viên hợp đồng. Trong số này, có 13 giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm tiểu học. Số còn lại, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, nhà trường hợp đồng từ nhiều nguồn như Sư phạm Lịch sử, Địa lý...

“Kỳ thi tuyển viên chức giáo dục Nam Trà My vừa rồi, nhà trường có 2 giáo viên hợp đồng đủ yêu cầu tham gia thi tuyển do đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm. Với 13 giáo viên trình độ trung cấp sư phạm còn lại, chúng tôi động viên và cũng tạo điều kiện cho thầy cô đi học nâng cao để đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi viên chức ngành Giáo dục trong những đợt tới” – thầy Tuấn cho biết.

Với 6 giáo viên hợp đồng trái ngành, Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam động viên và sẽ hỗ trợ để tham gia học bằng 2 đại học sư phạm chuyên ngành tiểu học. “Chúng tôi đã kiến nghị với Phòng GD&ĐT và UBND huyện Nam Trà My có thể hợp đồng với Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng mở một lớp văn bằng 2 ngành sư phạm tiểu học ngay tại huyện. Lớp học này sẽ thu hút số sinh viên tốt nghiệp đại học ở các ngành học khác của địa phương có mong muốn theo nghề dạy học theo học. Đây sẽ là cách tạo nguồn giáo viên tại chỗ, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học cho địa phương”.

Số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển kỳ thi viên chức ngành Giáo dục của bậc THCS vượt xa so với chỉ tiêu biên chế. Thế nhưng, số hồ sơ đăng ký dự tuyển ở bậc tiểu học còn thiếu rất nhiều. Trong khi đó, Nam Trà My vẫn còn một số lượng những sinh viên tốt nghiệp các ngành học khác chưa có việc làm. Đây là những học sinh người đồng bào ngay tại địa phương. Các em được học nội trú từ bé và được đào tạo căn bản. Nếu gửi đi đào tạo đúng chuyên ngành sư phạm tiểu học, cơ hội trúng tuyển viên chức của họ là rất cao và cũng là giải pháp căn cơ nhất để góp phần giữ ổn định đội ngũ giáo viên cho địa phương. - Thầy Võ Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ