Chăm lo cho giáo viên an cư dạy học ở vùng khó

GD&TĐ - Công đoàn ngành Giáo dục Thái Nguyên đã tích cực vận động chăm lo cho đoàn viên, giáo viên “an cư, dạy học” ở vùng khó.

Khu nhà công vụ dành cho giáo viên Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ tiền cải tạo giúp giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp.
Khu nhà công vụ dành cho giáo viên Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ tiền cải tạo giúp giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp.

Thực trạng xuống cấp nhà ở công vụ dành cho giáo viên

Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên hiện có 34 công đoàn cơ sở, với 2.400 đoàn viên, người lao động, trong đó có trên 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang ở nhà công vụ tại 14 trường học.

Trong nhiều năm qua, các khu nhà ở công vụ dành cho giáo viên lưu trú lại tại trường đã và đang xuống cấp theo thời gian, nhận thấy điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các đoàn viên, giáo viên không yên tâm sinh sống. nên việc “bám trường, bám bản” đã phần nào bị ảnh hưởng đến tinh thần cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên tặng quà, động viên giáo viên trường THPT Hoàng Quốc Việt (huyện Võ Nhai).

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên tặng quà, động viên giáo viên trường THPT Hoàng Quốc Việt (huyện Võ Nhai).

Nhiều năm trước đây, các giáo viên vùng xuôi đã tình nguyện lên công tác tại trường THPT Định Hóa vì xa quê nên các thầy, cô phải ở lại trường.

Trước đây, lúc khó khăn, nhà công vụ dành cho giáo viên còn tạm bợ, đến năm 2004, nhà cấp 4 khép kín số 1 của trường THPT Định Hóa được xây dựng, đến năm 2006, nhà cấp 4 khép kín số 2 được khởi công.

Hằng năm, 16 phòng ở nhà công vụ đều có trên 20 giáo viên, nhân viên ở lại, nhiều lúc nhu cầu sử dụng lên cao có phòng ở phải ghép 2 - 3 đồng chí… Hiện tại, trường THPT Định Hóa đang có 21 giáo viên, nhân viên ở khu tập thể (16 người đăng ký tạm trú tại đây, 05 người nhà xa trường nên buổi trưa ở lại).

Trải qua hơn 16 năm sử dụng, cả 2 dãy nhà chưa được sửa chữa, đã xuống cấp nghiêm trọng, mái dột nát, tường và nền bong tróc.

Các đại biểu LĐLĐ, Lãnh đạo sở GD&ĐT, Công đoàn ngành GD tỉnh Thái Nguyên cùng các giáo viên trường THPT Định Hóa tại lễ khánh thành và bàn giao công trình nhà công vụ 2,4 tỷ đồng.

Các đại biểu LĐLĐ, Lãnh đạo sở GD&ĐT, Công đoàn ngành GD tỉnh Thái Nguyên cùng các giáo viên trường THPT Định Hóa tại lễ khánh thành và bàn giao công trình nhà công vụ 2,4 tỷ đồng.

Năm 2022, nhà trường tham mưu với lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Nguyên, Công đoàn ngành GD đã đầu tư 2,4 tỷ để cải tạo, sửa chữa… Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà để xe.

Công trình cải tạo sửa chữa nhà công vụ trường THPT Định Hoá gồm 2 dãy nhà khang trang, có sân chơi cho các cháu, có khu vườn để tăng gia sau mỗi giờ lên lớp…

Cô giáo Ma Thị Nhung, dân tộc Tày là giáo viên Toán, trường THPT Định Hóa đã chia sẻ: “Từ nay, chúng tôi không còn cảnh phải tìm thau, chậu hứng nước khi trời mưa vì nhà dột. Phòng ở khang trang, sạch đẹp tạo động lực cho chúng tôi hoàn toàn yên tâm sinh sống để cống hiến lâu dài cho sự nghiệp giáo dục và tích cực xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.”

Tương tự như trường THPT Định Hóa, năm học 2019-2020, hệ thống mái khu nhà ở công vụ tại trường THPT Hoàng Quốc Việt (huyện Võ Nhai), ảnh hưởng đến sinh hoạt của 18 hộ gia đình, với 44 nhân khẩu, là các giáo viên, nhân viên trong trường xuống cấp nghiêm trọng. Công đoàn ngành đã huy động từ các nguồn khác nhau được 60 triệu đồng để làm lại 300m2 mái nhà.

Khuôn viên khu vườn dành cho giáo viên trồng hoa, trồng rau trước nhà công vụ.

Khuôn viên khu vườn dành cho giáo viên trồng hoa, trồng rau trước nhà công vụ.

Cô giáo Lê Thị Huệ, giáo viên dạy môn Địa lý - người đã gắn bó với mái Trường THPT Hoàng Quốc Việt được 10 năm nay, chia sẻ: “Do nhà ở cách trường hơn 50km nên 3 mẹ con tôi ở nhà công vụ của trường. Trước đây, mái của dãy nhà công vụ được lợp bằng tấm pro xi măng, do sử dụng đã lâu nên mỗi khi có dông lốc, mưa lớn đều bị thủng, dột nát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Những ngày mưa gió phải đứng lớp mà tôi cứ lo ngay ngáy vì chỗ ăn, chỗ ngủ cho ba mẹ con. Từ ngày được thay thế bằng mái tôn, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn hẳn. Ngoài ra, mỗi phòng cũng đã được xây công trình phụ riêng, không còn phải dùng chung như trước nên giáo viên phấn khởi lắm, sống ở tập thể cũng đỡ nhớ nhà hơn.”

Theo thầy giáo Chu Quang Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Quốc Việt cho biết: “Năm học 2022-2023, Nhà trường có 15 thầy, cô giáo đang ở nhà công vụ, trong đó có 13 hộ gia đình.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của ngành Giáo dục và các cấp Công đoàn nên thầy, cô giáo đã có nơi ở khang trang, sạch đẹp hơn, từ đó giúp các giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề, với trường.”

Chăm lo ổn định nơi ở cho giáo viên.

Nhận thấy nhiều khó khăn của giáo viên về nơi ở, Công đoàn ngành giáo dục Thái Nguyên đã vận động mọi nguồn lực hỗ trợ đầu tư nâng cấp nhà ở công vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của đoàn viên, người lao động.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Thái Nguyên, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Công đoàn ngành đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh cùng hỗ trợ; đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực, kêu gọi các công đoàn cơ sở trong khối cùng chung tay chia sẻ khó khăn với cán bộ, nhà giáo, người lao động đang sống tại khu nhà công vụ.

Trong đó, tập trung vào việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa những khu nhà đã xuống cấp, đặc biệt là tại những trường ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sinh hoạt của đoàn viên, người lao động.

PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên tặng quà động viên giáo viên xa quê đang công tác tại trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai).

PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên tặng quà động viên giáo viên xa quê đang công tác tại trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai).

Hiện nay, Công đoàn ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, trong đó sẽ tập trung huy động các nguồn lực sửa chữa, sắp xếp, bố trí nhà công vụ cho giáo viên để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Đồng thời, hằng năm, Công đoàn ngành cũng đề xuất với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo luân chuyển giáo viên đã ở nhà công vụ nhiều năm về công tác tại những trường học ở gần gia đình, để chăm lo bảo đảm cuộc sống tốt hơn và ổn định lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ