Mong ước của giáo viên vùng khó trong ngày 8/3

GD&TĐ - Nhân dịp 8/3, giáo viên vùng khó chẳng mong ước nhiều cho bản thân chỉ hy vọng trò ăn đủ no, mặc đủ ấm trong ngày đông giá rét.

Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang chăm lo cho học sinh như con của mình.
Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang chăm lo cho học sinh như con của mình.

Hạnh phúc bởi những điều bình dị

Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người, ngoài cha mẹ là những bậc sinh thành thì cô giáo chính là người mẹ thứ hai. Những nhà giáo đã dẫn dắt, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò.

Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chia sẻ, ở huyện vùng sâu, vùng xa Kbang mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đa số học sinh rất ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và chăm chỉ học tập. Thế nhưng có một số em cá biệt “ngại” đến lớp hay ngày mùa thường lên nương rẫy rồi ở lại với cha mẹ. Có những nương rẫy, nhà đầm (chòi rẫy) cách trường 10-15km nên mỗi lần đi vận động, đưa học sinh ra lớp rất khó khăn, vất vả.

Giáo viên tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số.
Giáo viên tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số.

Cô Phượng bảo rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn trên hành trình dạy chữ cho học sinh vùng khó nhưng bản thân cô vẫn rất vui và hạnh phúc khi các em đến trường đủ đầy. Quốc tế phụ nữ 8/3 cận kề, quà là điều gì đó rất xa xỉ với giáo viên vùng khó. Thế nhưng giáo viên nơi đây vẫn rất vui khi học sinh nhớ và hiểu được ý nghĩa của những ngày lễ này. Vào những ngày ấy, hoa rừng, rau củ… là món quà to lớn mà cô Phượng và giáo viên nơi này hạnh phúc nhận được.

“Nhân dịp 8/3, tôi không mong ước gì cho bản thân, chỉ hy vọng rằng học sinh có đủ cơm ăn 3 bữa, áo ấm mặc vào mùa đông. Tôi mong rằng các em cố gắng học để biết con chữ, sau này học lên cao, từ đó mới có cơ hội thoát nghèo và phát triển quê hương.

Hy vọng rằng nhà nước, các cấp lãnh đạo tạo mọi điều kiện về chính sách đối với học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó giúp các em được đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở… khi đến trường”, cô Phượng bộc bạch.

Mong có chính sách đãi ngộ riêng cho giáo viên mầm non

Cô Chu Thanh Nu chăm sóc cho từng trẻ mầm non.

Cô Chu Thanh Nu chăm sóc cho từng trẻ mầm non.

Cô Chu Thanh Nu, giáo viên Trường Mầm non xã Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) sinh ra trong một gia đình khó khăn nên sớm phải gánh vác việc gia đình. Thế nhưng với ước mơ trở thành giáo viên, cô Nu vẫn cố gắng, vượt khó để thực hiện. Sau khi tốt nghiệp ra trường vào năm 2008, cô Nu được phân công công tác tại trường Mầm non Thu Lũm – địa phương cô sinh ra và lớn lên. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, những người đi trước cô Nu dần quen và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó cô Nu luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao chất lượng bài dạy…

Cô Nu nói rằng, ở nơi cô công tác cũng như những vùng khó khăn khác ngày lễ 8/3 hay 20/11 ít được mọi người quan tâm. Thế nhưng, ở nơi này phụ huynh hay học sinh vẫn nhớ và tặng cho giáo viên những món quà ý nghĩa, như: gói cơm xôi màu, trứng nhuộm, bánh dày, miếng thịt mỡ…

“Những món quà nhỏ tuy không mang nặng giá trị về mặt vật chất nhưng chứa đựng tình cảm của phụ huynh và học sinh. Chúng tôi luôn trân trọng và thấy vui vì những điều tưởng chừng như nhỏ bé này. Tôi nhớ vào dịp 20/10 vừa qua, một vài phụ huynh cùng con đã mang đến lớp tặng tôi bó hoa và chiếc bánh kem nhỏ bằng bát con. Tuy bó hoa chỉ có 1 bông tự làm từ giấy ăn nhưng đã khiến tôi ấm lòng”, cô Nu chia sẻ.

Học sinh Trường Mầm non xã Thu Lũm vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Học sinh Trường Mầm non xã Thu Lũm vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Nhân ngày 8/3, cô Nu mong ước bản thân và đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để cùng nhau cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

“Thời gian làm việc của giáo viên mầm non hầu như nhiều hơn số giờ quy định nhưng hệ số lương hiện nay thấp nhất so với các bậc học. Cũng từ khó khăn đó, tôi mong muốn sẽ có những chính sách đãi ngộ riêng dành cho giáo viên mầm non để tương xứng với thời gian, công sức của các thầy cô đã cống hiến. Đối với học sinh của trường mầm non xã Thu Lũm, đa số đều là con hộ nghèo, cận nghèo và ở bản đặc biệt khó khăn. Mặc dù khó khăn là thế nhưng học sinh của tôi ở nhà trẻ (2 tuổi) đang phải đóng học phí 100% là 50.000 đồng/ tháng. Tôi mong muốn các con sẽ được miễn, giảm học phí như các anh chị mẫu giáo. Ngoài ra, tôi cũng mong sẽ có được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, nhà hảo tâm để cải thiện bữa ăn và tránh tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ vùng cao”, cô Nu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.