Nhiều dự án du lịch “ngủ yên” bên vịnh đẹp của thế giới

GD&TĐ - Hàng loạt các resort, khu du lịch nghỉ dưỡng mọc lên san sát dọc bờ biển khiến người dân thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt và phát triển kinh tế...

Nhiều dự án du lịch “ngủ yên” bên vịnh đẹp của thế giới
Nhiều dự án du lịch “ngủ yên” bên vịnh đẹp của thế giới ảnh 1Nhiều dự án du lịch “ngủ yên” bên vịnh đẹp của thế giới ảnh 2Nhiều dự án du lịch “ngủ yên” bên vịnh đẹp của thế giới ảnh 3

Bên cạnh đó nhiều dự án du lịch tiền tỷ ở thị trấn này được cấp phép từ 10 năm trước, tuy nhiên đến nay vẫn chỉ là những bãi đất trống cỏ mọc ngổn ngang.

Dự án tiền tỷ cỏ dại mọc đầy

Điển hình là Dự án Khu du lịch xanh Lăng Lô ở thị trấn Lăng Cô của Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam là một trong những dự án có vị trí đắc địa tại đô thị ven biển này.

Dự án có tổng mức đầu tư 169 tỷ đồng, thực hiện trên hơn 6 ha đất nằm bên bờ biển đẹp. 10 năm kể từ khi được cấp giấy phép nơi đây chỉ là mảnh đất bỏ hoang đầy cỏ dại. Trong khi đó tấm biển ghi tên của dự án nằm ngay trên Quốc lộ 1A đã bị gió quật nát từ lâu.

Ông Lê Phú Hiến - một hộ dân bị giải tỏa bởi dự án - bức xúc: “Thật đau xót khi dự án khiến nhiều hộ dân mất đất và công ăn việc làm, đời sống ngày càng tụt dốc, trong khi đất của dân bị bỏ hoang kéo dài sau khi thu hồi”.

Không chỉ lấy đất của dân rồi bỏ hoang, dự án này còn “hành” cả người chết. Dính vào vùng quy hoạch của dự án có cả nghĩa trang liệt sỹ thị trấn Lăng Cô. Hiện nhiều hạng mục của nghĩa trang này đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa thể sửa chữa, di dời vì dự án án binh bất động.

Ông Phan Văn Hồng - cán bộ địa chính thị trấn Lăng Cô - cho biết: Trên địa bàn thị trấn có gần 10 dự án du lịch “trùm mền” kéo dài sau khi được cấp phép. Trong đó có 5 dự án nằm dọc bờ biển, ngoài dự án Khu du lịch xanh Lăng Lô là các dự án của các công ty Thương Mại Việt, Gia Minh Conic, Đất Việt, Pegasus Fund 2.

Tình trạng dự án bỏ hoang không chỉ gây lãng phí đất đai nghiêm trọng mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường, bởi sau khi được cấp phép nhiều chủ đầu tư không đoái hoài đến dự án nên khu vực đất dự án trở thành điểm khai thác cát trái phép.

Những dự án nằm dọc bờ biển “trùm mền” nói trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển kinh tế xã hội của thị trấn. Từ nhiều năm qua, chính quyền thị trấn Lăng Cô rất muốn tỉnh thu hồi các dự án này để phục vụ cho người dân phát triển kinh tế nhưng đến nay số dự án được thu hồi giấy phép chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Dương Đăng Trung - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô - nhận định: “Nếu thu hồi những dự án treo này thì sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trong khi đời sống người dân khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà lượng lớn diện tích đất vàng lại bị bỏ hoang kéo dài như thế là hết sức lãng phí ”.

Dân "bí đường" ra biển

Ngoài ra tình trạng bí đường ra biển là vấn đề nóng của địa phương này gần 10 năm trở lại đây. Không chỉ người dân mà các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc các khu du lịch bịt kín đường ra biển.

Hiện toàn thị trấn Lăng Cô có hơn 60 khách sạn, nhà nghỉ nằm dọc Quốc lộ 1A, trong đó có 30 nhà nghỉ, khách sạn lớn. Hoạt động kinh doanh của những khách sạn, nhà nghỉ này gặp rất nhiều khó khăn bởi khách lưu trú thường có nhu cầu ra biển để tắm rửa, thưởng ngoạn nhưng việc đi lại mất rất nhiều thời gian do có quá ít tuyến đường ngang ra biển.

Mặt khác, nếu ra được bãi biển thì khách cũng không dễ tắm rửa, thưởng ngoạn vì bị một số khu nghỉ dưỡng cản trở, thậm chí là thu phí mặc dù bãi biển không nằm trong diện được cấp đất của những cơ sở này. Tình trạng trên khiến các khách sạn bị mất khách, kinh doanh ế ẩm.

Đặc biệt, khi chính quyền thị trấn tạo điều kiện cho một số hộ dân kinh doanh dọc bãi biển để giải quyết việc làm và phát triển kinh tế thì cũng bị phía các khu nghỉ dưỡng can thiệp vì họ cho rằng khu vực bãi biển thuộc quyền quản lý của mình.

Liên quan đến hàng loạt dự án du lịch Lăng Cô đang "đóng băng", ông Nguyễn Quê - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô - phân tích: Vấn đề nhiều dự án du lịch treo ở thị trấn Lăng Cô đã và đang được tỉnh tập trung giải quyết.

Thời gian qua, nhiều dự án treo ở khu vực này đã bị thu hồi, những dự án treo còn lại ban này và tỉnh đang đốc thúc nhà đầu tư triển khai. Theo ông Quê, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chậm triển khai hoặc thi công cầm chừng các dự án là do thiếu vốn nên thường tìm cách trì hoãn, xin điều chỉnh quy hoạch dự án.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế “vô tư” cấp phép các dự án dư lịch tại thị trấn Lăng Cô trong khi thiếu sự thẩm định năng lực tài chính thực tế của các doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án du lịch "chết yểu" vào thời điểm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ