Nhiều điểm “sốc” & “lạ” trong GD Ấn Độ

GD&TĐ - Cấm con gái đi học vì cần giúp mẹ làm việc nhà; bữa trưa ăn chay ở nhà ăn của trường; trưng bày ảnh học sinh xuất sắc tại các bến ô tô buýt thay cho biển quảng cáo. Hệ thống giáo dục Ấn Độ có thể khiến ai đó bị sốc, ai đó cảm thấy hoàn toàn bình thường. Nhưng cái chính là nó vừa sức với tất cả học sinh. Xin trân trọng bài viết về một số đặc điểm của giáo dục Ấn Độ.

Học sinh tiểu học Ấn Độ
Học sinh tiểu học Ấn Độ

Để hiểu Ấn Độ, cần nắm được hai đặc điểm của đất nước này. Thứ nhất, diện tích của Ấn Độ không lớn lắm, chỉ bằng 1/6 diện tích nước Nga, nhưng về dân số, nó chiếm vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Thứ hai, không thể nói về Ấn Độ một cách chung chung. Bởi ngôn ngữ, mã số văn hóa, ẩm thực, lối sống, trang phục truyền thống, lễ hội, địa vị người phụ nữ, thái độ đối với hôn nhân, giáo dục đều khác nhau ở các bang khác nhau.

Từ tiểu bang Goa thiên đường du lịch, thành phố Mumbai hoa lệ, đến thủ đô New Delhi văn minh và thành phố Jaipur giàu có, tất cả đều giống nhau ở một điểm là giáo dục vừa sức với tất cả mọi người, nhưng chất lượng của nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình.

Nếu như cư dân các khu ổ chuột thường không cho con đi học, thì những người Ấn Độ giàu có lại chọn các trường phổ thông với hệ thống Cambridge để sau này gửi đi học ở nước ngoài.

Thuế giáo dục và việc bảo trợ các gia đình nghèo

Các trường phổ thông công ở Ấn Độ đều miễn phí đối với tất cả học sinh, nhưng trình độ giáo dục của chúng rất thấp. Mỗi lớp có thể có đến 50 học sinh, và được dạy bởi những giáo viên “mệt mỏi”, như người Ấn Độ thường nói. Tiền lương thấp, hơn nữa động cơ học tập của học sinh cũng không có.

Bố mẹ học sinh cũng không mấy quan tâm tới việc học tập của con. Những gia đình sống trong các ngôi nhà ổ chuột nói chung không thấy sự cần thiết của giáo dục, họ cho rằng, con cái họ tốt nhất là học làm một công việc tay chân nào đó. Ngoài ra, họ thường không đủ sức mua đồng phục học sinh, đồ dùng học tập, sách giáo khoa, mặc dù nhà nước đã tạo những điều kiện ưu đãi.

Bà Shibani Ghosh, Giám đốc Dự án Museum school nói: “Giáo dục phải miễn phí đối với tất cả học sinh, từ tiểu học tới đại học – Những phụ huynh Ấn Độ có con từ 3 - 21 tuổi phải trả một khoản tiền nhỏ từ thu nhập của mình với tư cách là tiền thuế giáo dục bắt buộc, bất kể con của họ có đi học hay không. Điều này cho phép tất cả trẻ em được đến trường”.

Ngoài ra, Ấn Độ còn thu thuế giáo dục đặc biệt: Những người lớn Ấn Độ có việc làm chính thức phải trả 3% thu nhập. Nhưng, thứ nhất, số tiền này hiện được sử dụng để duy trì và xây dựng các trường phổ thông ở nông thôn. Thứ hai, trên thực tế, không phải ai cũng đóng thuế.

Ấn Độ hiện đang phát triển hệ thống từ thiện mới: Đó là những người xuất thân từ các tầng lớp trung lưu nhận con em các gia đình nghèo để bảo trợ và trả tiền học phí. Chính bà Shibani Ghosh thường xuyên tìm kiếm các “mạnh thường quân” để giúp đỡ ai đó trong số các học sinh tài năng của dự án.

Tổng cộng hiện nay ở Ấn Độ có gần 150 triệu học sinh phổ thông, riêng ở thành phố Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, có một trường phổ thông thuộc loại lớn nhất thế giới với hơn 40.000 học sinh.

Xe buýt màu vàng đưa đón học sinh ở thành phố
Xe buýt màu vàng đưa đón học sinh ở thành phố

Không có hệ thống nhà trẻ

Vào những buổi sáng ngày thường ở Ấn Độ, bạn có thể nhìn thấy những ông bố chở những đứa con tuổi mẫu giáo trên xe tay ga. Vâng, Ấn Độ không có hệ thống nhà trẻ, đây cũng là một nét truyền thống. Chức năng này thuộc về gia đình, do các mẹ, bà, cụ không đi làm đảm nhiệm. ở Ấn Độ, một số thế hệ thường chung sống trong một ngôi nhà. Tuy nhiên, trẻ em 3 - 4 tuổi bắt đầu tham gia các lớp học 3-4 giờ/ngày. Thầy giáo chơi, vẽ tranh với các em, dạy đếm, tiếng Anh ngay trong trường phổ thông. Có cả sổ điểm và bài tập về nhà.

Lên 6 tuổi, học sinh chính thức vào học lớp 1. Giáo dục bắt buộc từ lớp 1 - 10. Ấn Độ có các loại hình trường công, tư thục, trường dòng, trường nội trú, trường võ bị. Ở nông thôn, cho đến nay học sinh vẫn ngồi học trên sàn nhà, trong khi các trường mất tiền ở thành phố được trang bị các phương tiện hiện đại như computer, phòng luyện tập thể thao, vũ ba lê, yoga, bể bơi, sân bóng chuyền. Học phí tại các trường này có thể lên tới 15.000 rupee/tháng.

Học sinh Ấn Độ học các môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Nghệ thuật tạo hình, Cơ sở pháp lý và khoa học (Hóa, Vật lý, Sinh vật). Các em còn phải học nhiều ngôn ngữ: Tiếng Anh, Hindi, phương ngữ của bang và sanskrit. Ngoài ra còn có các ban, tổ, nhóm... nhưng việc học tập ở đây không miễn phí.

Học sinh Ấn Độ luôn luôn mặc đồng phục của trường mình: áo sơ mi, quần dài và khăn, áo vét, áo saraphan hay váy và đi tất giống nhau, cà vạt, giày. Những học sinh sống ở xa trường, có xe bus màu vàng sớm chiều đưa đón, bố mẹ hàng tháng chỉ đóng một khoản lệ phí nhỏ. Thế nhưng, với sự giúp đỡ của một số gia đình, ở tất cả các trường học sinh được ăn uống miễn phí.

Nghỉ hè ít, nhưng nghỉ lễ nhiều

Học sinh Ấn Độ học 5-6 ngày/tuần, mỗi ngày từ 6-8 tiết. Cho đến nay vẫn tồn tại trường dành cho nam và nữ. Không có môn Văn theo cách hiểu thông thường của chúng ta – học sinh đọc các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Ấn Độ và Anh trên các giờ học tiếng hoặc ngoại khóa.

Rất hiếm khi học sinh được chấm điểm hàng ngày: Kiến thức được kiểm tra tại các kỳ thi. Một môn học có thể đạt tối đa 100 hoặc 150 điểm. Bầu không khí giữa học sinh và giáo viên rất thân mật. Mọi người xưng hô với nhau theo tên, đôi khi theo họ, đối với các giáo viên thì thêm tiếp đầu từ bà hoặc ông.

Ấn Độ có rất nhiều lễ hội và các hoạt động. Nếu như học sinh Ấn Độ được nghỉ hè tương đối ít (từ tháng 5 đến hết tháng 6), thì bù lại các em được nghỉ lễ rất nhiều, vì dân Ấn theo đạo Hindu, đạo Hồi và Cơ đốc. Ngoài ra các em còn được nghỉ lễ Giáng sinh, lễ Diwali, Holi (lễ hội mùa xuân của người theo đạo Hindu), ngày Quốc khánh và nhiều lễ hội khác.

Sau khi học xong lớp 10, nghĩa là vào năm 14 - 15 tuổi, học sinh có thể nhận bằng tốt nghiệp trung học và vào học cao đẳng. Để vào đại học các em phải học thêm ở trường phổ thông hai năm nữa gọi là Highschool, nhưng phải trả tiền.

Ở các lớp cuối cấp, học sinh tực chọn các môn học, học chuyên sâu các môn cần thiết để học tiếp. Việc tuyển chọn vào cao đẳng và đại học diễn ra trên cơ sở điểm số đạt được tại các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Cuối mỗi năm học, các báo địa phương đều đăng ảnh của những học sinh xuất sắc của các lớp tốt nghiệp. Ở một số thành phố, thậm chí người còn treo ảnh các em khắp thành phố thay cho quảng cáo. Các bậc phụ huynh Ấn Độ rất sung sướng và tự hào khi nhìn thấy ảnh con mình được treo như vậy.

Theo báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ