Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua: Minh bạch, bình đẳng

GD&TĐ - Các trường hợp thu hồi đất, giao đất không thông qua đấu giá... là những điểm nổi bật trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Quyết tâm, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo

Vừa qua, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%). Như vậy, với đại đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 260 điều.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại 3 kỳ họp thứ 4, 5 và thứ 6; cũng là dự án luật được tổ chức lấy ý kiến toàn dân với khoảng 12 triệu lượt ý kiến đóng góp. Đến kỳ họp bất thường lần này là kỳ họp thứ 4 dự án luật được Quốc hội xem xét, trong khi quy trình xây dựng luật thông thường, Quốc hội chỉ xem xét một dự án luật trong 2 kỳ họp.

Dự án luật cũng 6 lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức. Chưa kể, Quốc hội cũng đã tổ chức 2 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo luật đã bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật). Trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về 18 nhóm vấn đề lớn.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Trên cơ sở 29 ý kiến phát biểu và 9 ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh cho hay, Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu Quốc hội nào phát biểu thêm.

“Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh nói.

Tăng tính minh bạch trên thị trường bất động sản

Các chuyên gia về bất động sản đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua có nhiều thay đổi được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải nộp lại số tiền miễn giảm sẽ tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Đặc biệt, đối với các hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đặc thù sẽ hạn chế được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn tới giải thể doanh nghiệp.

Một thay đổi đặc biệt quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi) là bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Quy định này sẽ giúp giảm chênh lệch địa tô, những doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính sẽ có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án.

Điều đó có thể tiếp tục đẩy giá các dự án thương mại lên cao, ảnh hưởng tích cực lên các doanh nghiệp đang sở hữu dự án đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và bắt đầu đi vào triển khai trong các năm tới.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), như nội dung trong Luật Đất đai sửa đổi thì việc tiếp cận đất đai sẽ được điều chỉnh theo hướng công khai, minh bạch và bình đẳng cho tất cả các đối tượng liên quan.

Thông qua các hình thức đấu giá, đấu thầu, doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và lịch sử sử dụng đất hiệu quả sẽ chiếm ưu thế. Đặc biệt, cơ chế mới sẽ giảm tối đa các quan hệ “xin - cho”. Qua đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Cũng theo ông Đính, những doanh nghiệp “đầu cơ” đất với mong muốn kiếm chênh lệch địa tô sẽ “không còn đất sống”. Theo đó, doanh nghiệp làm thật sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai hơn và chi phí để phát triển dự án từ đó cũng có cơ hội được giảm xuống.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đồng tình rằng, Luật Đất đai sửa đổi sẽ tăng tính cạnh tranh thị trường bất động sản. Cụ thể, liên quan tới quy định “chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc “đất ở và đất khác”.

Trong trường hợp không phải đất ở mà muốn chuyển thành đất ở thì phải thông qua đấu giá, đấu thầu. Qua đấu giá, địa tô đó sẽ được thể hiện thông qua giá trúng đấu giá. Điều này góp phần minh bạch trong đất đai, những nhà đầu tư thực sự có năng lực, khả năng đầu tư sẽ nắm được dự án.

Liên quan tính cạnh tranh của thị trường bất động sản, ông Đỗ Minh Đức, Trưởng phòng Dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) của Công ty Cổ phần chứng khoán APG cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cũng có thể tác động lên thị trường chứng khoán (kênh huy động vốn cho doanh nghiệp), đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn.

Theo lý giải của ông Đức, mục tiêu mà Luật Đất đai hướng tới để khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, tránh đầu cơ, đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, những doanh nghiệp có tài chính đủ lành mạnh, có năng lực phát triển bất động sản tốt, có quỹ đất sạch sẽ được hưởng lợi, những doanh nghiệp yếu kém về nguồn lực, tập trung vào đầu cơ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực.

Những doanh nghiệp này khi niêm yết trên sàn chứng khoán cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, qua đó phản ánh vào thị giá cổ phiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ