Chậm công bố kết quả chọn sách sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt các công việc tiếp theo, như in ấn, phát hành, tập huấn sử dụng sách… Đội ngũ giáo viên (GV) cũng vì thiếu thông tin về bộ sách mình sẽ giảng dạy trong năm học tới không tránh khỏi băn khoăn.
Cần đẩy tiến độ chọn sách
Để bảo đảm tiến độ và chất lượng chọn SGK, những văn bản, quyết định quan trọng được Bộ GD&ĐT ban hành sớm. Theo đó, Thông tư 25 quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông được ban hành vào 9/2/2021; danh mục SGK lớp 2, lớp 6 được Bộ GD&ĐT phê duyệt công bố từ 9/2/2021. Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp bản PDF các SGK được phê duyệt trên website của nhà xuất bản trước ngày 21/2 để GV tìm hiểu, nghiên cứu. Việc chọn SGK tại địa phương được yêu cầu hoàn thành trước khai giảng năm học mới 5 tháng để thực hiện kịp thời, có chất lượng các khâu in ấn, phát hành, tập huấn GV sử dụng SGK.
Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, nhưng cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương chưa báo cáo về Bộ GD&ĐT và thông báo đến GV, học sinh (HS), phụ huynh học sinh (PHHS) danh mục SGK được UBND tỉnh phê duyệt. Lý do được đưa ra là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, GV vừa phải thực hiện công tác dạy học như bình thường; vừa tiếp cận, nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK; vừa tham gia các công tác chuyên môn khác, tham gia tập huấn các mô đun để triển khai CTGDPT mới… nên thời gian đề xuất được danh mục sách kéo dài. Việc xáo trộn về nhân sự lãnh đạo cũng được cho là một trong những lý do nhiều địa phương thời gian chọn SGK kéo dài hơn dự kiến…
Thông tin từ Sở GD&ĐT Thái Bình, cuối tháng 4, đầu tháng 5, địa phương sẽ hoàn thành chọn sách. Sở GD&ĐT khẳng định sẽ bảo đảm việc cung ứng đủ SGK trước năm học mới; hoàn thành công tác tập huấn dự kiến trước 15/7.
Bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Ngày 26/4 các hội đồng đã chọn xong SGK. Hiện các phòng của sở đang hoàn thành thủ tục xin ý kiến giám đốc. Trong 2 ngày 26, 27/4, sở sẽ hoàn thiện và gửi UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK được chọn.
Lý giải nguyên nhân vì sao có tới 50% địa hương trên toàn quốc đã hoàn thành xong chọn SGK còn ngành GD-ĐT Ninh Bình gần cuối tháng 4 mới hoàn thành và gửi lên UBND tỉnh phê duyệt, bà Phạm Thị Tuất chia sẻ: Trước khi các cơ sở bước vào chọn SGK, sở đã làm công văn gửi Sở Tư pháp xin ý kiến việc sử dụng tiêu chí chọn sách đã ban hành theo Thông tư 01 và được trả lời đồng ý bởi giữa Thông tư 01 và 25 không có sự thay đổi. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Bình lại yêu cầu phải xây dựng lại tiêu chí chọn SGK, xin ý kiến của UBND các huyện, thành phố rồi trình lên UBND tỉnh. Như vậy, quy trình chọn SGK lớp 2, lớp 6 của Ninh Bình bắt đầu chậm hơn để hoàn thành các thủ tục.
Tuy vậy, bà Phạm Thị Tuất cho rằng: Theo Thông tư 25, việc chọn SGK phải hoàn thành trước 5 tháng khi bước vào năm học mới. Như vậy nếu việc chọn và phê duyệt SGK được Ninh Bình hoàn thành trong tháng 4 vẫn bảo đảm đúng quy định, không ảnh hướng tới kế hoạch, tiến độ bồi dưỡng CBQL, GV dạy lớp 2 theo lịch của Bộ và các nhà xuất bản đưa ra vào tháng 7.
Ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho biết: UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định danh mục SGK được chọn. Bắc Giang đang hoàn thành khâu tổng hợp số lượng SGK được chọn. Ông Giáp tin tưởng sở GD&ĐT sẽ hoàn thành việc cung ứng đủ SGK tới các nhà trường, HS trước năm học mới.
Hạn chế chất lượng tập huấn
Chậm chễ trong lựa chọn SGK tại địa phương sẽ kéo theo in ấn, phát hành sách cũng bị chậm. Thời gian tập huấn sử dụng SGK cho GV vì thế bị rút ngắn. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, việc bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 phải hoàn thành trước ngày 31/7. Bảo đảm 100% GV dạy học lớp 2, 6 năm học 2021 - 2022 và CBQL các cơ sở giáo dục đều được tập huấn theo các lớp học tương ứng với môn học/hoạt động giáo dục với từng bộ SGK tại địa bàn tỉnh, thành phố.
An Giang đã hoàn thành việc chọn SGK và đang triển khai các công đoạn tiếp theo. Trong đó có việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn các đầu sách đã được UBND tỉnh phê duyệt; tập hợp số lượng sách cơ sở đăng ký để nhà xuất bản in ấn; liên hệ với nhà xuất bản lên kế hoạch tập huấn GV sử dụng SGK… “Hoàn thành chọn SGK càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến các công đoạn tiếp theo, đặc biệt là khâu tập huấn. Tinh thần của An Giang là GV phải được tập huấn đầy đủ, thông suốt nhất về nội dung chương trình, cách khai thác sử dụng sách để triển khai tốt nhất Chương trình, SGK mới” – ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang thông tin.
Theo bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Ninh Bình, ngành GD-ĐT Ninh Bình sẽ bồi dưỡng cho 100% CBQL, GV dạy lớp 2, lớp 6 và một số GV dự phòng. UBND tỉnh đã cấp kinh phí mua tài khoản bồi dưỡng trực tuyến cho toàn bộ đội ngũ. Việc bồi dưỡng tiến hành theo hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. Bồi dưỡng trực tiếp căn cứ theo lịch của Bộ; Còn bồi dưỡng trực tuyến dựa theo nhu cầu của GV để tổ chức lớp phù hợp... Việc bồi dưỡng sẽ hoàn thành trước 31/7.
Bắc Giang dự kiến bồi dưỡng cho 3.000 CBQL, GV dạy lớp 2. GV dạy 5 môn văn hóa sẽ bồi dưỡng cả 5 môn; GV dạy Ngoại ngữ, Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật… cũng được bồi dưỡng theo chuyên môn. Các lớp bồi dưỡng sẽ chia ra theo lớp nhỏ. Với GV bộ môn chuyên (khoảng gần 200 người) bồi dưỡng trực tiếp; GV văn hóa (hơn 1.600 GV) bồi dưỡng trực tuyến.
Để bồi dưỡng trực tuyến hiệu quả, theo ông Hà Huy Giáp, sở phân chia theo từng huyện, mỗi huyện vài cụm, trong đó có cả lãnh đạo phòng GD&ĐT và các trường. Mỗi cụm có phân công quản lý và trao đổi trực tiếp theo các cụm.
Mặc dù, các địa phương đang gấp rút hoàn thành chọn SGK và không quá lo lắng với kế hoạch bồi dưỡng GV theo SGK mới. Song là tác giả viết SGK, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ - thành viên nhóm biên soạn chương trình môn Lịch sử cho rằng cần có thời gian thích đáng cho việc này. Đây là khâu vô cùng quan trọng giúp GV làm quen, nắm rõ nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo SGK mới.
Cũng theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, tùy theo tình hình dịch bệnh và điều kiện cụ thể tại địa phương, hình thức tập huấn có thể là trực tuyến hoặc trực tiếp. Nhưng cách tập huấn tốt nhất là theo từng nhóm nhỏ, GV được “cầm tay, chỉ việc” một cách cụ thể. Đồng thời, tác giả viết sách cũng có thời gian giải đáp các thắc mắc của thầy cô, nêu được điểm mới của sách, hướng dẫn kỹ hơn các bài khó về nội dung, cũng như hướng dẫn đổi mới về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực.