Sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, Nga bắt đầu rút một số quân và thiết bị quân sự khỏi quốc gia Trung Đông này.
Sau một thời gian, tình báo Ukraine báo cáo rằng, Nga đang gặp vấn đề trong việc sơ tán binh lính cũng như thiết bị quân sự khỏi Syria.
Người phát ngôn của hải quân Ukraine, Dmytro Pletenchuk, cho biết các tàu của Nga không thể vào cảng Tartus của Syria ở Biển Địa Trung Hải vì họ chưa được chính quyền địa phương cấp phép.
"Tình hình ở Địa Trung Hải rất thú vị. Họ (các tàu Nga) vẫn đang ở trên biển. Họ chưa được phép vào căn cứ... Cho đến nay, họ đã ở ngoài khơi trong nhiều ngày và không thể vào cảng", ông Pletenchuk cho biết.
Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, tàu Sparta mà Nga sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự đã không thể vào cảng Tartus trong hơn năm ngày.
"Điều này gây nguy hiểm cho việc di tản vũ khí và thiết bị của Nga khỏi Syria", ông Militarnyi viết .
Tàu Ursa Major của Nga, đang vận chuyển hàng hóa chiến lược, đã chìm ở Biển Địa Trung Hải sau một vụ nổ ở phòng động cơ.
Công ty sở hữu tàu, Oboronlogistika, cho biết, có ba vụ nổ xảy ra ở mạn phải trước khi tàu chìm. Người Nga tin rằng, con tàu đã bị phá hoại.
Tàu vận tải Sparta II và tàu chở dầu Ivan Skobelev vẫn được nhìn thấy tiếp tục di chuyển ở vùng biển trung lập gần bờ biển Syria, chờ được phép cập cảng.
Trong khi đó, con tàu Baltic Leader đã quay đầu và rời khỏi Biển Địa Trung Hải, hướng đến Nga, còn tàu Lady Mariia hướng đến Biển Baltic vào ngày 12/1/2025.
Các nguồn tin lưu ý rằng, hiện tại, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Damascus đã bị đình trệ. Tuy nhiên, không có thông báo chính thức nào về vấn đề này từ cả hai bên.
Các chuyên gia liên kết những gì đang xảy ra, nhận định rằng, mối quan hệ giữa Moscow và Damascus đang xấu đi.
“Trong bối cảnh tình hình kinh tế xấu đi ở Syria và căng thẳng nội bộ gia tăng, giới lãnh đạo Syria có thể đang sử dụng lệnh phong tỏa như một công cụ gây sức ép để có được thêm các nhượng bộ hoặc hỗ trợ tài chính từ Nga”, một vị chuyên gia cho biết.