Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm.
“Giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh dễ tiếp cận”
Đó là nhiều nhận xét của độc giả mà chính là các giáo viên, bậc phụ huynh, học sinh khi gần 1 năm được tiếp cận sách giáo khoa ở lớp 1. Cô Ánh Tuyết tán thành với lời nhận xét này. Cô nhìn nhận thêm, đây chính là một trong những điều kiện cần của việc thiết kế sách giáo khoa mới theo Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT.
Các nhà xuất bản sách đã biên soạn đảm bảo được yêu cầu. Nhìn chung sách giáo khoa thiết kế đẹp, khoa học, theo hướng mở, không phô bày kiến thức sẵn có nên giáo viên chủ động, còn học sinh tích cực hóa hoạt động. Bên cạnh đó phụ huynh cũng dễ tiếp cận để cùng đồng hành các con trong việc thực hiện chương trình mới.
"Phiên bản điện tử của các bộ sách giáo khoa là nguồn tài liệu hỗ trợ rất lớn cho giáo viên, học sinh và phụ huynh rất lớn trong việc học tập” – cô Tuyết cho hay.
Cô Tuyết cũng cho biết, hơn 1 kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, nhà trường, giáo viên đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc dạy học.
Qua đây, cô cũng có lời khuyên: “Nếu được truyền đi một thông điệp về Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi muốn gửi gắm tới tất cả giáo viên đang giảng dạy ở môi trường tiểu học: "Hãy là một giáo viên tiên phong trong đổi mới, khắc phục mọi khó khăn chắn chắn bạn sẽ thành công. Còn đối với bản thân tôi, trong gần một năm thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa, cái mà tôi thấy thành công nhất là đã góp phần vào mục tiêu chung của chương trình, thực hiện tốt định hướng, phẩm chất và năng lực của học sinh".
Khi nhận xét về bộ sách “Cánh Diều”, cô Tuyết cũng đánh giá: "Sau gần một năm thực hiện chúng tôi thấy về cơ bản bộ sách có nhiều cái được. Cụ thể, sách có tính kế thừa và đổi mới so với chương trình giáo dục hiện hành; nội dung kiến thức nhìn chung khá phù hợp, thiết kế theo hướng mở; giáo viên, học sinh dễ sử dụng, tiếp cận.
Tất nhiên, bộ sách vẫn còn một số hạn chế như: về tính chính xác ở một số ngữ liệu, một số bài đọc quá dài ở môn Tiếng Việt. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên điều chỉnh và linh hoạt, không cứng nhắc trong sử dụng sách giáo khoa. Tới đây, trong việc lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 2, chúng tôi vẫn tiếp tục lựa chọn bộ sách này".
Nói về những cải tiến về chương trình dạy học và sách giáo khoa có gây áp lực cho giáo viên không? Cô Tuyết thẳng thắn thừa nhận: Để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội thì việc đổi mới giáo dục là điều tất yếu. Theo tôi trước một vấn đề đổi mới sẽ gặp những khó khăn nhất định. Việc thay đổi chương trình dạy học và sách cũng như vậy.
Thế nhưng việc thay đổi chương trình dạy học và sách không gây áp lực cho giáo viên, do nhà trường ngay từ đầu đã làm tốt công tác tuyên truyền tốt, tạo cho giáo viên một tâm thế chủ động trong việc thay sách...
Với trường, từ khi triển khai sách giáo khoa ở lớp 1 và nay tiến tới lớp 2, lãnh đạo và giáo viên nhà trường đã tiếp cận, học hỏi, tìm hiểu kỹ về chương trình mới này. Đồng thời, khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nội dung chương trình để thành công trong việc đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại trường
Về lựa chọn sách giáo khoa ở lớp 2, trường có ý kiến tham mưu lên Phòng giáo dục, Sở Giáo dục là tiếp tục lựa chọn bộ sách này không? Cô Tuyết cho hay, trong quá trình lựa chọn chúng tôi thấy mỗi bộ sách đều có ưu thế riêng, tuy nhiên mong muốn bộ sách phù hợp với vùng miền và điều kiện tổ chức dạy học tại nhà trường, bộ sách "Cánh Diều" đáp ứng yêu cầu của trường.
Tiếp tục thực hiện chương trình mới cho lớp 2, Trường tiểu học Bắc Hà đã tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, cung cấp đầy đủ các kênh tài liệu giúp giáo viên thuận lợi trong công tác tập huấn.
Bên cạnh đó nhà trường chủ động tập huấn các nội dung, văn bản chỉ đạo liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên toàn trường. Đồng thời, tổ chức dạy thí điểm một số tiết dạy để có cơ sở đánh giá sách giáo khoa.
Học sinh chủ động, tự tin, hào hứng
Cô đánh Trịnh Thị Ánh Tuyết cũng đánh giá, với chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, thái độ của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1: chủ động, tự tin, vui vẻ, hào hứng đã tạo nên hiệu quả giờ học cũng tăng lên.
Trong quá trình học tập vai trò của phụ huynh hết sức quan trọng, bố mẹ cùng đồng hành, tạo động lực cũng như có thể hướng dẫn cho các con trong học tập.
“Tôi có thể lấy ví dụ, ở lớp giáo viên là người đóng vai trò giảng dạy, tổ chức hoạt động học tập. Còn ờ nhà, bố/mẹ như một người bạn đồng hành ở bài học với con” – cô Tuyết nói.
Kết thúc một học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, giáo viên, học sinh Trường tiểu học Bắc Hà cũng như các trường tiểu học khác trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng bắt nhịp chương trình.
Giáo viên đã sớm ổn định nề nếp học tập, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giáo dục con em. Khi lên lớp, giáo viên đảm bảo chương trình, chủ động, linh hoạt để thực hiện dạy học phù hợp, tạo hứng thú học tập, không gây áp lực đối với học sinh.
Điều mà tôi thấy, sau mỗi tiết giảng dạy, cái mà giáo viên thấy được nhất ở Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 như một câu đánh giá mà độc giả vừa hỏi tôi: "Ba cái được của sách giáo khoa mới là: giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh dễ tiếp cận" – cô Tuyết thừa nhận.
Với đặc thù trường thành phố, trường đạt chuẩn nhiều năm liền, Trường tiểu học Bắc Hà nằm ở trung tâm thành phố Hà Tĩnh, được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp hết sức quan tâm, phụ huynh luôn đồng thuận, đồng hành cùng nhà trường trong công tác giáo dục. Việc xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn cũng như đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới thuận lợi.
Cơ sở vật chất tại Trường tiểu học Bắc Hà đáp ứng tốt việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới.
Là người đứng đầu trường Tiểu học, cô Tuyết cũng có đề xuất gì đối với các cấp lãnh đạo cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 được thuận lợi hơn.
Cụ thể, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 2 sắp triển khai. Ở góc độ nhà trường, mong muốn Bộ GD&ĐT sớm cung ứng kịp thời đồ dùng dạy học, bản cứng của các loại sách để giáo viên thuận lợi trong việc tiếp cận sách, chủ động nghiên cứu, hỗ trợ giáo viên trong dạy học nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. Hiện trường mới có bản cứng bộ sách "Cánh Diều", còn các bản cứng khác chưa nhận được.