Hiệu quả tích cực từ dự án 'Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa'

GD&TĐ - Nhiều năm qua, dự án "Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa" đã góp phần quan trọng vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam với bè bạn quốc tế.

Bà Đào Thị Liên Hương (trái) cùng họa sĩ Nguyễn Hải Kiên bên một tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn thành.
Bà Đào Thị Liên Hương (trái) cùng họa sĩ Nguyễn Hải Kiên bên một tác phẩm nghệ thuật vừa hoàn thành.

Ý tưởng xuất phát từ thực tế

Bà Đào Thị Liên Hương - Tổng Thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Giáo dục và Ngôn ngữ Thế giới, Nguyên Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, ý tưởng về việc quảng bá văn hóa và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế bằng tranh đã được nhen nhóm từ nhiều năm trước khi bà cùng đoàn công tác đi sang nước ngoài.

"Đi thăm một số Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, tôi thấy các bức tranh treo tại các sứ quán và tổng lãnh sự quán chủ yếu là tranh quà biếu của các đoàn ghé qua sứ quán tặng như tranh thêu và tranh sơn mài. Đây là dòng tranh quà biếu và được làm hàng loạt. Những bức tranh vẽ, tranh sơn mài mang tính mỹ thuật cao gần như chưa có. Đại sứ quán là bộ mặt của đất nước, giá như các họa sĩ trong nước có thể chung tay quyên tặng tranh để quảng bá mỹ thuật Việt Nam tại đây thì là điều quá tuyệt vời" - bà Liên Hương tâm sự.

Bức tranh do các họa sĩ tham gia dự án vẽ chân dung HLV Park Hang Seo được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cho chiến lược gia người Hàn Quốc.

Bức tranh do các họa sĩ tham gia dự án vẽ chân dung HLV Park Hang Seo được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng cho chiến lược gia người Hàn Quốc.

Nói là làm, từ thời điểm đầu tháng 3 năm 2017, bà Đào Thị Liên Hương đã mạnh dạn đưa ý tưởng của mình lên mạng xã hội. Đã có nhiều họa sĩ và đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đăng ký tham gia dự án quyên góp tranh cho các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày 26/3/2017, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, nhóm hơn 30 hoạ sĩ đã cùng ngồi với nhau, trước sự chứng kiến và ủng hộ của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam đã được thành lập và tuyên bố khởi động Dự án Ngoại giao văn hóa và Mỹ thuật Việt Nam. Mục tiêu của dự án là thông qua Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài sẽ quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Ban vận động "Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam" còn tặng tranh cho một số bệnh viện lớn ở Hà Nội trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Ban vận động "Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam" còn tặng tranh cho một số bệnh viện lớn ở Hà Nội trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.

Theo bà Liên Hương, sau khi qua các vòng thẩm định của hội đồng nghệ thuật, tính đến nay đã có khoảng 300 bức tranh do các họa sĩ Việt Nam vẽ với đa dạng các chủ đề được trao tặng cho hơn 40 Đại sứ quán, Tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó có thể kể tới các quốc gia như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức, Thái Lan, Ấn Độ...

Các họa sĩ thông qua những tác phẩm nghệ thuật đã hợp tác rất tốt với Bộ Ngoại giao để cùng quảng bá hình ảnh Việt Nam. Những tác phẩm này giúp hình ảnh đất nước Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới. Dự án là một cách giúp đưa hình ảnh Việt Nam đến với các nước phong phú hơn, thể hiện tình cảm, sự trân trọng của Việt Nam đối với khách quốc tế.

Những bức tranh mang sứ mệnh đặc biệt

Họa sĩ Nguyễn Hải Kiên trong quá trình hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Nguyễn Hải Kiên trong quá trình hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật của mình.

Là một trong những thành viên tham gia tích cực của Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Hải Kiên - Giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khẳng định, lý do mình chung tay vào dự án lần này bởi ý nghĩa sâu sắc ngay từ khi thành lập dự án. Vừa cân đối thời gian giảng dạy trên lớp, họa sĩ Hải Kiên vừa bố trí thời gian để vẽ nên những bức tranh sơn mài về phong cảnh Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Hải Kiên cũng là 1 trong 6 họa sĩ được mời chọn để vẽ bộ tranh 12 bức chân dung của 12 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ. Nam họa sĩ là chủ nhân của hai bức chân dung của hai nhà ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Xuân Thủy. Người vẽ phải vô cùng cẩn trọng với từng nét vẽ, bởi nhân vật mình vẽ là những con người rất lịch thiệp, mềm mỏng nhưng ẩn sâu bên trong lại là những tính cách kiên quyết.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng ngài Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio một bức tranh có chữ ký của mình.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng ngài Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio một bức tranh có chữ ký của mình.

"Ngoài ra, tôi và một số họa sĩ khác đang công tác tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cùng tham gia dự án như các họa sĩ Lê Đức Tùng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Cường, Hoàng Đức... Mỗi người đều có phong cách vẽ riêng về các chủ đề con người, phong cảnh, sinh hoạt đặc trưng của người Việt Nam. Tất cả đều có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp ngoại giao văn hóa" - họa sĩ Hải Kiên cho hay.

Bên cạnh việc vẽ và góp tranh trang trí các Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, các họa sĩ của Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam đã tham gia mang những bức tranh đẹp tiêu biểu của mỹ thuật đương đại Việt Nam trang trí cho các sự kiện quan trọng của đất nước như: APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên (2019), các sự kiện quan trọng của năm ASEAN Việt Nam năm 2020...

Không chỉ trang trí, các họa sĩ của Ban còn nhiệt tình vẽ tranh để các nhà lãnh đạo Việt Nam tặng lãnh đạo các nước tới Việt Nam tham dự các sự kiện ngoại giao. Cùng với đó, tranh của Dự án được mở rộng không gian trang trí đến trụ sở các cơ quan Nhà nước như phòng họp, làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ; phòng khánh tiết, các phòng họp Bộ Ngoại giao; phòng khánh tiết của UBND TP Đà Nẵng.

Bà Đào Thị Liên Hương cho biết những bức tranh được chọn lọc tham gia trưng bày, trang trí phong phú về khuynh hướng, đa dạng về chất liệu như sơn mài, sơn dầu, màu nước, khắc gỗ, giấy dó… cũng như phong phú về nội dung, đề tài thể hiện. Bạn bè quốc tế, công chúng có thể thấy được phong cảnh Việt Nam hiện ra thanh bình và huyền ảo hay như sự công phu tái hiện sinh hoạt, lễ hội truyền thống qua các bức tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.