Nhiều "cụ cầu treo" run rẩy theo mỗi bước chân đi

GD&TĐ - Vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa đã kiểm tra, khảo sát thực tế hệ thống cầu treo trên địa bàn toàn tỉnh. 

Cầu treo Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu treo Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện có 27 cầu treo nằm trên địa bàn của 7 huyện miền núi. Trong đó, nhiều chiếc cầu treo đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đó, huyện Bá Thước có 8 cầu treo, các cầu chủ yếu được kết cấu bằng cáp chủ, cột gỗ, mặt cầu bằng luồng, liên kết bằng thép buộc. Như cầu treo thôn Ấm (xã Cổ Lũng) được xây dựng từ năm 1972. Cầu thôn Ba (xã Ban Công) xây dựng năm 1991…

Huyện Quan Hóa có 7 cầu, đều có kết cấu cầu treo dây võng. Trong đó có cầu treo Nam Tiến (xã Nam Tiến) được đưa vào sử dụng từ năm 1976. 

Cầu treo Chiềng Phú Sơn (xã Phú Sơn) và cầu treo Yên Pheo (xã Hiền Chung) đều có tình trạng xuống cấp: Trụ cổng cầu han gỉ, cáp chủ có một bó cáp bị nổ một tao cáp; có 6/8 nắp bảo vệ côn neo bờ bị mất. Thanh neo bị ăn mòn, gờ chắn bánh và tà vẹt gỗ mặt cầu đã bị mục 50% số lượng…

Ngoài ra, huyện Mường Lát có 6 cầu, Quan Sơn có 2 cầu, Ngọc Lặc có 1 cầu, Cẩm Thủy có 1 cầu, Lang Chánh có 2 cầu.

Các cầu treo trên đều có chiều dài nhịp từ 18m-176m, được xây dựng từ năm 1972 đến năm 2013.

Cầu treo Bến Sắn (xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc) với tháp chủ bị gỉ, han mòn nghiêm trọng.
 Cầu treo Bến Sắn (xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc) với tháp chủ bị gỉ, han mòn nghiêm trọng.

Qua khảo sát thực tế của Sở GTVT Thanh Hóa, hiện trạng chung của các cầu treo là: Tháp chủ của các cầu bị gỉ, hoặc bị mục (đối với tháp chủ bằng gỗ). 

Hầu hết cáp chủ của các cầu trong quá trình khai thác không được bảo dưỡng nên có hiện tượng bị gỉ, nổ. Hệ thống neo của một số cầu làm bằng các cây gỗ không đảm bảo an toàn.

Dây treo không được bảo dưỡng thường xuyên nên bị han gỉ, liên kết giữa dây treo và dầm ngang thường bằng hàn hoặc buộc nên không có tăng đơ để điều chỉnh dây treo.

Hệ thống dầm dọc, dầm ngang đều bị gỉ. Đặc biệt, dầm dọc cầu Yên Pheo (xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa) có bốn điểm bị gãy, đã được hàn lại nhưng chưa đạt yêu cầu.

Cáp giằng gió tại một số cầu bị trùng, bị mất (như cầu treo Tén Tằn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát) không còn tác dụng giữ cho cầu được ổn định theo phương ngang cầu. Hệ thống mặt cầu làm bằng gỗ, tre, luồng bị hư hỏng, gãy, mục không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi qua cầu...

Ông Nguyễn Văn Khiên - Trưởng phòng Thẩm định Khoa học Kỹ thuật (Sở GTVT Thanh Hóa) - cho biết: Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND các huyện có cầu treo, đề nghị một số giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân. 

Đối với các cầu treo bị hư hỏng mà gần đó đã hoặc đang được đầu tư xây dựng cầu mới, Sở GTVT yêu cầu các địa phương hướng dẫn nhân dân đi qua cầu cứng hoặc cầu tạm. 

Đối với các cầu treo khác, Sở GTVT đề nghị các đơn vị quản lý tiến hành kiểm tra, kiểm định và sửa chữa khẩn cấp các bộ phận kết cấu chịu lực chính như: cáp chủ, trụ tháp, thanh treo, hệ thống lan can, mặt cầu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ