Nhiều ca tử vong do dịch bệnh mùa hè

Trong 6 tháng đầu năm, số ca mắc bệnh dịch tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 59 trường hợp tử vong do bệnh dại, sốt xuất huyết (SXH) và viêm não virus.

Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Cụ thể, cả nước ghi nhận hơn 45.000 ca mắc SXH, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên với hơn 80% số ca mắc. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc bệnh tăng hơn cùng kỳ năm ngoái tới 400%, nhưng vẫn chưa nằm trong 10 tỉnh, thành phố có số ca mắc SXH cao nhất cả nước hiện nay.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm nay, dịch SXH đến sớm hơn mọi năm. Ở Hà Nội, dịch SXH thường diễn ra vào khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm. Nhưng năm nay SXH ở Hà Nội xuất hiện và ghi nhận nhiều ca mắc từ tháng 5, tháng 6.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 10 ca tử vong trong tổng số gần 400 ca mắc bệnh do viêm não virus; 62 ca mắc viêm não Nhật Bản, 1 trường hợp tử vong; 69 ca mắc liên cầu lợn, 4 ca tử vong, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái; 35 ca tử vong do bệnh dại (các bệnh nhân đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn).

Giải thích nguyên nhân cũng như nguy cơ gia tăng các dịch bệnh vào mùa hè, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm mưa nhiều… khiến cho muỗi và vector truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ tập quán sinh hoạt của người dân, vùng miền khiến dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát cao.

Tuy nhiên, ông Phu cũng cho biết, mặc dù một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng trong mùa hè năm nay, song những dịch bệnh này chưa biến đổi gene, chưa thay đổi độc lực, mà chỉ thay đổi tính chất môi trường khiến nguồn bệnh phát triển. Vì vậy, cần phải tích cực tuyên truyền tới người dân thực hiện vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, diệt muỗi, bọ gậy, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo… để phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh lợn, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng bằng cách ăn nhiều hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Bên cạnh đó, các gia đình nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đặc biệt, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.