Thống kê những năm gần đây, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, có tới 10 loại bệnh được đưa vào danh sách bệnh dịch nguy hiểm như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực khuẩn thủy đậu, andenovirus, lỵ amip, Rubella, viêm não do virus…
Lo lắng đối phó
Đứng đầu về số ca mắc hiện nay là cúm, tiêu chảy, tay chân miệng và sốt xuất huyết. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, thành phố ghi nhận trên 6.500 ca mắc sốt xuất huyết và 1.200 ca bệnh tay chân miệng.
Mặc dù số mắc đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, mưa nhiều nên nguy cơ dịch bệnh vì thế gia tăng.
Bệnh tay chân miệng cũng diễn biến bất lợi ở TPHCM khi có tới 25 phường, xã số trẻ mắc bệnh đang gia tăng. Đáng chú ý hơn, từ tháng 5 trẻ bắt đầu nghỉ hè, ngoài số đông các bé sẽ ở nhà với gia đình thì một nhóm khác vẫn tiếp tục đi học hoặc chuyển đến các nhóm trẻ gia đình.
Điều kiện sống, môi trường sống thay đổi nếu không đảm bảo yếu tố vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt sẽ tạo điều kiện cho bệnh truyền nhiễm gia tăng, đặc biệt là tại các trường mầm non hoặc nhóm trẻ không nghỉ hè.
Căn bệnh luôn là nỗi sợ của các phụ huynh mỗi khi hè đến là viêm não các loại. Theo bác sĩ Nguyễn Thiện Hải, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), viêm não Nhật Bản là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao.
Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 20 - 30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não tử vong. Khoảng 30 - 50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.
Đặc biệt, viêm não có biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản. Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.
Trong những ngày đầu hè, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng ghi nhận 2 - 3 trường hợp ngộ độc thực phẩm nhập viện điều trị, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn mửa và ỉa chảy, mất nước, tụt huyết áp…
Bệnh từ bên ngoài chờ cơ hội xâm nhập
Tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch cúm A/H7N9 đã xuất hiện tại 17 tỉnh tại Trung Quốc và gần đây có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, giáp biên giới với nước ta.
Các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc nhận định, sự gia tăng này có thể do gia cầm được vận chuyển từ Quảng Đông sang Quảng Tây sau khi Quảng Đông đóng cửa chợ gia cầm.
Trước diễn biến trên, nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất kể từ năm 2013.
Để phòng dịch, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế giám sát phát hiện ca bệnh sớm để tổ chức bao vây dập dịch một cách nhanh gọn không để dịch lây lan.
Ngoài ra Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế phải giám sát ngay tại cửa khẩu kể cả khi dịch chưa xâm nhập vào nước ta.
Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vậy nên điều tối quan trọng là nắm bắt được thông tin, giám sát phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kiên quyết, kịp thời, hiệu quả để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Tăng cường phòng bệnh cho trẻ
Dịch bệnh có mặt khắp mọi nơi nên ai cũng có thể mắc nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trong giai đoạn này, các trường học cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ.
Thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo công tác y tế học đường; Xây dựng kế hoạch chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho học sinh; Phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phù hợp. Liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh.
Về phía người dân, để phòng chống những dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập trong mùa hè, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối... Đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi.