Dịch bệnh mùa hè: Không còn là cảnh báo

GD&TĐ -  Cùng với việc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang bùng phát, thì ho gà và đặc biệt việc xuất hiện các bệnh viêm não, viêm màng não ở trẻ cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, từ tháng 6 - 10 là mùa của viêm não, đây là lúc trẻ được nghỉ hè nên hay về quê, ra vườn chơi, vào rừng hái quả dễ bị côn trùng mắc bệnh đốt và truyền bệnh.  

Biện pháp phòng ngừa vẫn là giải pháp tối ưu để tránh dịch bệnh 
mùa hè
Biện pháp phòng ngừa vẫn là giải pháp tối ưu để tránh dịch bệnh mùa hè

Thực trạng đáng lo ngại

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, sau khi đạt mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm, tuần qua, bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng trở lại. Số người mắc bệnh được ghi nhận trong tuần lên tới 233 trường hợp (tăng gần 7%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay tại thành phố này đã lên tới gần 8.800 ca. Tương tự, bệnh tay chân miệng cũng “tăng tốc” từ 2 tuần qua. Tuy chưa ghi nhận ca tử vong kể từ đầu năm, nhưng số ca bệnh đã lên tới 1.659 trường hợp phải nhập viện điều trị.

Tại Hà Nội, thống kê của Sở Y tế cho thấy, tính đến giữa tháng 6, thành phố ghi nhận 1.662 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2016); trong đó ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện (trừ huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây); 235 xã, phường, thị trấn (chiếm 40%). Điều đáng nói, các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là quận Đống Đa (484 ca, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ năm 2016) và quận Hoàng Mai (343 ca, tăng 6,4 lần), tiếp đến là các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín... có số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, từ đầu tháng 6, “cơn lốc” viêm não xuất hiện và càn quét ở nhiều địa phương. Tại TPHCM, dù chưa bước vào đỉnh dịch, nhưng bệnh nhân bị viêm não đang có dấu hiệu tăng cao. Khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1) luôn trong tình trạng quá tải với khoảng 3 - 4 trẻ nhập viện/tuần. Phần lớn bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng nên số máy thở hiện có hoạt động hết công suất.

Tỉnh miền núi Cao Bằng cũng ghi nhận chùm ca viêm não, trong đó có 3 trường hợp tử vong, đều là anh chị em ruột. Theo báo cáo của Sở Y tế Cao Bằng, trước đó có 4 bé rủ nhau đi lấy thức ăn cho trâu bò, hái và ăn vải ở gần nhà. Đến nửa đêm cùng ngày (8/6), một cháu (13 tuổi) có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt và đến sáng nôn ra máu rồi tử vong. Ba bé còn lại cũng có triệu chứng tương tự và được đưa đi viện cấp cứu, nhưng chỉ có bé trai 7 tuổi được cứu sống.

Diễn biến còn phức tạp

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, so với mọi năm, năm nay mùa mưa đến sớm nên nguy cơ sốt xuất huyết cũng có thể đến sớm với mức phủ rộng cao hơn. Ngoài việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp kiểm soát điểm nguy cơ, phun hóa chất diệt muỗi, ngành Y tế thành phố kêu gọi cộng đồng chủ động các biện pháp: Vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loăng quăng, ngủ mùng thường xuyên... Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Với diễn biến dịch tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh. Dự báo, diễn biến dịch sốt xuất huyết năm 2017 trên địa bàn thành phố sẽ phức tạp, chu kỳ dịch có sự thay đổi bất thường, không theo chu kỳ những năm trước, thể hiện qua số mắc tăng nhanh và cao, sớm hơn so với chu kỳ dịch những năm trước từ 2 - 3 tháng. Khả năng đỉnh dịch sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11.

Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc diệt bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, hợp tác với ngành Y tế trong công tác phun hóa chất. Sau khi tuyên truyền 1 tháng, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính với đơn vị không thực hiện biện pháp phòng dịch. Theo ông Hiền, trước hết sẽ xử lý hành chính với cơ quan, xí nghiệp, công trường…

Tính đến đầu tháng 6/2017, cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng tương đối nhanh trong những tuần gần đây. Chỉ từ ngày 21/5 đến 13/6 đã có thêm 745 ca mắc mới. Như vậy, bình quân mỗi ngày có hơn 30 ca sốt xuất huyết nhập viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ