Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, những áp lực trên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý và học tập của các em.
Cần mô hình tư vấn tâm lý chuyên nghiệp
- TS nhìn nhận thế nào về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS trong xu thế hiện nay?
- Kết quả nghiên cứu nhu cầu hỗ trợ tâm lý của HS chỉ ra rằng mong muốn được hỗ trợ tâm lý là rất lớn. Theo quy luật chung của con người, khi những nhu cầu cơ bản được thỏa mãn, cá nhân sẽ vươn tới những nhu cầu ở cấp độ cao hơn. An toàn về tâm lý, được tôn trọng, vươn lên khẳng định mình là nhu cầu cấp cao...
Xã hội càng phát triển, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tinh thần càng lớn. Xã hội hiện đại nảy sinh nhiều vấn đề, trong nhà trường, những vấn đề căng thẳng, lo âu học đường, suy giảm động cơ học tập, trầm cảm, hành vi lệch chuẩn, nghiện game… đang trở nên phổ biến.
- Mô hình tư vấn tâm lý học đường đã thực sự trở thành người bạn đồng hành với HS thời hiện đại chưa, thưa TS?
- Việc xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường là kết quả nghiên cứu rất dài của các nhà tâm lý học đường tại Việt Nam. Bộ GD&ĐT dựa trên những kết quả nghiên cứu này ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017, đưa ra được mô hình tham vấn tâm lý khá cụ thể trong các trường phổ thông Việt Nam. Trong điều kiện nước ta hiện nay, mô hình tham vấn học đường bước đầu có chuyển biến tích cực, mặc dù còn bộc lộ một số hạn chế về đội ngũ cũng như cơ chế vận hành mô hình.
Mô hình tham vấn học đường bước đầu góp phần thay đổi nhận thức của GV, HS, cha mẹ HS và cộng đồng. Trong khuôn khổ nhất định, các thầy cô có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho HS khi gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, mô hình tham vấn học đường ở Việt Nam có thể chưa phải là tối ưu theo các chuẩn mực quốc tế, nhưng phù hợp điều kiện cụ thể trong giai đoạn hiện nay.
Chưa nhận thức đầy đủ
- TS có thể nói rõ hơn những yếu tố cơ bản gây trở ngại trực tiếp cho việc xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường trong trường học hiện nay?
- Từ năm 2003 - 2018, chúng tôi tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình tư vấn học đường để tham mưu cho Bộ GD&ĐT. Các mô hình tiên tiến trên thế giới được đánh giá tốt nhưng khó áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam do yếu tố văn hóa, điều kiện sống và tâm lý.
Đội ngũ GV làm công tác tư vấn hiện đang quá tải về công việc. Kiêm nhiệm công việc tư vấn đồng nghĩa là thêm việc cho thầy cô. Bên cạnh đó, các GV làm công việc tư vấn chức năng được đào tạo chưa bài bản, ít thực hành nên hiệu quả không cao.
Các nhà trường đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn học đường, do quan niệm kết quả giáo dục chủ yếu được đánh giá bằng điểm số và thành tích học tập của HS.
- Khi GV chỉ biết đến nhiệm vụ chính là dạy học mà không có kỹ năng, kiến thức về tâm lý học đường một cách khoa học, bài bản, việc trở thành những “nhà tư vấn tâm lý” cho HS liệu có khả thi?
- Khả thi theo các mục tiêu và mức độ kỳ vọng khác nhau. Trong thực tế, với vai trò là các nhà giáo dục, các thầy cô vẫn thực hiện những tác động tâm lý theo các cách thức khác nhau để hỗ trợ HS. Tuy nhiên, công việc chính của các nhà giáo vẫn là giảng dạy và giáo dục.
Theo Thông tư 31, GV được đào tạo, tập huấn để kiêm nhiệm làm công tác tư vấn tâm lý cho HS. Tuy nhiên, điều này không dễ với các nhà giáo có nhiệm vụ chính là dạy học. Trong tư vấn, có 2 loại hình cơ bản: Tư vấn chuyên nghiệp do các chuyên gia được đào tạo bài bản thực hiện và tư vấn mang tính chức năng do các lực lượng khác thực hiện kiêm nhiệm công tác tư vấn. Thầy cô hoàn toàn có thể được bồi dưỡng để đảm nhiệm vai trò tư vấn mang tính chức năng. Về lâu dài, chúng ta phải tiến tới mô hình hỗ trợ tư vấn tâm lý, trong đó các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong các nhà trường.
Nhà trường giữ vai trò chủ đạo
- Đâu là những tiêu chí quan trọng để mỗi nhà trường là nơi an toàn, an tâm nhất với học sinh cả về thế chất và tâm sinh lý, thưa TS?
- An toàn với HS luôn cần có sự song hành cả 2 mặt về thể lý và tâm lý. Để an toàn thể lý, cơ sở vật chất trường học giữ vai trò quan trọng, cần tránh tối đa tai nạn thương tích cho HS.
Còn an toàn tâm lý, quan trọng nhất là mối quan hệ giữa thầy và trò. Mối quan hệ này cần được xây dựng và vận hành trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng và trách nhiệm cao của cả thầy và trò. Ở đây, vai trò người thầy rất quan trọng. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác, song mối quan hệ thầy trò mang tính quyết định cho việc an toàn tâm lý và hạnh phúc của HS khi đến trường.
Sự phát triển tâm lý của HS phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó giáo dục, nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Để nhà trường phát huy vai trò chủ đạo, HS đến trường phải cảm nhận được sự an toàn, tự do trong môi trường thân thiện, tích cực. Nếu HS cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi đến trường, giáo dục, nhà trường mất đi ý nghĩa chủ đạo. Vì vậy, quan trọng là phải xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện mới hiệu quả.
- Theo TS, đội ngũ cán bộ quản lý, những người “chèo lái” hoạt động của nhà trường có vai trò thế nào trong đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý học đường cũng như xây dựng trường học, lớp học hạnh phúc?
- Người ta hay nói các nhà quản lý là các “sĩ quan” trong ngành có vai trò quan trọng trong xây dựng trường học hạnh phúc, thúc đẩy mô hình tư vấn tâm lý theo hướng tiến bộ để xây dựng nhà trường kiểu mới. Đầu tàu mà không thông, không đổi mới quyết liệt, hệ thống sẽ không vận động tích cực. Còn nếu đội ngũ cán bộ quản lý nắm được triết lý giáo dục mới, hiểu trường học hạnh phúc, tính cần thiết của công tác tham vấn tâm lý học đường sẽ triển khai hiệu quả mô hình tư vấn tâm lý học đường.
Hơn nữa, muốn HS hạnh phúc, GV cần phải được hạnh phúc. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải thay đổi cách thức quản trị, đổi mới hình thức tương tác trong nhà trường để đem lại sự thoải mái, tiến bộ và phát huy sáng tạo cho GV.
Người đứng đầu cũng cần hiểu ý nghĩa và vận dụng khoa học tâm lý - giáo dục vào trường học, biết được kiến thức tham vấn tâm lý để có thể giám sát việc thực hiện công tác này một cách hiệu quả trong nhà trường do mình quản lý.
Quan tâm đến sang chấn sau thiên tai
- Thiệt hại, mất mát về vật chất, tài nguyên sau thiên tai có con số cụ thể nhưng còn những tổn thất về tinh thần cần được nhìn nhận thế nào, thưa TS?
- Xét dưới góc độ giáo dục, tác động của thiên tai để lại hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên, làm gián đoạn việc học tập của HS; ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình học tập và kế hoạch năm học. Hiện tượng này có thể gây ra những sang chấn tâm lý lớn, thường gọi là sang chấn sau thiên tai (trầm cảm, lo âu, stress…) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của các em. Trước những sang chấn lớn này, HS cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời để vượt qua được những khó khăn, có năng lực ứng phó trước những tác động tương tự trong tương lai.
- Thầy cô và cha mẹ cần làm gì để trấn an và động viên các em khi HS quay trở lại trường học trong điều kiện còn nhiều khó khăn sau khắc phục hậu quả thiên tai?
- Trước những sự cố lớn về thiên tai, dịch bệnh đòi hỏi những hỗ trợ của các chương trình an sinh xã hội. Cộng đồng cùng đoàn kết, chung tay khắc phục hậu quả xảy ra. Ở nhiều nước phát triển, trước tác động của những thảm họa, cần có chuyên gia tâm lý, cán bộ tham vấn đến hỗ trợ kịp thời. Ở nước ta chưa có mô hình này vì vậy cha mẹ có thể hỗ trợ con em mình theo những cách sau:
Bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho các em. Cha mẹ cần trấn an, ổn định tâm lý để giảm thiểu nguy cơ sang chấn tâm lý, giúp trẻ cảm thấy yên tâm, an toàn.
Xa hơn, cha mẹ có thể coi đây là cơ hội giáo dục cho trẻ ý thức trong phòng chống thiên tai, ý thức cộng đồng trong việc ứng phó, giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra.
Cùng với việc ổn định chỗ ở, phục hồi điều kiện sản xuất, mỗi gia đình cần ưu tiên chuẩn bị góc học tập, đồ dùng học tập để con chuẩn bị tâm thế quay lại trường học. Cha mẹ động viên, coi đây là cơ hội giúp trẻ nhận thức được việc mình đang sống ở trên khu vực có nhiều đặc điểm địa lý không thuận lợi, từ đó chủ động đối mặt, có ý chí vượt lên trên những khó khăn khách quan do môi trường mang lại.
Tương tự, thầy cô cần an ủi, động viên để giúp HS trở nên mạnh mẽ, dũng cảm hơn khi ứng phó với thiên tai. Trong những thời điểm này, phòng tham vấn học đường trong các nhà trường cần phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ tâm lý cho HS.
Khi HS quay trở lại trường học, thầy cô nên tổ chức các hoạt động chung để triển khai các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho các em. Trong các hoạt động này, giúp các em nhận thức được điều kiện tự nhiên nơi mình sinh sống, cần củng cố tinh thần, ý chí của các em trước sự khắc nghiệt của thiên tai. Thầy cô cần giúp các em phát triển tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn.
- Xin trân trọng cảm ơn TS!