Không nên gây áp lực học hành cho trẻ

Không nên gây áp lực học hành cho trẻ

(GD&TĐ) - Bản chất của trẻ nhỏ là rất hồn nhiên và vô tư, yêu thích học tập nhưng cũng rất thích được tham gia vui chơi cùng với bạn bè. Song với áp lực học hành và thi cử hiện nay, cộng thêm sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến trẻ luôn có tâm lý, mệt mỏi, nặng nề với việc học tập, thậm chí là sợ đi học...

Chị Thúy Hà -,Hà Đông - Hà Nội kể, năm cu Bin học lớp một, mỗi khi đi họp phụ huynh, nghe cô giáo phản ánh học lực của con yếu, chị rất buồn và giận con. Về nhà chị và chồng đã có những biện pháp nặng nhẹ với con nhưng cũng không hiệu quả. Khi Bin lên lớp hai, anh chị bèn treo thưởng: Nếu mỗi tuần con đạt các điểm đều đạt 9, 10 thì bố mẹ sẽ cho đi ăn Piza (Piza là món khoái khẩu của cu Bin) và còn mua đồ chơi cho nữa,  ngược lại nếu bị điểm dưới 8 sẽ bị đánh một roi. 

Từ khi chị Hà treo thưởng, con trai chị đi học về toàn khoe với bố mẹ điểm cao. Vợ chồng chị rất mừng vì nghĩ rằng phương pháp này thật hiệu nghiệm. Ai ngờ, sau một thời gian dài quan sát, chị Thúy Hà mới hay quyển vở bài tập Toán và tiếng Việt của con cứ mỏng dần. Kiểm tra, chị mới phát hiện có rất nhiều trang bị xé đi. Gặng hỏi mãi con trai chị mới thừa nhận là chỉ giữ lại những trang nào điểm cao để nhận thưởng, còn trang điểm thấp thì xé bỏ để khỏi bị đòn.

Có trường hợp vì chạy theo thành tích nên bố mẹ bắt con học liên tục không ngơi nghỉ khiến các bé hoạt động như một cái máy và sinh ra chán học. Bé Châu Anh con chị Quỳnh, Gia Lâm - Hà Nội mới học đến lớp 4, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi và luôn đứng đầu lớp. Nhưng chị Quỳnh vẫn sợ con thua kém bạn bè nên đã xếp lịch học cho bé kín hết các ngày trong tuần. Sáng thì học ở trường, chiều cho học thêm cô giáo, hoặc trung tâm, tối còn phải thuê gia sư dạy kèm. 

với áp lực học hành và thi cử hiện nay, cộng thêm sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến trẻ luôn có tâm lý, mệt mỏi, nặng nề với việc học tập, thậm chí là sợ đi học.
Với áp lực học hành và thi cử hiện nay, cộng thêm sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến trẻ luôn có tâm lý, mệt mỏi, nặng nề với việc học tập, thậm chí là sợ đi học.

Nhiều hôm cháu đã khóc lóc van xin mẹ cho nghỉ một ngày chủ nhật nhưng mẹ không cho. Hôm chủ nhật vừa rồi cháu cũng xin nghỉ để được đến dự sinh nhật một bạn trong lớp mà chị Quỳnh kiên quyết không cho khiến cháu rất chán nản. Và giờ hễ cứ nghe đến đi học thêm là cháu lại khóc mếu kêu ốm mệt… 

Trung Quân (học lớp 3), Cầu Giấy - Hà Nội thì sáng nào đến lớp cũng mắt nhắm mắt mở và không thể tập trung bài vì thiếu ngủ. Đó là hậu quả của việc cu cậu đêm nào cũng bị mẹ bắt học đến khuya. Trung Quân than: “Tối nào mẹ cũng kèm cho cháu học. Nhưng mẹ rất khó tính, mỗi lần cháu làm bài không được mẹ lại la mắng xối xả khiến đầu óc cháu rối thêm nên học càng chậm. Vì vậy mà đêm nào cháu cũng phải học đến khuya mới xong...".

Kỳ vọng ở con cái là điều thường thấy và dễ hiểu ở bố mẹ. Tuy nhiên sự kỳ vọng vượt quá khả năng của trẻ thường tạo ra áp lực, dẫn tới hiện tượng stress ở trẻ. Nếu như trẻ không làm được điều bố mẹ mong muốn thì trẻ bị bố mẹ mắng mỏ, chì chiết,…Cứ như vậy, vô tình họ đã tạo một gánh nặng rất lớn lên đôi vai bé bỏng của trẻ.

Theo một giáo viên tâm lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP HCM, sự khắt khe quá đáng của bố mẹ sẽ làm khô cứng ước mơ và sáng tạo của con trẻ; làm cùn nhụt khả năng tiềm ẩn của các cháu. Bố mẹ hãy dạy con học bằng một thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt được một mức nhất định. Thay vào đó, nên thường xuyên khích lệ con bằng những lời khen hợp lý để trẻ thích thú hơn, chứ không phải là dùng những hành động chì chiết, đe dọa. Hơn nữa, bé cần được cha mẹ khuyến khích khi có ý thức học tập tốt. Đồng thời, bé cũng cần biết sự không hài lòng của cha mẹ nếu xao nhãng học hành. Khi dạy con học, phụ huynh cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Vì đối với các cháu “không hoàn hảo có nghĩa là tồi tệ”. 

Chính những nguyên nhân đó, đã khiến cho rất nhiều trẻ sợ việc học hành, sợ phải đến trường…và đây cũng là một trong những vấn đề dẫn đến trẻ chán học, trốn học… Trẻ học chỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, đáp ứng yêu cầu của thầy cô. Khi không thực hiện được như mong muốn của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy nghi ngờ khả năng của mình, thấy có lỗi, mất tự tin… Đây chính là nguy cơ dẫn đến trẻ bị stress và trầm cảm.

Phương Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ