Giảm áp lực cho trẻ, ngoài sự nỗ lực tự thân từ phía nhà trường, rất cần có sự phối hợp của phụ huynh để mang lại cho trẻ tuổi thơ đúng nghĩa…
Trông sang xứ người
Vợ chồng chị Cẩm Hà đang buôn bán tại Cộng hòa Séc. Vợ chồng chị gửi con ở nhà nhờ ông bà nuôi đến năm lớp 7 mới đón sang Séc. Cứ ngỡ con sẽ khó hoà nhập với cuộc sống ở nước ngoài nên chị rất nhiều băn khoăn lo lắng. Nhưng thực tế thì lại dễ dàng hơn chị nghĩ nhiều. Con chị Hà chỉ gặp khó khăn nhất về ngôn ngữ giao tiếp vì cháu không biết tiếng Séc.
Trở ngại này được chị bù lấp bằng cách thuê gia sư người bản địa kèm riêng con trong vài tháng. Khi nhập học, cô bé Hà Linh 13 tuổi cảm thấy kiến thức các môn cơ bản như Toán, Tiếng Anh… đều đơn giản hơn nhiều so với khi học ở Việt Nam. Thời gian tự học và “tự chơi” cũng rất nhiều vì cô bé chỉ học 1 buổi/ngày.
Tuy nhiên bên cạnh những quốc gia theo mô hình “áp lực bằng 0” như Séc, Phần Lan… có nhiều nước kinh tế phát triển vẫn có áp lực học hành với trẻ dưới hình thức này hay qui định, yêu cầu bắt buộc khác, từ phía trường học hoặc bởi phụ huynh.
Tại Tây Ban Nha, hàng nghìn phụ huynh ở hơn 10 nghìn trường học trên cả nước từng xuống đường phản đối việc giao bài tập cho học sinh vào cuối tuần.
Tại Anh, nhiều trường THPT cấm giáo viên giao bài tập về nhà để học sinh có nhiều thời gian và cơ hội được tham gia những lớp kĩ năng, hoạt động trải nghiệm ngoài chương trình chính khóa.
Tại Mỹ, sau vụ việc một cô giáo lên mạng xã hội tuyên chiến với nạn giao bài tập về nhà, nhiều trường học cũng cấm giáo viên giao bài tập về nhà.
Tại Nhật Bản, năm 2016 dư luận từng chấn động xã hội và quốc tế vì vụ bố đâm con bằng dao làm bếp khi không thể kiềm chế nổi trước đứa con phản ứng, không chịu ôn thi.
Cần nỗ lực “giảm áp” từ nhiều phía
Tại Việt Nam, nhờ sự nỗ lực đổi mới từ ngành Giáo dục, học sinh tiểu học đã được giảm áp lực điểm số và thi cử đáng kể trong vài năm qua. Tuy nhiên, lên các cấp học cao hơn thì áp lực học hành vẫn rất nặng nề bởi chỉ tiêu tuyển sinh trường công THPT vẫn hạn hẹp.
Thực tế cơ chế vận hành trong các hoạt động của nhà trường khiến thầy cô giáo khó mà không tạo áp lực lên học sinh - bởi trò có thi đậu thì nhà trường mới giữ được danh tiếng, cô giáo mới có thành tích. Kỳ vọng giảm áp ở các thầy, cô giáo cấp THCS chỉ “khiêm tốn” là: Các thầy, cô bên cạnh việc thúc giục, động viên trò ôn luyện thi cử thì cần gần gũi chia sẻ, tạo cho trò cảm giác thoải mái, thân thiện. Như vậy học sinh mới cảm thấy bớt áp lực, vừa có thể giải toả sớm những khúc mắc trong giai đoạn đang có sự thay đổi, phát triển, biến động về tâm sinh lý để các em không rơi vào trạng thái stress, thậm chí làm điều dại dột như tự hại bản thân chỉ vì không chịu nổi căng thẳng tinh thần.
Với học sinh THCS trở lên, lịch học văn hoá khá căng thẳng với nhiều môn học. Về phía nhà trường cần có các hình thức tổ chức vui chơi giải trí trong hoạt động văn nghệ, thể thao. Song những hoạt động này phải thực sự hấp dẫn và lôi cuốn đại trà chứ không phải kiểu “trình diễn” ưu tiên dành cho một số ít học sinh. Càng vào giai đoạn thi cử thì càng nên xen kẽ những hoạt động giải trí để học sinh bớt cảm thấy căng thẳng - điều này cũng giúp trẻ có khả năng tiếp thu kiến thức tốt hơn trong những tiết học sau đó.
Để giảm áp lực học hành, cho con, phụ huynh phải là người chủ động đầu tiên. Có đến 2/3 thời gian trong ngày các em thuộc sự quản lí của gia đình. Có nhiều phụ huynh hễ cứ nghe ở đâu có cô tốt là ghi danh cho con học thêm mà chẳng cần quan tâm đến nhu cầu, khả năng đáp ứng hay lịch học của con đã dày đặc thế nào. Nhiều người cũng chẳng cần quan tâm con có thích thú, có “tiêu hoá” được kiến thức tại các lớp học thêm đó không mà chỉ bắt buộc và áp đặt theo ý muốn chủ quan của mình. Cùng con thảo luận hiệu quả của các lớp học thêm để lên một lịch học mà “trẻ chấp nhận được” là rất cần thiết.