Đối thoại với âm nhạc

Đối thoại với âm nhạc

(GD&TĐ) - Nhắc đến cái tên Phó An My là nhắc đến một nghệ sĩ luôn gây ấn tượng mạnh về cá tính và những cuộc “hôn phối” gây sốc, khi kết hợp piano với Tuồng, Chầu văn và tới đây là hát Then. Người nghệ sĩ đặc biệt này luôn sử dụng những ngôn ngữ âm nhạc dân gian Việt Nam phù hợp với phong cách piano cận đại được cho là độc đáo, mang phong cách riêng.

Học đàn nơi xứ người

Khuôn mặt bầu bĩnh, cặp kính cận to, mái tóc đen xoăn tít, quần áo bụi bụi, ngoại hình của chị luôn gây ấn tượng với người đối diện.

Là chắt nội nhà yêu nước Phó Đức Chính và là cháu của nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương, từ 5 tuổi, My đã làm quen với cây đàn piano. Với chị, ngày đó học đàn như một trò chơi không bị ép buộc, không ám ảnh bởi những cái khẻ tay đau đớn, bởi cả nhà chị ai cũng chơi đàn, tập đàn và nghe đàn từ thưở mới lọt lòng mẹ. Mọi thứ như dòng suối tự nhiên ngấm dần vào tâm hồn chị.

13 tuổi, chị một mình xách vali sang Berlin ở cùng anh trai, với mong ước đỗ vào trường E.M Phillip Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc có tiếng ở Đức. Sau 6 tháng trời tập luyện, hạnh phúc đã mỉm cười, chị trở thành một trong số ít học sinh Việt Nam đỗ được vào trường. Cuộc sống nơi đất khách quê người với một cô bé thật không hề đơn giản khi vừa phải học tiếng, vừa phải học đàn. Cũng may giáo trình chủ yếu là bản nhạc nên chị cũng không khó khăn lắm trong năm đầu. Đang ở nhà quen với mọi thứ đã có bố, mẹ lo, giờ phải tự lập một mình, nhiều lúc nhớ nhà không biết làm thế nào, chị chỉ còn biết gửi nỗi nhớ vào tiếng đàn. Nhớ lại 8 năm học tại Đức, nhạc sĩ Phó An My nói: “Thời gian đó tôi như người tu trên núi. Suốt ngày chỉ biết đến luyện đàn”. Có những mùa đông nhiệt độ xuống thấp, cô bé My với khăn, áo to hơn cả người ngồi tập đàn mãi đến giờ ăn tối mới chịu thôi...

Phó An My trong chương trình
Phó An My trong chương trình "Điều còn mãi"

Mặc dù có học bổng, được xếp vào ở trong ký túc xá nhưng ngoài giờ học, chị vẫn phải đi làm thêm. Với chị, đó là cách để làm quen với cuộc sống và cũng thêm tiền trang trải cho việc học. Vì là sinh viên nên chị chỉ có thể làm được những công việc đơn giản như xếp báo hay rửa bát trong nhà hàng. Nhiều hôm sau giờ học, chị lại tất tả đến nơi làm việc vì vào giờ ăn trưa, nhà hàng đông khách bát đĩa dồn lại chờ người rửa. Đeo vội đôi găng tay vào, chị miệt mài làm cho đến cuối ngày. Trở về nhà với đôi tay đã cóng lại vì lạnh, chị lại ngồi vào luyện đàn cho kịp buổi học ngày mai.

Với chị, mọi vất vả sẽ được cây đàn piano hóa giải, bởi khi ngồi vào đàn chị như được thoát xác thành con người khác đầy đam mê, cuốn hút. Chính điều đó đã giúp chị vượt qua sự cô đơn, và những mùa đông lạnh giá dài đằng đẵng để rồi gặt hái thành công là giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của TP Berlin năm 1996, rồi tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 1998.

Đánh dấu sự nghiệp tại quê hương

Trở về nước với bao mơ ước sẽ trở thành một nghệ sĩ piano thực thụ, sống được với nghề nhưng mọi thứ không như chị tưởng. Đời sống âm nhạc cổ điển tại quê nhà một năm họa hoằn mới có một hai đêm diễn thì quả là thách thức với một nghệ sĩ quen sống trong môi trường âm nhạc như chị. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, dần không còn sốc nữa, chị cùng bạn bè đi du lịch khám phá đất nước cho thỏa những tháng ngày xa quê và nhận lời dạy nhạc tại trường đại học Nam Ninh-Trung Quốc. Cuộc đời chị lại mở ra một trang mới, nó dạy cho chị hiểu cuộc sống muôn màu mà con người buộc phải thích nghi.

Năm 2005 là một năm ghi dấu quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của chị và cũng là lần đầu tiên công chúng Việt biết đến một pianist Phó An My, khi chị nhận lời mời chơi nhạc cho triển lãm sắp đặt “Cuộc sống nghiêng” của người bạn thân, nghệ sĩ Nguyễn Duy Quang. Hôm ấy, chị chơi bản sonata của nhạc sĩ Nga cận đại Sprokofiev với tiếng đàn vừa điêu luyện về kỹ thuật, vừa giàu cảm xúc lại mang phong thái ngẫu hứng riêng biệt.

Đối thoại với âm nhạc ảnh 2
 

Từ đó, người yêu nhạc cổ điển thủ đô biết đến chị nhiều hơn. Phó An My cũng thường xuyên có những buổi trình diễn thể hiện kỹ thuật bài bản, đem lại không gian âm thanh thấm đẫm đam mê, xuất phát từ tâm hồn trẻ trung sôi nổi. Tại Festival Huế năm 2006, Phó An My được mời trình diễn trong cả tám đêm, tạo nên một hiện tượng trong làng nhạc Việt Nam những năm đầu thế kỷ.

Song hành cùng với tên tuổi Phó An My là những bản khí nhạc của tác giả trẻ Đặng Tuệ Nguyên. Họ đã cùng nhau làm nên những đêm diễn ấn tượng, bốc lửa. Có thể nói Đặng Tuệ Nguyên sớm khẳng định được tên tuổi của mình trong làng nhạc. Anh từng lọt vào top 10 nhạc sĩ trẻ Châu Á 2002. Với phong cách sáng tác đặc biệt và sự hiểu biết sâu sắc về khí nhạc, Đặng Tuệ Nguyên luôn tìm cho mình một hướng đi riêng mới mẻ và đậm chất dân gian. Họ gặp nhau năm 2008 và nhanh chóng mang đến cho người xem từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là sự kết hợp giữa piano và nghệ thuật Tuồng truyền thống, tiết mục kéo dài 60 phút khiến người xem thực sự bất ngờ, nhất là với những chuyên gia về âm nhạc dân gian, rồi tiếp đến là Chầu văn, và sẽ là hát Then. Nhạc sĩ Dương Thụ đã nhận xét về sự kết hợp độc đáo giữa hai nghệ sĩ như sau: “Phó An My là một nghệ sĩ piano độc lập và đầy cá tính bên cạnh Đặng Tuệ Nguyên chỉn chu và có phần rụt rè. Đời sinh ra My thì phải sinh ra Nguyên. Có Nguyên thì My mới phát huy được hết cá tính của mình trong âm nhạc. Tôi gọi đây là một sự may mắn. Hai người này đã tạo ra một lối đi riêng cho âm nhạc thính phòng Việt Nam”. Và ông nhấn mạnh : “Đó là những cuộc đối thoại sòng phẳng, không ai áp bức ai nhưng nó lộ ra một kết nối cho thấy dù khác nhau nhưng chúng ta có thể ngồi cùng nhau, hòa cùng một nhịp và tôi cho rằng thế giới bây giờ là như thế. Đó là con đường rất mới, hay không còn tùy thuộc vào người nghe nhưng tôi chắc chắn những người làm ra nó đều rất nghiêm túc và cẩn trọng.”

Gia đình cõi riêng

30 tuổi, người đàn bà chơi nhạc tạm dừng chân với một gia đình nhỏ và một cô con gái dễ thương. Chị bảo : “Mình và ông xã luôn tôn trọng sở thích của nhau, mình thích thức khuya, lúc đọc sách, lúc lên sân thượng trồng cây nên mỗi người một phòng để không ai ảnh hưởng đến ai”.

Nhiều người thắc mắc, với một người mẹ ưa bay nhảy và luôn mang trong mình tâm hồn nghệ sĩ như vậy, liệu chị sẽ nuôi dạy con thế nào? Chị cười bảo rằng mình luôn tôn trọng con và để cho con tự lập. Ở nhà, chị dành riêng cho cô con gái 5 tuổi một phòng, chị dạy con những điều mà các ông bố bà mẹ khác không dạy, chẳng hạn như khi con ngã, thay vì tỏ ra xót xa đổ tại cho cái này hay cái khác, người mẹ nghệ sĩ ấy lại dạy cho con cách tự đứng lên. Chị cho con tự chọn ý thích, không ép buộc con theo nghề của mình nhưng cũng hướng cho con biết thưởng thức âm nhạc để tâm hồn thêm phong phú. Luôn bụi bặm trong những bộ đồ tomboy nhưng khi về với mái ấm của mình, như bao người phụ nữ bình thường khác, chị cũng lăn vào bếp nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Con người có cá tính mạnh mẽ ấy luôn biết khi nào phải tiết chế cái tôi để giữ cho mình một cõi riêng.

Hỏi chị sẽ có dự định gì cho tương lai, ngoài việc tiếp tục kết hợp với Đặng Tuệ Nguyên cho ra đời những đối thoại với âm nhạc, chị cười và bảo hiện tại đang điều hành một trường mầm non quốc tế và sẽ mang đến cho các em nhỏ của mình một môi trường âm nhạc như chị đã từng học.

Bắt đầu với Tuồng rồi Hát văn và tới đây là hát Then, người ta không hiểu Phó An My có ý đồ nghệ thuật gì, khi kết hợp những loại hình nghệ thuật truyền thống cùng piano. Chị chia sẻ: “Tất cả những điều tôi làm đều bắt nguồn từ niềm yêu thích. Hiện nay, khi nghệ thuật truyền thống đang loay hoay với kế hoạch bảo tồn và phát triển, cũng như cách tiếp cận với giới trẻ, nhưng mấy ai biết rằng, những điều cơ bản nhất về các bộ môn nghệ thuật của dân tộc như Tuồng, Hát văn, Chèo... thì nhiều người còn không biết và không hiểu”.

Hiếu Mi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ