"Năm thìn bão lụt" trong ký ức người Nam Bộ

"Năm thìn bão lụt" trong ký ức người Nam Bộ

(GD&TĐ) - Ở Nam Bộ, nghe ai nhắc chuyện cũ, người ta thường nói “chuyện năm Thìn bão lụt”, ý nói chuyện xưa lắm rồi. Thực ra, bây giờ nhắc chuyện năm Thìn bão lụt cũng chẳng ai nhớ là năm nào. Thế nhưng rải rác trong dân gian, vẫn còn những câu hát ru kể lại sự kiện này.

Bão lụt tàn phá Gò Công

Hồi còn nhỏ, bà ngoại tôi hát ru như thế này:

Đèn nào cao cho bằng đèn

Châu Đốc

Ngọn gió nào độc cho bằng ngọn

gió Gò Công

Một ngọn gió đưa lạc vợ, xa chồng

Đêm nằm nghĩ lại, nước mắt hồng

nhỏ tuôn!

Hoặc câu:

Gặp anh đây mới biết anh còn

Hồi năm Thìn bão lụt, em khóc

mòn con ngươi!

Nhà ông bà ngoại không dùng thịt chó, trâu, mèo. Lạ một điều, hằng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, ông mua một con “cầy” quay rồi đem ra sau vườn cúng. Cúng xong đem cho hàng xóm, mấy ông bợm nhậu xứ tôi giờ vẫn còn nhắc, mặc dù ông tôi đã mất 50 năm. Tôi thắc mắc hỏi bà, bà nháy mắt nói nhỏ:

- Cúng binh Gò Công! Đừng có hỏi không nên!

Sau này tôi đọc quyển Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển, thấy có ghi lại:

“Trận bão năm Giáp Thìn xảy ra vào ngày 1 tháng 5 Dương lịch, tức ngày 16 tháng 3 âm lịch. Gió thổi mạnh từ lúc 10 giờ sáng tới 10 giờ đêm, nước lụt người trôi, đất Gò Công bỏ hoang vô số kể”.

Trước đó 3 ngày có hiện tượng nhật thực, ca dao dân gian còn nhớ:

Tháng Ba, Mười ba còn ghi

Nhựt thực giờ ngọ, vậy thì tối tăm

Thơ Năm Thìn bão lụt truyền miệng ở Gò Công, kể lại rằng:

Đời ông chí những đời cha

Mới thấy trận bão tháng ba lạ lùng.

Sống trong bể khổ hãi hùng,

Nhà cửa trôi hết, áo quần sạch trơn.

Rương xe thùng bộng, mái lơn,

Thuyền chài, cối giã chạy bon

trên đồng.

Xác người, xác thú chập chồng,

Sóng dồi, rêu dập, vun giồng lấp khe.

Một số ít người còn sống sót nhờ níu được những vật nổi như cây chuối, thuyền chài, leo lên cây nhịn đói, chịu khát, hy vọng có ghe xuồng nào đi ngang qua vớt họ.

Sáng ngày quên tuổi quên tên,

Nhà cửa trôi hết đưa lên Bồ Đề

Lội lên nước mắt dầm dề,

Ở truồng, ở lỗ, ê chề ráng đi!

Ông Cả làm phước ân thi,

Gạo lức, nước mắm ăn đi đỡ lòng!

Ăn cơm nước mắt ròng ròng,

Đói thì ăn vậy, trong lòng xót xa.

Người mất mẹ, kẻ mất cha,

Người thì mất vợ, kẻ đà mất con...

Ở Gò Công còn có câu:

Tháng Ba mùng sáu lai niên,

Cũng trùng một bữa, đậu tiền

cúng chung.

Cúng vong hồn các nạn nhân chết oan, gọi là “giỗ hội”. Ông ngoại tôi là người gốc Gò Công xiêu lạc lên Vĩnh Long sau cơn bão lịch sử ấy, nên có tục “cúng binh Gò Công” là vậy.

Ao Trường đua ở Gò Công
Ao Trường đua ở Gò Công

Qui mô cơn bão

Tác giả Trần Dũng, Hội Văn nghệ Trà Vinh, sưu tầm rất nhiều ca dao nhắc về sự kiện này. Nói về qui mô cơn bão:

Cửa Đại, Cầu Muống thân trên

Dòm coi ngó thấy nước lên có vòi

Ban đầu thiên hạ còn coi

Nước lên có vòi hết thảy nhà trôi 

Nhiều địa phương ảnh hưởng cơn bão, nặng nề nhất là Gò Công, kế đến Mỹ Tho và Tân An: 

Tân An lại với Gò Công

Ngẫm trong bão lụt không còn

người ta

Theo Đào Văn Hội trong Tân An ngày xưa, thì tại Tân An, trận bão bắt đầu lúc 4 giờ chiều. Gió thổi mạnh vào nhất vào 7 giờ đêm. Lần đầu tiên mưa đá rơi tại Tân An, cục to bằng cái trứng gà.

Nước sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, kinh Lính Tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp, bị nước cuốn trôi. Dân chúng đua nhau chạy đến trú ở dinh chủ tỉnh và tòa bố. 7 giờ sáng ngày 17-3 âm lịch, mưa tạnh dần, nước rút lần lần. Quang cảnh lúc ấy trông thật điêu tàn, tất cả các nhà lá đều sập, các cây keo, cây me trốc gốc đến chín mươi phần trăm. Trên sông Vàm Cỏ, thây nổi lều bều theo dòng nước.

Và cũng ảnh hưởng đến tận đô thành Sài Gòn: 

Bến Thành nóc chợ cũng bay

Đèn khí nó ngã nằm ngay

cùng đường

(Đèn khí tức cột đèn điện nội thành).

Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 8.6.1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân, tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn.

Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp.

Buổi sáng 1.5.1904, từ 7 giờ 55 cho đến 12 giờ tại Sài Gòn, mưa cứ lâm râm. Đến 1 giờ gió bắt đầu thổi mạnh và đến 3 giờ chiều gió càng dữ dội. Lúc đầu, trời chỉ có dông, lần hồi vừa dông vừa mưa đến mức như trút nước. Người dân Sài Gòn cứ ngỡ là trời dông lớn chứ không ai nghĩ đến bão lụt. Xe ngựa, xe kéo, khách bộ hành kiếm chỗ trú ẩn hoặc chạy về nhà, đường sá vắng tanh. Mới 4 giờ chiều mà trời đã tối sẫm, lại bị cúp điện. Ở các nhà hàng, quán cơm, người ta phải đốt đèn cầy hoặc đèn dầu, gió mạnh cứ thổi tắt hoài.

Cuộc bầu cử Hội đồng thành phố hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị huỷ bỏ và phải dời lại chủ nhật tuần sau.

Theo bài báo mô tả thì: “Đến 5 giờ chiều, trận dông mưa mới thật kịch liệt cực điểm. Dông gió tung rớt mái nhà, đàn ngã cây cối, đứt mất dây điện và dây thép, nhận chìm tàu ghe, cột đèn hay cột dây thép xiêu ngã liệt địa. Đường sá vắng teo không người lai vãng, tiếng dông mưa thổi ào ào như trời than đất thở

Sau đó, báo L’OpinionLe Courrier de Saigon có bài tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giựt đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá. Cách đó lối mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất.”

Còn ở các tỉnh lân cận: 

Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào

Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu,

Đồng Tranh

Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh

Thảy đều hư hại rành rành

chẳng sai

Vĩnh Long, Sa Đéc một vài

Cần Thơ cây ngã lầu đài vô can

Theo Nguyễn Duy Oanh trong Tỉnh Bến tre trong lịch sử Việt Nam, trận bão năm Giáp Thìn (1904) đã tạo ra những bãi cát lấp kín vàm rạch Băng Cung (con rạch trên cù lao Minh, dài 50km, hình cánh cung, lấy nước ngọt trên sông Hàm Luông từ xã Đại Điền, huyện Mỏ Cày, chảy ra biển tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú). Vì vậy, nước ngọt sông Hàm Luông chảy vào rạch Băng Cung không được, còn nước mặn từ phía biển xâm nhập dễ dàng, làm cho các làng Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thạnh phải mất mùa. Từ năm 1938 đến năm 1941, một con đập được đắp ngang sông Băng Cung, phía gần biển tại vàm Rỗng để ngăn nước mặn. Nhờ thế mà hơn 14.000ha ruộng mới cày cấy được.

Ngay tới Campuchia cũng bị ảnh hưởng: 

Họa rơi như tới Nam Vang

Ba Nam người vật mắc nàn

biết bao. 

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.