Với sự nhiệt huyết và sáng tạo trong dạy học của mình, cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung, sinh năm 1988, giáo viên môn Anh văn, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang, huyện Krông Nô luôn được đồng nghiệp yêu quý, HS và phụ huynh kính trọng, biết ơn.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Đắk Nang hiện có 428 em HS, trong đó 217 em là DTTS, chiếm trên 60%, chủ yếu người Mông có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ phải bỏ học giữa chừng là rất cao. Tuy nhiên, từ những việc làm của cô giáo Dung đã góp phần tích cực cùng nhà trường trong việc giảm thiểu HS bỏ học giữa chừng. Nếu năm 2013, nhà trường có tỷ lệ HS bỏ học chiếm trên 4% thì đến nay chỉ còn 0,5%.
Làm từ thiện níu giữ cơ hội đến trường cho HS
Cô Dung gắn bó với nghề đã gần 10 năm nay. Dù là giáo viên bộ môn nhưng mỗi thế hệ HS cô đều nhớ rõ hoàn cảnh của các em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngày mới được nhận về trường công tác, cô bất ngờ khi trường có nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em dù yêu thích đi học nhưng buộc phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh quá khó khăn. Điển hình như cách đây 5 năm có em Giàng Thị Dó, HS lớp 4. Trước khi nghỉ học, Dó đã viết một bức thư gửi cô Dung và các bạn. Bức thư đã lấy đi rất nhiều nước mắt của thầy cô và HS toàn trường khi cô hiệu trưởng cho đọc trước trường trong buổi chào cờ đầu tuần.
Nội dung bức thư là lời xin lỗi cô giáo vì em phải bỏ học. Cảm động hơn khi em giải thích lý do nghỉ học là để phụ giúp bố mẹ, nhường lại cơ hội cho anh trai và em của mình được tiếp tục đến trường. Những dòng tâm sự của em làm cô giáo Dung như đau nhói trong lòng. Sau đó, cô Dung đã đến nhà vận động để Dó được tiếp tục đến trường nhưng cũng chỉ được một tuần sau đó em vẫn phải nghỉ học. Việc Dó nghỉ học đã làm cô Dung suy nghĩ rất nhiều.
Cô tâm sự: “Tôi thấy tiếc một học trò ngoan, học giỏi. Lúc đó, tôi cảm thấy mình thật sự bất lực. Buồn hơn nữa là khi trong trường vẫn còn rất nhiều em có hoàn cảnh như Dó.Có em hạnh phúc hơn Dó khi được đến trường nhưng buổi trưa đơn giản chỉ là nắm cơm nhỏ, vo tròn trong bịch bóng. Có những giờ học buổi chiều, nhiều em nằm dài trên bàn, lả đi...vì đói. Một câu hỏi luôn nhói lên trong lòng tôi: Đó chỉ là một HS nhưng đã biết hy sinh để anh và em của mình được đi học, mình là một giáo viên lại không thể làm được gì cho các em?! Từ đó, tôi đã quyết định đi vận động, kêu gọi sự giúp đỡ bằng các hình thức để có thể níu giữ được cơ hội đến trường cho HS.
Ban đầu, cô cùng một số giáo viên khác trong trường đi vận động người dân quyên góp mua xe đạp cho HS. Nghe ở đâu có quần áo cũ cô cũng đến xin mang về cho HS. Để HS có thêm những bữa ăn, không đói lả trong các giờ học, cô Dung đã vận động và huy động được thêm những tấm lòng nhân ái cùng chung sức để nấu thức ăn bữa trưa cho HS. Ban đầu chỉ có một bữa thứ 2, dần dần cô nấu thêm được thứ 3 và thứ 5. Những bữa cơm vắt trắng với muối nay đã được thêm cá, thịt, rau. Mỗi bữa ăn được cô giáo Dung phát thức ăn là những bữa ăn no và ngon đối với rất nhiều em.
Với điều kiện khó khăn của hầu hết HS, việc hỗ trợ cho các em từ chính bữa ăn là việc làm cần thiết và thiết thực nhất để HS nghèo tiếp tục đến trường. Điều làm cho HS và phụ huynh vui mừng hơn khi từ chỗ chỉ nấu được 50 phần ăn, đến nay cô Dung đã kêu gọi nấu được trên 200 phần ăn mỗi bữa. Qua những việc làm và hình ảnh thực tế của mình, cô Dung dần kết nối, kêu gọi, vận động được các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, bạn bè, người thân, các câu lạc bộ để hỗ trợ HS những vật dụng cần thiết đến lớp như áo ấm, áo trắng, dép, mũ, sách vở, bút…
Cô vẫn không quên hình ảnh em Sùng A Khải đứng khóc nức nở vì xúc động khi nhận được món quà hỗ trợ từ mạnh thường quân. Nhiều em nhà xa nên ở các túp lều tạm càng quyết tâm học hơn khi được cô Dung và mọi người đến tận nơi ở tạm dọn dẹp, mua các vật dụng, gạo, hỗ trợ tiền thức ăn…
Xúc động trước sự khó khăn vất vả của HS và sự nhiệt huyết của cô giáo Dung, năm học 2016 - 2017 một mạnh thường quân ở TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ gần 100 triệu đồng mua quần áo và các vật dụng cần thiết cho HS. Thấy HS được mặc ấm, được ăn no, có vật dụng phục vụ học tập chính là động lực lớn nhất của cô để tiếp tục làm công việc ý nghĩa của mình.
Thật ý nghĩa khi trên 20 đợt vận động, quyên góp do chính cô Dung chủ trì đã giúp đỡ được trên 3.000 lượt HS khó khăn là kết quả của hành trình đầy yêu thương. Mới đây, cô Dung vui mừng khoe với chúng tôi khi các hộ dân gần trường cho HS mượn bàn ghế để ngồi ăn trưa. Cô cũng vận động được các nhà tài trợ cung cấp quần áo thể thao đồng phục cho HS toàn trường. Ước mong lớn nhất của cô là được xây dựng một bếp ăn bán trú để có chỗ nấu và tăng thêm các bữa ăn cho HS.
Dạy học dựa trên năng lực của HS
Với đặc thù phần lớn là HS DTTS, việc học tiếng Việt đã khó khăn nên việc học tiếng Anh càng không phải dễ. Thế nhưng, hầu hết các tiết dạy của cô đều được HS yêu thích. Với năng lực của HS, cô không đòi hỏi các em phải thật căng thẳng để học giỏi mà chỉ cần biết và hiểu bài là đủ. Cô làm cho những giờ dạy của mình trở nên nhẹ nhàng khi có sự kết hợp giữa “học mà chơi, chơi mà học”.
HS tiếp nhận kiến thức qua các trò chơi, bài hát hay các hình ảnh trực quan. Cũng qua cách tiếp nhận của HS, cô điều chỉnh cách truyền đạt kiến thức của mình. Cô phân loại được HS để có hình thức hỗ trợ phù hợp. HS có học lực trung bình, cô đặt mục tiêu giúp các em biết được giao tiếp đơn giản. HS có học lực khá, cô hướng các em thêm phần viết tốt hơn.
Đối với những em học giỏi, cô ôn luyện và bổ sung thêm kiến thức phù hợp để phát huy khả năng của từng em. HS nào yêu thích môn học, muốn nâng cao kiến thức, cô tranh thủ thời gian ôn luyện những kiến thức nâng cao. Với phương pháp dạy học phù hợp, tỷ lệ HS học yếu bộ môn ngày càng giảm dần. Không những vậy, hàng năm, cô Dung luôn có 7 đến 10 HS đạt danh hiệu HS giỏi cấp huyện. Đó là sự nỗ lực, thành tích được giáo viên nhiều trường khác nể phục đối với một ngôi trường còn nhiều gian khó nơi vùng sâu.
Cô Đoàn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường tự hào khi nói về cô Dung: “Cô Dung là một giáo viên sống rất tình cảm, yêu HS, nhiệt huyết với nghề. Với những hoạt động thiết thực của cô Dung đã tạo nên những thay đổi tích cực. HS đến trường sạch sẽ hơn. Tỷ lệ HS chuyên cần tăng hàng năm. Điều quan trọng hơn là cô đã tạo được sự kết nối giữa những tấm lòng nhân ái để giúp đỡ được HS của mình. Riêng trong công tác chuyên môn, cô Dung luôn có tinh thần trách nhiệm cao, cập nhật các phương pháp dạy học mới, phù hợp với HS”.
Ghi nhận những đóng góp của cô giáo Dung, năm học 2016 - 2017, cô vinh dự được Bộ GD&ĐT trao tặng Bằng khen về những sáng tạo, đổi mới trong dạy học. Nhiều năm liền cô cũng được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thế nhưng, có lẽ đối với cô Dung, hạnh phúc lớn nhất là khi không phải chứng kiến cảnh HS phải nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn, để những chuyến đò đưa ngày càng trọn vẹn.
Ai đó đã từng nói: “Một thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi lại nghĩ đến người tận tụy như cô. Đối với chúng tôi cô Huỳnh Thị Thùy Dung không chỉ là một người giáo viên nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, mà còn là một người mẹ thứ hai của các em HS thân yêu của Trường TH Võ Thị Sáu, tấm gương để bản thân học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái Trường TH Võ Thị Sáu thân thương này!