Vào một ngày tháng 9/2014.
Sau khi pha trà mời khách, tôi được biết ông muốn đến xin cho con gái đi học lại lớp 6. Xem kỹ giấy tờ, tôi biết em là Nguyễn Bích Ngọc, sinh năm 2000, đã nghỉ học cách đây 3 năm để chữa bệnh. Tôi tạm thời xếp em vào lớp 6B và mời cô giáo chủ nhiệm nhận trò rồi đưa em lên lớp.
Trở lại phòng làm việc, tôi mới có dịp hỏi kỹ phụ huynh. Rơm rớm nước mắt, bố Ngọc kể trong tiếng nấc nghẹn ngào:
…Ngọc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó.
…Năm 2011. Một lần, em đi học về thì thấy đau chỗ thắt lưng như có ai bóp nghẹt. Cả đêm hôm ấy Ngọc đau lăn lộn. Sáng hôm sau, bố mẹ em đưa lên viện khám. Bác sĩ phát hiện em có một quả thận bị ứ nước, chắc chắn sẽ phải cắt bỏ… Đó là ngày định mệnh khiến Ngọc và gia đình bắt đầu rơi vào khốn khó.
…Hôm đầu Ngọc bị cắt đi một quả thận. Khi về giường nằm thì thấy khó thở, đau dữ dội, lập tức phải lên phòng cấp cứu thở oxy. Các bác sĩ trực theo dõi cả đêm… Đến sáng hôm sau em được chỉ định cắt tiếp quả thận thứ hai...
Cả nhà không ai nói cho em biết. Ngọc chỉ biết rằng sau khi xuất viện, hàng tuần vẫn phải ra viện 3 lần để can thiệp (thực ra là chạy thận), suốt một năm trời…
Nhưng sức lực con người có hạn, bố mẹ em và gia đình suốt ngày chỉ chăm chăm vào việc đưa con đi viện, không có thời gian kiếm tiền. Địa phương và họ hàng hết lòng giúp đỡ nhưng chỉ được phần nào. Tiền bạc để dành cũng hết, đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi…
...Không còn cách nào khác, mẹ em đành phải cắt đi một quả thận để ghép cho con. Cũng từ đó, mẹ Ngọc rất yếu, chỉ quanh quẩn việc nhà, cơm nước chứ không đi làm được nữa. Do suy nghĩ thương con nhiều, mẹ em mắc chứng bệnh thần kinh, lúc nhớ lúc quên. Mọi chi tiêu của cả nhà đều trông vào sức lao động của bố với mấy sào ruộng khoán mà thôi.
…Sau khi được ghép thận của mẹ, Ngọc không phải đi chạy thận nữa nhưng vừa học vừa đi chữa bệnh rất vất vả. Đều đặn mỗi ngày 2 lần, em phải uống thuốc chống đào thải và duy trì chức năng của thận. Chỉ cần đi bộ một đoạn là hoa mắt chóng mặt, chân tay run rẩy. Em đã cố gắng đi học nhưng cũng rất khó khăn vì thường xuyên phải nghỉ học để đến viện. Tất cả các thầy cô giáo và các bạn trong trường liên tục đến động viên nhưng sức khỏe em quá yếu… Sự học của em đành bỏ dở từ đấy…
Ba năm liền chữa bệnh tại nhà, Ngọc chỉ biết làm bạn với chiếc máy tính, đọc tin tức gần xa. Em thấy nhiều tấm gương quanh mình đã vượt lên số phận hoàn cảnh để có được một công việc tốt, đóng góp cho xã hội. Tấm gương của Nick Vujicic - một người không chân không tay mà làm nên nhiều việc phi thường. Thầy Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ nhỏ, sau cũng cố học hành vượt lên số phận và đã trở thành một thầy giáo…
Rồi Ngọc được nghe bác em (là bác Nguyễn Đình Trọng - Phó ban Tuyên giáo huyện Hoài Đức) nói về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có nói nhiều về thời kỳ Bác Hồ mới ở tù ra, chân yếu, mắt mờ, đi không vững, vậy mà Bác đã tập luyện để có thể đi bộ, sau này nhiều lần trèo đèo lội suối chỉ huy các chiến dịch… Nhìn bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường, còn mình phải ngồi một chỗ, Ngọc tủi thân lắm. Chẳng lẽ chấp nhận là gánh nặng của bố mẹ suốt đời hay sao? Nghĩ đến những tấm gương khuyết tật vẫn vươn lên học tập và trở thành người có ích cho xã hội, với nỗ lực vượt lên số phận, Ngọc đã nói với bố: “Con phải học tập để sau này có một nghề tự nuôi sống được bản thân, bố mẹ không phải lo cho con nữa…”.
Và hôm nay, tôi được tiếp nhận một học trò quyết tâm vượt lên hoàn cảnh bằng nghị lực của mình. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm để em Ngọc được cắp sách đến trường. Cuộc họp Hội đồng tháng 9 năm ấy, tôi nói rõ hoàn cảnh em Ngọc. Các thầy cô giáo đều thấu hiểu hoàn cảnh của em và có tình thương đặc biệt với cô học trò hiếu học ấy.
Từ khi đi học lại, những tháng ngày gian nan vất vả lại đến với Ngọc: Thỉnh thoảng trở trời, lên cơn đau, em lại được cô giáo đưa về nhà. Hàng tháng, Ngọc vẫn phải ra bệnh viện kiểm tra và chỉ định cho thuốc. Và mỗi ngày, cứ đúng 9 giờ, cô giáo lại cho em xuống phòng y tế nghỉ ngơi uống thuốc. Các bạn trong lớp đều kém Ngọc 3 tuổi nhưng rất thông cảm, giúp em sớm hoà đồng. Cả lớp gọi em là “chị Ngọc”, coi như một người chị, nhưng vẫn cùng chơi, san sẻ mọi chuyện như một người bạn.
Bạn bè đến nhà chở Ngọc đi học mà không cần phải bố đưa đón nữa. Tôi và các thầy cô giáo trong trường đều rất quan tâm, tạo điều kiện để Ngọc được tham gia các hoạt động xã hội vừa sức cho khuây khỏa. Hè 2016, tôi để em tham gia Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách hè với việc đóng vai chị Võ Thị Sáu minh họa cho câu chuyện của cuốn sách “Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại”. Em rất vui. Từ đó em càng quyết tâm học tập hơn…
Rồi tôi chuyển trường theo diện điều động luân chuyển cán bộ. Đầu năm 2018, tôi gặp lại Ngọc trong một lần về thăm trường cũ. Em đã cao gần bằng tôi, tuy vậy, ánh mắt vẫn đượm buồn và nước da xanh xao. Do uống nhiều thuốc trong thời gian dài, hiện tại em bị viêm loét dạ dày, thế nên ngoài thuốc chống đào thải thận, em còn phải dùng thêm thuốc điều trị dạ dày nữa… Tôi nghe mà rớt nước mắt vì thương em, lại càng phục em hơn về ý chí và nghị lực vượt khó, tinh thần lạc quan cũng như lòng ham học của cô bé đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Tôi hỏi thăm tình hình học tập của Ngọc thì cô giáo Trần Thị Thu - chủ nhiệm lớp 9B - cho biết: Trừ những ngày quá đau phải nghỉ học, còn lại em Ngọc rất chăm chỉ học tập, và tiếp thu bài được. Nhưng số đợt nghỉ của em Ngọc ngày càng nhiều hơn do sức khỏe không đảm bảo. Tuy vậy, Ngọc vẫn mượn vở các bạn để chép bài và nhờ cô giáo giảng lại bài cho mình. Vì thế em vẫn đủ điều kiện lên lớp. Năm nay em đã học đến lớp 9, và là một học sinh ngoan của trường.
Chia tay em Ngọc, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi cặp mắt trong veo nhưng đượm buồn của em. Hình ảnh Ngọc ngày ngày phải chống chọi với bệnh tật mà vẫn cố đến trường học khiến tôi khâm phục ý chí nghị lực của em. Nhưng nghĩ đến em lúc nhăn nhó vì đau, và chiếc ghế trống trong lớp những hôm em phải nghỉ ở nhà khiến tim tôi quặn thắt.
Tôi thật sự cảm phục nghị lực phi thường vượt lên chính mình của cô bé, và tự nhủ mình phải làm một điều gì đấy để giúp em phấn chấn tinh thần hơn, thêm động cơ vượt khó học tập…
Và tôi đã cầm bút viết bài về em.