Em là cô giáo vùng cao!

GD&TĐ - Một sớm thu 2017, tôi có mặt ở Phiêng Pằn - xã vùng cao biên giới của huyện Mai Sơn, Sơn La. Phiêng Pằn chào đón tôi bằng một cơn mưa rừng ào ạt. Mưa ở Phiêng Pằn lạ lắm. Nó ập đến khiến ta ngỡ ngàng.

Em là cô giáo vùng cao!

Và loáng một cái, trời lại trong xanh ngay. Con đường mới hoàn thành và đưa vào sử dụng đã có nhiều đoạn sạt lở đưa tôi đến trung tâm xã vùng biên. Đặt chân lên nơi biên viễn của Tổ quốc, tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống, sự miệt mài “nuôi” con chữ của các đồng nghiệp ở ngôi trường nằm lẫn trong sương núi, Trường Mầm non Phiêng Pằn. Ra tận cổng trường đón tôi là em - cô hiệu trưởng với vóc người nhỏ, gầy nhưng đôi mắt và giọng nói thật dịu hiền và thân thiện.

Sinh năm 1981, tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Phùng Thị Hiền đã có 20 năm gắn bó với nghề và 14 năm gắn bó với xã vùng cao Phiêng Pằn. Em về trường từ năm 2003. Ba năm sau, em được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng trường mầm non của xã.

Khi ấy, em cũng lo lắng lắm vì mới tiếp nhận nhiệm vụ mà xã có tới 11 điểm trường, mỗi điểm trường chỉ có từ 1 - 2 giáo viên. Thế mà, từ chỗ mỗi năm chỉ có 60-70% học sinh ra lớp. Sáu năm nay, số trẻ ra lớp đạt từ 98,8-100%. Nhiều năm liền Hiền được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh. Nhưng tôi không muốn viết nhiều về những tấm bằng khen, giấy khen, những danh hiệu mà Hiền đã đạt được. Tôi muốn viết về những hi sinh thầm lặng vượt qua nhọc nhằn, gian truân trong hành trình lên lớp mỗi ngày của em.

Những năm về trước, vào mùa mưa xã Phiêng Pằn gần như trở thành một “ốc đảo” ngăn cách với các xã và trung tâm huyện. Mỗi khi có mưa lớn, kéo dài là bị ngập úng, sạt lở, nhầy nhụa gây ách tắc giao thông. Điều kiện địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, có điểm trường nằm cách xa trung tâm xã đến cả ngày đi đường.

Có những hôm mưa bão, từ trung tâm xã Phiêng Pằn đến điểm trường lẻ bản người Xinh Mun ở Nà Nhụng, cây đổ, đá chèn, lầy lội, trơn trượt, ngã liên tục, nhiều khi chỉ muốn vứt xe lại men theo bờ suối mà đi. Đến được tới điểm trường thì người không còn chỗ nào sạch sẽ. Mùa khô đi đường cũng đỡ vất vả hơn một chút, nhưng dù trời nắng như đổ lửa cũng phải mặc áo mưa nếu không bụi đất sẽ phủ đầy quần áo.

Các cô giáo ở đây khởi động ngày mới từ rất sớm. Công việc không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng. Có phụ huynh nhà xa đưa con đến từ khi cô vừa thức dậy, tối muộn, sau một ngày vất vả trên nương rẫy mới đến đón con về. Lúc đó, các cô mới được dọn dẹp, nấu nướng và soạn bài. Những năm Phiêng Pằn chưa có điện phải dùng đèn dầu và cả đèn pin để soạn bài. Mù tịt thông tin, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Trên ngọn đồi khá vắng vẻ, xung quanh chỉ toàn bóng núi, cây cỏ, buổi tối bao trùm lên ngôi trường thật tĩnh lặng. Cứ như vậy, hết ngày này qua ngày khác.

Thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho các con rất thô sơ. Lúc rảnh rỗi, Hiền và các cô giáo ở đây lại tự làm đồ chơi cho các con. Trẻ vùng cao thiệt thòi và rất hạn chế về kĩ năng sống. Vì thế, trong nội dung lên lớp Hiền lưu ý các cô chú ý đến các kĩ năng cần thiết cho trẻ vùng cao như kĩ năng giao tiếp, vệ sinh cá nhân, nhận thức về các loại lá rừng độc hại, tránh xa sông suối...

Nhưng khó khăn lớn nhất là về ngôn ngữ. Cô giáo miền xuôi dạy tiếng phổ thông, còn các con lại nói tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Xinh Mun, nên cô trò bất đồng ngôn ngữ. Cô nói mà trò cứ ngây ra, có những lúc cô giáo cảm thấy bất lực. Để giải quyết vấn đề này, các cô buộc phải tự học tiếng dân tộc. Tối tối, lặn lội vào bản tới nhà học sinh nói chuyện cùng gia đình, vừa để làm quen, vừa để học tiếng. Năm nào, Hiền cũng tổ chức được một lớp học tiếng dân tộc cho giáo viên nhà trường. “Học những câu đơn giản để giao tiếp với bà con, để biết các con nghĩ gì, nói gì thôi”.

Hiền còn phát động nhà trường giúp dân phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi giun quế phát triển đàn gia cầm. Thành quả chưa lớn nhưng bà con rất phấn khởi. Phiêng Pằn là một trong 86 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, với 19 bản, thì 13 bản người Xinh Mun, chiếm 78% dân số. Giao thông đi lại quá khó khăn nên cuộc sống của người dân những xã này chủ yếu là tự cung tự cấp.

Người dân ở đây nghèo lắm. Tỷ lệ hộ nghèo luôn ở ngưỡng trên 50%. Bố mẹ quanh năm nghèo đói, các con đi học nhiều hôm phải nhịn đói, cả tuần có con chỉ mặc duy nhất một bộ quần áo, chân không giày dép. Mỗi lần về nhà, Hiền lại tranh thủ xin quần áo cũ, giày dép của hàng xóm, bạn bè. Lần nào vào trường, bên cạnh những nhu yếu phẩm cần thiết, xe Hiền lúc nào cũng chất ngất những bịch to, bịch nhỏ quần áo, đồ chơi. Đồ mới được xem là những thứ xa xỉ với các con. Những lúc trời mưa lạnh, các con không có áo ấm mặc đến lớp, đôi chân tím tái vì lạnh, phải thổi bếp lửa lên cho ấm rồi mới dạy được.

Gắn bó, tâm huyết với nghề, với nhiều thành tích được ghi nhận, Hiền là một trong số rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, của tỉnh Sơn La.

Trò chuyện với em và các cô giáo nơi đây, trong lòng tôi thật nhiều cảm xúc. Đó là một sự đồng cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp, đó là sự cảm phục trước những hi sinh âm thầm, là sự trân trọng những con người bản lĩnh, nhiệt huyết với nghề nghiệp cao quý và cũng thật nhiều tình yêu thương con trẻ. Tình thương yêu lớn lao ấy đã tiếp sức cho Hiền cũng như hàng ngàn vạn thầy cô đang công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc, vượt khó vươn lên, tâm huyết, sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự nghiệp “trồng người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.