'Nhảy việc' vào vùng khó miền sơn cước

GD&TĐ -Cô Ngọc Thị Thu, Hiệu trưởng Trường TH Quảng Uyên, được đồng nghiệp gọi là nhà giáo 'nhảy việc' vào những nơi khó khăn.

Cô Ngọc Thị Thu và học trò thân yêu. Ảnh: NVCC
Cô Ngọc Thị Thu và học trò thân yêu. Ảnh: NVCC

Cô Ngọc Thị Thu (sinh năm 1973), Hiệu trưởng Trường TH Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) là nhà giáo không chỉ có tinh thần vượt khó, mà còn có nhiều chia sẻ với học trò là con em đồng bào dân tộc. Cô Thu được đồng nghiệp gọi với “danh hiệu” nhà giáo “nhảy việc” vào những nơi khó khăn nhưng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hạnh phúc đến từ niềm vui của học trò

Cô Ngọc Thị Thu. Ảnh: NVCC

Cô Ngọc Thị Thu. Ảnh: NVCC

Cô Ngọc Thị Thu sinh ra trong một gia đình làm trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Bố mẹ đều rất mong muốn con cái lớn lên sẽ được đi học chuyên nghiệp để có công việc ổn định.

Từ nhỏ, cô Thu đã có ước mơ lớn lên sẽ được đi học chuyên ngành nghệ thuật hoặc làm cô giáo. Năm 1994, cô gái trẻ thi vào Trường Trung học Sư phạm Cao Bằng (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng) học chuyên ngành Giáo dục tiểu học.

Ra trường, cô Thu được điều động đến nhận công tác tại trường hạng I, sĩ số học sinh và số lớp đông nhất trong huyện. Bản thân cô chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, đặc biệt là trong công tác Đội. Nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết, cô đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm các thế hệ anh chị đồng nghiệp đi trước.

Được Ban giám hiệu tạo điều kiện, đặc biệt là sự hướng dẫn của thầy Hoàng Anh Tuấn, nguyên là giáo viên Tổng phụ trách Đội nhà trường, cô Thu đã mạnh dạn tự tin hơn trong quá trình dạy học.

Tại thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường còn nhiều khó khăn, không có giáo viên dạy âm nhạc hỗ trợ, chưa có mạng Intenet để tham khảo, việc dạy hát, dạy múa cho học sinh chỉ dạy chay.

Cô chia sẻ, để dạy được một điệu múa, giáo viên phải tự nghĩ động tác dựa trên lời ca bài hát. Nhưng những khó khăn đó không làm cô nản chí bởi các em học sinh rất nhiệt tình, hăng say khi được dạy hát, múa và được tham gia các hoạt động đội, sao, hoạt động ngoại khóa…

“Tôi đã tham mưu cho Ban giám hiệu để tổ chức một số chương trình theo chủ điểm từng tháng, để các em được tham gia trải nghiệm, sáng tạo. Đồng thời, rèn các kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Nhìn học sinh hưởng ứng tích cực, tham gia sôi nổi và nhận được nhiều phản hồi tốt khiến chúng tôi rất hạnh phúc”, cô Thu nói.

Tháng 8/2000, cô tình nguyện đi tăng cường tại Trường Tiểu học Như Lăng, xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa. Tại đơn vị mới, cô được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 3, kiêm giáo viên Tổng phụ trách Đội.

Đến với trường mới, mọi thứ đều lạ lẫm, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Nhưng các em học sinh đều rất ngoan, đi học đầy đủ nhưng chưa sôi nổi khi tham gia hoạt động các phong trào.

Qua nắm bắt tình hình, cô Thu nhận thấy các em có tiềm năng. Tuy nhiên, do tính e dè, nhút nhát các em chưa phát huy được khả năng của mình. Lồng ghép kỹ năng sống qua các tiết học, cô động viên các em tự tin hơn. Đồng thời, tăng cường các hoạt động vui chơi học tập trong lớp. Sau những nỗ lực, đến cuối năm, học sinh được khen thưởng đạt tỷ lệ cao hơn so với năm học trước, đạt Liên đội mạnh.

Môi trường mới là những dấu chân kỉ niệm

Nhiều năm gắn bó với giáo dục, cô Thu cảm thấy may mắn với chọn lựa của mình. Cô nói: “Con đường đã chọn và đã đi mang đến những hạnh phúc cho cá nhân tôi. Quan trọng hơn cả đó là ước mơ năm xưa được thực hiện nên mọi chông gai cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Mỗi ngày được đến trường, ngắm các em vui chơi hồn nhiên và hăng say học tập, chúng tôi coi đó là động lực lớn để tiếp tục cống hiến”.

Tháng 8/2003, cô Ngọc Thị Thu được điều động quay trở lại Trường Tiểu học Quảng Uyên và được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4, kiêm Tổng phụ trách Đội. Một năm sau, cô được điều động về Phòng Giáo dục và Đào tạo công tác và được phân công phụ trách chuyên môn tiểu học, phong trào Đội các trường học.

Với vai trò là người phụ trách chuyên môn bậc tiểu học và công tác Đội các trường học, cô thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cuộc thi như giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi… Đồng thời, tổ chức các cuộc thi cho học sinh như thi Giao lưu Tiếng Việt của chúng em, kể chuyện em với Bác Hồ.

Đến tháng 10/2010, cô Thu được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng và điều động đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Phi Hải, xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Trường mới đến nhận công tác có 3 điểm trường, học sinh nơi đây chủ yếu là dân tộc Tày, ngoài ra có dân tộc Nùng, Mông. Điều kiện đi lại ở 2 điểm trường lẻ tương đối khó khăn, học sinh ở điểm trường đều là người Mông, kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở xa trường. Đường từ nhà đến trường phải trèo đèo qua núi nên các em đi học không đều, đặc biệt, những hôm trời mưa các em không thể đến trường học.

Qua tìm hiểu, cô Thu nhận thấy học sinh ngoan, lễ phép, chăm chỉ đến trường. Chất lượng hàng năm, trường đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chưa có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, học sinh đạt giải các kỳ thi cấp huyện chưa có. Bên cạnh đó, con đường vào trường đi lại rất khó khăn vì phải đi men theo bờ ruộng.

Xuất phát từ những khó khăn trên, với vai trò là người đứng đầu trong đơn vị, cô Thu đã họp bàn trong chi ủy chi bộ, các đoàn thể, tìm biện pháp khắc phục để nâng cao chất lượng mũi nhọn cả giáo viên và học sinh.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể nhà trường và sự tâm huyết với nghề của đội ngũ giáo viên, năm học 2015 - 2016, trường đã có 2 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Có học sinh đoạt giải Khuyến khích giải Olympic cấp huyện.

Cô Thu cho biết: “Điều làm tôi trăn trở là con đường từ đường quốc lộ vào trường vẫn là đường mòn đi men theo bờ ruộng của dân gây nguy hiểm cho cả giáo viên và học sinh bởi một bên đường là vực sâu.

Tôi đã mạnh dạn làm tờ trình đề xuất và tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa vào chủ trương để xã hội hóa mua thêm đất mở rộng mặt đường, dự trù vật liệu và công lao động để đổ bê tông mặt đường.

Sau một thời gian huy động và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của phụ huynh, của nhân dân và của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngày 12/8/2017, nhà trường đã khánh thành con đường bê tông hóa dẫn vào trường”.

Sau khi hoàn thiện con đường vào Trường Tiểu học Quốc Tuấn, cũng trong tháng 8/2017, cô Thu lại được điều động về nhận công tác tại Trường Tiểu học Quảng Uyên với cương vị là quản lý của một trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Đối với cô Ngọc Thị Thu, những lần chuyển công tác sang môi trường mới là những dấu chân của kỉ niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ