Những cô hiệu trưởng góp sức đổi thay diện mạo giáo dục mầm non vùng khó

GD&TĐ - Bằng sự quyết tâm và nỗ lực hết mình, nhiều nhà giáo đã góp phần làm thay đổi diện mạo của giáo dục vùng khó xứ Thanh.

Cô Vũ Thị Lâm (ngoài cùng bên trái) trong chuyến công tác tại điểm trường Sài Khao, Trường Mầm non Tây Tiến (Mường Lát).
Cô Vũ Thị Lâm (ngoài cùng bên trái) trong chuyến công tác tại điểm trường Sài Khao, Trường Mầm non Tây Tiến (Mường Lát).

Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó

Năm 2000, vừa tròn đôi mươi, cô Vũ Thị Lâm (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tình nguyện lên huyện vùng cao, biên giới Mường Lát chia khó với ngôi Trường Mầm non Tam Chung.

Cảnh tượng đập vào mắt cô giáo trẻ lúc ấy là những phòng học đơn sơ, tạm bợ, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Học sinh có tới 98% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, nói tiếng Việt chưa rõ khiến cho việc giao tiếp giữa cô và trò gặp muôn vàn khó khăn.

Để xóa bỏ khoảng cách với trò, nữ giáo viên (GV) vừa truyền dạy kiến thức vừa trau dồi thêm tiếng bản địa để thuận tiện hơn khi giao tiếp. Sau 4 năm đứng lớp, cuối năm 2004, cô Lâm được điều động về làm Hiệu phó Trường Mầm non thị trấn Mường Lát.

“Một trong những thay đổi lớn nhất khi tôi về Trường Mầm non thị trấn Mường Lát công tác đó là tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng tôi phải đến từng cơ quan, đơn vị, thậm chí là đồn biên phòng để xin hỗ trợ chi phí mua dụng cụ, đồ dùng cho các cháu”, cô Lâm chia sẻ.

Kể từ khi tổ chức bếp ăn bán trú, chất lượng giáo dục của ngôi trường cũng dần cải thiện. Trẻ không chỉ nhận biết được hết chữ cái, mà còn được tham gia tất cả hoạt động trong ngày, việc giao tiếp cũng cải thiện hơn rất nhiều.

Sau những thành quả đạt được ở Trường Mầm non thị trấn Mường Lát, cô Lâm được điều động công tác về Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, phụ trách bậc học mầm non. Ở cương vị mới, không tránh khỏi những áp lực song cô Lâm luôn xem đó là thử thách để tôi rèn ý chí, bản lĩnh.

Phòng học sạch đẹp tại Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa).

Phòng học sạch đẹp tại Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trong thời gian phụ trách bậc học mầm non, cô Lâm luôn hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), với nhiều sáng kiến được đánh giá, xếp loại cấp ngành. Đặc biệt, SKKN “Một số giải pháp chỉ đạo các trường mầm non nâng cao hiệu quả tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số tại huyện Mường Lát” được đánh giá, xếp loại B cấp ngành năm 2021.

Bằng những nỗ lực cố gắng cùng sự quan tâm của các cấp, ngành, diện mạo giáo dục vùng khó Mường Lát đã “chuyển mình” với 80% trường mầm non tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Trẻ mẫu giáo đến trường được hưởng chế độ chính sách của nhà nước, vì vậy công tác vận động trẻ ra lớp ngày càng đạt tỷ lệ cao.

Theo cô Lâm, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cũng ngày càng khang trang hơn, hiện chỉ còn 5 phòng học tạm bợ. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, hiện với thể thấp còi chỉ còn khoảng 10%, và thể nhẹ cân khoảng 9,7%.

“Mục tiêu trong những năm tới với giáo dục mầm non Mường Lát là phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trung bình 0,2% mỗi năm. Đồng thời, nâng tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp, tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng và phấn đấu 100% trường tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ”, cô Lâm nói.

Rút ngắn khoảng cách với giáo dục miền xuôi

Với cô Tống Thị Ninh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa), điều níu chân những nhà giáo gắn bó với vùng cao đó chính là tình cảm chân thành, ấm áp của người dân nơi đây.

Cũng bởi tình cảm chân thành ấy, cô Ninh đã gắn bó cùng mảnh đất này ngót nghét 30 năm, với đầy ắp những kỷ niệm, trong đó có cả những giọt mồ hôi.

Nhớ lại những ngày đầu lên Mường Lát, cô Ninh xúc động: “Cảnh tượng đập vào mắt tôi khi ấy là những phòng học tranh tre nứa lá đơn sơ, tạm bợ ngay sát quốc lộ. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ, người dân nơi đây sống được thì mình cũng vậy!”.

Sau một năm giảng dạy tại Trường Mầm non Tam Chung (nay là Trường MN thị trấn Mường Lát), cô Ninh được điều động về Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát phụ trách công tác chuyên môn. Tháng 12/2010, cô Ninh được điều động về Trường Mầm non Pù Nhi làm Hiệu trưởng. Đây cũng là quãng thời gian đáng nhớ nhất với nữ nhà giáo xứ Thanh.

Cô Tống Thị Ninh (ngoài cùng bên phải) trong hội thi Nữ công gia chánh giỏi năm 2022.

Cô Tống Thị Ninh (ngoài cùng bên phải) trong hội thi Nữ công gia chánh giỏi năm 2022.

“Lúc mới về nhận công tác, điểm trường chính chỉ có 4 phòng học cấp 4 đơn sơ. Đường tới trường thì trơn trượt, mỗi khi vào mùa mưa cô, trò lại trượt ngã lấm lem bùn đất. Với vai trò là cán bộ quản lý, tôi không khỏi xót xa”, cô Ninh bộc bạch.

Trước tình hình đó, cô Ninh làm tờ trình xin một số doanh nghiệp đang thi công công trình trên địa bàn xã nguyên vật liệu để làm đường và sân vui chơi cho trẻ. Đồng thời, xin dồn các điểm trường đã xuống cấp, ít học sinh về 7 điểm trường.

“Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng tình đoàn kết trong chính ngôi trường thông qua quỹ chia khó nội bộ, để hỗ trợ kịp thời cho GV có hoàn cảnh khó khăn”, cô Ninh nói.

Bằng tinh thần đoàn kết cùng sự nỗ lực cố gắng, Trường Mầm non Pù Nhi luôn là một trong những đơn vị tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục và là một trong 2 đơn vị hoàn thành kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2.

Sau thành quả đạt được ở Trường Mầm non Pù Nhi, năm 2020 cô Ninh luân chuyển công tác về Trường Mầm non Nhi Sơn. Ngôi trường cũng thường xuyên nằm trong tốp đầu của huyện về chất lượng, được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen…

Tuy nhiên, nữ nhà giáo lại khiêm tốn cho rằng: “Thành công với tôi không phải là được tặng giấy khen mà đào tạo ra những thế hệ GV được tặng giấy khen, kéo hẹp khoảng cách với giáo dục miền xuôi”.

“Tâm nguyện của tôi là gắn bó với bậc học, với Mường Lát để cùng đồng nghiệp nơi đây phấn đấu đưa giáo dục vùng cao tiến nhanh theo với miền xuôi. Mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, có chế độ đãi ngộ nhất định cho các thầy, cô giáo vùng cao cũng như học trò để giáo dục vùng cao bớt thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần”, cô Tống Thị Ninh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ