Trích lương mua đồ ăn, thức uống cho trò
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Nguyễn Dương Qúi – giáo viên trường Tiểu học Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vào giảng dạy tại điểm trường Đăk Ka - Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông).
Những ngày đầu, đường vào trường với chi chít ổ voi, ổ gà khiến nữ giáo viên 9X liên tục té ngã. Ngày mưa, đường trơn trượt khiến chiếc xe của cô giáo trẻ trượt bánh liên tục.
Nhà ở ngoài huyện Đăk Tô, cách điểm trường hơn 50km đường đèo nên cô Quí ở lại, đến cuối tuần mới về. Những ngày đầu, đường sá, điều kiện khó khăn nên nhiều người khuyên cô từ bỏ, tìm công việc nhẹ nhàng hơn để gắn bó. Thế nhưng, bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn, cô Qúi quyết tâm gắn bó, dạy chữ cho học trò vùng khó.
“Là sinh viên mới ra trường nên khi được phân công dạy ở vùng khó thì tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi chứng kiến học sinh thiếu thốn trăm bề tôi lại thấy bản thân mình may mắn và hạnh phúc hơn. Bản thân tôi nghĩ rằng, các em dậy sớm, vượt khó đi học được thì tại sao mình lại không”, cô Qúi bộc bạch.
Con đường ghập ghềnh mà cô Qúi thường xuyên vận động học sinh ra lớp. |
Gắn bó với điểm trường Đăk Ka 2 năm, cô Qúi chuyển công tác ra Trường Tiểu học xã Đăk Hà. Mặc dù trường mới ở trung tâm huyện Tu Mơ Rông nhưng điều kiện sống, học tập của học sinh cũng chẳng khá hơn là bao. Đa phần học sinh đều là người DTTS, bố mẹ ít quan tâm, chủ yếu giao phó con em mình cho nhà trường, giáo viên.
Có những hôm thấy học trò mang chiếc bụng đói tới lớp, cô Qúi trích đồng lương ít ỏi của mình mua đồ ăn, nước uống cho các em. Những ngày mưa hoặc sau kì nghỉ, cô Qúi cùng giáo viên trong trường lại vào tận làng vận động, chở học trò ra lớp.
“Một số em nhà cách trường khá xa nên có khi cả tuần chỉ đi học được vài buổi. Mong học trò biết chữ để sau này thoát nghèo, tôi và giáo viên trong trường thường xuyên vào làng vận động phụ huynh, học sinh để các em chăm ra lớp. Có lẽ thấu hiểu được tâm huyết, sự vất vả của giáo viên nên phụ huynh dần thay đổi và động viên con em mình đến trường. Nhờ vậy, sĩ số được duy trì và chất lượng dạy học được nâng lên”, cô Qúi bộc bạch.
Đồng hành dạy chữ
Cô Qúi mong học trò được ở bán trú để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục. |
Trên hành trình dạy chữ cho học trò, để các em mạnh dạn, cởi mở hơn cô Qúi thường xuyên trò chuyện, động viên nhằm thấu hiểu hoàn cảnh gia đình và tâm tư, tình cảm học sinh. Bên cạnh đó, cô cũng hay tổ chức các hoạt động ngoại khoá, trò chơi để các em vừa học, vừa chơi. Nhờ vậy giúp các em phát huy được kỹ năng của bản thân và ghi nhớ kiến thức nhanh chóng.
Sau những đợt nghĩ lễ, Tết lo sợ học sinh quên mặt chữ, cô Qúi cắt, dán bảng chữ cái với đủ màu sắc trang trí trong lớp học. Nhờ vậy giúp các em hứng thú hơn khi đến trường và có thể học chữ trong lúc tham gia trò chơi.
“Để học sinh học tập tốt và phát triển toàn diện không chỉ cần sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên. Chính vì vậy, tôi luôn tạo sự liên kết giữa phụ huynh và giáo viên nhằm giúp học sinh phát triển khả năng, năng lực của bản thân”, cô Qúi tâm sự.
Cô Qúi chia sẻ, năm học 2022-2023 cô đảm nhận giảng dạy 26 học sinh lớp 2 ở điểm trường Ty Tu. Mặc dù vừa vào đầu năm học mới, nhưng cô đã tìm hiểu và biết được nhiều hoàn cảnh học sinh vô cùng khó khăn, nhà cách trường khá xa. Có những em nhà ở tít trên đồi cao, nên việc đến trường đều đặn là rất khó.
“Để níu chân các em ở trường có lẽ chỉ còn cách nuôi bán trú học sinh từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên, nhà trường còn nhiều khó khăn nên chẳng đủ kinh phí lo cho tất cả học sinh. Do đó, tôi mong các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ giúp các em có điều kiện đến trường”, cô Qúi bộc bạch.
Trong hành trình dạy chữ, cô Qúi đã nên duyên vợ chồng với thầy Lê Tấn Ty – giáo viên cùng trường. Hai con người cùng dạy chữ ở vùng khó luôn muốn gắn bó với học sinh DTTS để hỗ trợ, giúp đỡ các em được nhiều hơn.
Cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà nhận xét, cô Nguyễn Dương Qúi và thầy Lê Tấn Ty là những giáo viên trẻ nhưng luôn tâm huyết với nghề giáo. Trong những năm qua, cô Quí là một giáo viên năng nổ, luôn sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, 2 thầy cô cũng gần gũi, quan tâm và yêu thương học sinh như con của mình. Những lớp cô Qúi và thầy Ty giảng dạy luôn có tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập cao.