GS Andrew Oros nói chuyện với phóng viên ngày 15/3 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh.
Đó là ý kiến của GS Andrew Oros, chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Đông Á, trong buổi nói chuyện ngày 15/3 tại Hà Nội về những thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản.
GS Andrew nói rằng, ông dùng từ “phục hưng” để nói về chính sách an ninh của Nhật Bản trong 10 năm qua là dựa trên khái niệm về giai đoạn phục hưng ở châu Âu hồi thế kỷ 14, với sự chấp nhận những điều trước đó bị coi là cấm kỵ. Những điều có thể coi là cấm kỵ ở Nhật Bản trong suốt 60 năm sau Thế chiến 2 bao gồm quan hệ đồng minh với Mỹ, phát triển quân sự, xuất khẩu vũ khí… Tuy nhiên, những điều đó đã thay đổi nhiều trong thập kỷ qua. Vì thế, GS Andrew gọi đây là giai đoạn phục hưng trong chính sách an ninh của Nhật. Ông cho rằng, Nhật Bản không có sự đột phá so với quá khứ mà chỉ xem xét lại những điều đã có trong quá khứ và thích ứng với hiện tại.
Trong bối cảnh khu vực đã thay đổi rất nhiều, Nhật Bản gần đây có nhiều thay đổi để thích ứng, như sửa một số văn bản liên quan chính sách an ninh, thay đổi quy định về xuất khẩu vũ khí, chuyển từ việc tập trung nguồn lực vào phía bắc gần Nga xuống khu vực phía nam gần Trung Quốc, tăng đáng kể ngân sách quốc phòng; giải thích lại Điều 9 của Hiến pháp để tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản…
Tuy nhiên, trong khi giới tinh hoa Nhật Bản muốn thay đổi chính sách an ninh để quốc gia này đóng vai trò chủ động hơn trong việc đối phó nhiều thách thức ở khu vực, không ít người dân Nhật có quan điểm khác. GS Andrew dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận do báo chí Nhật thực hiện gần đây cho thấy, chỉ có 5% dân số Nhật cho rằng, nước này nên hoàn toàn dựa vào năng lực quốc phòng-an ninh của mình. Ông Andrew cho rằng, 60 năm chính sách an ninh của Nhật không phát triển và gần như trong thời kỳ tăm tối, vì Nhật chỉ có quan hệ với Mỹ. Nhiều chính trị gia Nhật muốn thay đổi điều này. Nhưng phần lớn người dân Nhật có quan điểm khác, cho rằng, 60 năm qua là thời kỳ phát triển huy hoàng, rực rỡ của Nhật, không có bất kỳ người lính Nhật nào tử trận, chỉ có những trường hợp tai nạn trong tập luyện hoặc tự tử. Đối với họ, đây là những điều tốt, chứ không phải thời kỳ tăm tối và nền kinh tế Nhật trong giai đoạn đó cũng hưng thịnh nên không cần phải thay đổi.
Đó là khó khăn cản trở việc Thủ tướng Shinzo Abe muốn thay đổi Điều 9 trong Hiến pháp để tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Để có thay đổi này, ông Abe cần được lưỡng viện thông qua và phải tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân với quá bán ủng hộ. GS Andrew cho rằng, Thủ tướng Abe khó có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân với kết quả như mong muốn.
Một khó khăn khác đối với Nhật khi thay đổi chính sách an ninh là tốc độ phát triển kinh tế chậm lại. Kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 1994-2011 tăng chóng mặt với tốc độ 1.216%, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, trong khi kinh tế Nhật chỉ tăng 20%. Tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng ở mức tương tự. Năm 1994, Nhật là nước có mức chi ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc đứng thứ hai, còn ngân sách quốc phòng của Nhật trong giai đoạn này không tăng.
Dẫu vậy, Nhật Bản vẫn đang xây dựng lực lượng và chính sách quốc phòng phù hợp tình hình mới, bao gồm vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông; đóng góp duy trì tự do hàng hải ở biển Đông trong bối cảnh có tranh chấp; đối phó Triều Tiên đang có nhiều bước đi khó lường…, ông Andrew nói.
Để đối phó những nguy cơ từ một Trung Quốc đang lên, 50% người dân Nhật cho rằng, Tokyo nên tăng cường hợp tác với các nước khác ở Đông Á để cùng đối phó thách thức từ Bắc Kinh. GS Andrew nói rằng, Nhật Bản đang theo đuổi chính sách an ninh với tầm nhìn rộng lớn hơn về một khu vực đa cực, thay vì chỉ tập trung vào quan hệ với Mỹ. Trên thực tế, Nhật Bản đang có nhiều chương trình hợp tác với các nước khu vực như Úc, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam. Nhưng GS Andrew nói rằng, ông không mong chờ sẽ có chuyển đổi hoàn toàn về chiến lược an ninh của Nhật.
Mỹ vẫn gắn với khu vực
Đối với Mỹ, điều nhiều người đang băn khoăn là liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á như thời của Tổng thống Barack Obama. GS Andrew cho rằng, những lợi ích tương lai của Mỹ vẫn gắn với châu Á - Thái Bình Dương khi khu vực này tiếp tục là động lực tăng trưởng của thế giới, và những mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ cũng nằm ở khu vực này. Vì thế, ông Andrew cho rằng, dù chính quyền Mỹ thay đổi nhưng lợi ích quốc gia của Mỹ không thay đổi.
Ông cho rằng, cần một thời gian nữa chính sách của Mỹ mới định hình rõ, vì hiện nay nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ như thứ trưởng ngoại giao, thứ trưởng quốc phòng vẫn chưa được bổ nhiệm. Nhưng đã có nhiều dấu hiệu thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực như chuyến thăm 3 nước châu Á trong tuần ngày của Ngoại trưởng Rex Tillerson hay chuyến thăm vào tháng 4 của Phó Tổng thống Mike Pence. “Tuần trước, tôi ở Philippines và tôi được thấy nhiều tín hiệu về sự đi lên trong quan hệ Mỹ - Philippines. Tôi hy vọng quan hệ Việt - Mỹ cũng sẽ tiếp tục đà phát triển như vậy”, GS Andew nói.
Động thái mới của Trung Quốc trên biển Đông
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục lắp đặt vũ khí, khí tài trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở biển Đông, đồng thời xây mới ở quần đảo Hoàng Sa. Ảnh vệ tinh chụp ngày 6/3 (do công ty vệ tinh tư nhân Mỹ Planet Labs cung cấp) cho thấy Trung Quốc đang phát quang, cải tạo đá Bắc ở Hoàng Sa. Theo các chuyên gia và tùy viên quân sự khu vực, Trung Quốc chuẩn bị xây bến cảng tại đá Bắc nhằm cuối cùng biến rạn san hô vòng này thành căn cứ quân sự. Căn cứ này sẽ đóng vai trò bảo vệ Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa.
“Trung Quốc đang lấy ý kiến rộng rãi về việc sửa Luật An toàn giao thông hàng hải (1984) để có thể hạn chế tàu nước ngoài đi vào vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền, thách thức quyền đi qua không gây hại được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, GS Thayer cho biết. Theo ông, dù luật sửa đổi có khả năng đến năm 2020 mới có hiệu lực, nhưng đó sẽ là thách thức lớn đối với các hoạt động hải quân của Mỹ.