Ngày 7/10, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN, quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản là chặng đường dài, nhiều khâu phức tạp. Lý do, Nhật Bản là thị trường khó tính, các quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe.
“Tiến trình kéo dài hơn 3 năm và thực sự là một quá trình khó khăn. Ngoài lý do khác biệt về pháp luật bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa hai quốc gia, hồ sơ thanh long Bình Thuận vướng phải nhiều khó khăn về các thông số kĩ thuật của hồ sơ đơn và khó khăn về năng lực tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”, ông Đinh Hữu Phí cho hay.
Ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận - cho biết, cái khó nhất, hơn cả vải thiều Lục Ngạn là yêu cầu chứng minh lịch sử sản xuất sản phẩm. Phải chứng minh đặc tính của sản phẩm được tạo ra từ phương pháp sản xuất đã được duy trì trong ít nhất 25 năm.
Điều này là rất khó vì không tìm được tài liệu chứng minh cần thiết. Khó khăn tiếp theo là sửa đổi, đề xuất điều chỉnh các số liệu về đặc tính sản phẩm nhằm mục tiêu mở rộng phạm vi quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, phía Nhật Bản còn đề nghị cung cấp các số liệu cập nhật mới nhất đối với đặc tính của thanh long Bình Thuận.
Những khó khăn này chỉ có thể được giải quyết khi nhiều cơ quan cùng chung tay. Kết quả, thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Theo ông Đinh Hữu Phí, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản.
Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Theo ông Đinh Hữu Phí, cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, việc cấp chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản nói riêng và các nước nói chung.
Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân nơi đây ưa chuộng vì họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được MAFF đứng ra bảo đảm chất lượng, do vậy, họ sẽ tin tưởng và sẵn sàng mua sản phẩm đó hơn.
Tuy vậy, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường Nhật Bản. Hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận.
Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như: Nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo…
Tuy nhiên, do sản phẩm thanh long tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái cây tươi không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ thanh long hiện nay gặp nhiều khó khăn, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, 85% còn lại tập trung cho xuất khẩu.
Trong số này, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 - 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu.