Khốn đốn vì không có lương
Phát biểu về tình trạng nhiều BS đang làm việc không lương, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, ông Masahiko Shibayama nhận định: “Những phát hiện này là điều vô cùng đáng tiếc và việc trả lương cho các BS là cần thiết”.
Trên thực tế, hầu hết bệnh viện ĐH Y Nhật Bản không trả lương cho các BS là SV vừa tốt nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn này đã buộc các BS phải làm việc bán thời gian tại nhiều nơi khác nhau để có thể trang trải cuộc sống, khiến nhiều người rơi vào tình trạng kiệt sức và thậm chí ngủ gật trong khi điều trị cho bệnh nhân.
Nhiều chuyên gia Nhật Bản khẳng định, con số 2.000 BS mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, khi có hơn 1.300 BS chưa được xác định tình trạng làm việc do phương pháp khảo sát khác nhau ở mỗi bệnh viện. Nhiều người hy vọng rằng, những BS này sẽ được trả lương và ký hết hợp đồng lao động, nếu Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ yêu cầu các bệnh viện thực hiện điều này.
Trước đây, Bộ này đã thực hiện khảo sát về liệu các SV tốt nghiệp ĐH Y đã được ký hợp đồng với bệnh viện hay chưa, nhưng cuộc khảo sát không chú trọng tới các BS không được trả lương. Cuộc khảo sát gần đây được thực hiện từ tháng 1 - 5 trên 31.801 BS và nha sĩ làm việc tại 108 bệnh viện ĐH Y vào tháng 9 năm ngoái, cho thấy có 2.191 bác sĩ (7%) không được trả lương, chưa kể giảng viên giảng dạy tại bệnh viện ĐH.
Trong đó, có tới 751 BS làm việc tại 27 bệnh viện ĐH Y bị từ chối trả lương mà không có lý do chính đáng. Thậm chí, nhiều BS phải làm việc 4 ngày/tuần mặc dù theo hợp đồng, thời gian lao động của họ chỉ là 2 buổi/tuần. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy, có 1.630 BS không được ký hợp đồng lao động mà không rõ nguyên nhân và 1.705 người không có bảo hiểm bồi thường tai nạn nghề nghiệp.
Trước tình trạng này, ông Naoto Ueyama - người đứng đầu một hiệp hội BS tại Nhật Bản, cho rằng: Những số liệu mới nhất này không phản ánh được con số thực tế. Cũng theo ông Ueyama, các BS xứng đáng được trả tiền lương làm ngoài giờ. “Ngay cả khi các BS làm việc ở bệnh viện ĐH để học việc hoặc nghiên cứu, rõ ràng là họ vẫn cần được trả tiền vì đang điều trị cho bệnh nhân, trong khi bệnh viện đang được khen thưởng nhờ các dịch vụ mà BS không lương mang lại”, ông Ueyama khẳng định. “Nếu không có hợp đồng lao động, giờ làm việc của BS không được kiểm soát. Bệnh nhân cũng có thể phải chịu thiệt thòi khi không biết ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra trong quá trình tác nghiệp”, ông Ueyama nói thêm.
Nguy hiểm đến bệnh nhân
Chia sẻ với truyền thông, nam BS giấu tên (30 tuổi) đến từ Tokyo bức xúc cho biết: “Các bệnh viện ĐH Y đã lợi dụng và bóc lột sức lao động của chúng tôi”. Ngoài ra, anh tiết lộ phải làm việc toàn thời gian 6 ngày/tuần với tư cách là một SV vừa tốt nghiệp, mặc dù theo hợp đồng, nam BS này chỉ phải làm việc nhiều nhất là 10 giờ/tháng.
Để có tiền trả học phí và các chi phí khác, BS này cho biết phải làm một công việc bán thời gian ca đêm với tần suất 15 ngày/tháng, khiến anh thường xuyên ngủ gật trong quá trình phẫu thuật và khám bệnh. “Không phải chúng tôi đang yêu cầu được trả lương vì là những BS nghèo, mà mạng sống của bệnh nhân đang gặp nguy hiểm, nếu thiếu ngủ cản trở công việc của chúng tôi và nếu chúng tôi quá suy sụp trong khi tiến hành phẫu thuật”, nam BS chia sẻ.
Trước nhiều chỉ trích, đại diện các bệnh viện ĐH Y Nhật Bản khẳng định, nhiều BS này không được trả lương vì họ đang tập điều trị cho bệnh nhân, nhằm cải thiện kỹ năng hoặc phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, lời giải thích này không nhận được sự ủng hộ từ số đông. Bởi lẽ, rõ ràng là các BS này làm những công việc như BS chuyên nghiệp tại bệnh viện ĐH. Nhiều người cho rằng, hành động này của các bệnh viện ĐH Y Nhật Bản có thể vi phạm Luật Tiêu chuẩn Lao động, trong đó, nhân viên và công nhân cần phải được trả lương.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, nếu các BS này bị kiệt sức mà vẫn phải điều trị cho bệnh nhân, khả năng cao là họ mắc sai lầm và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng không được ký hợp đồng lao động sẽ dẫn tới giờ làm việc và ngày nghỉ không được kiểm soát hợp lý; Không được ký bảo hiểm bồi thường sẽ kéo theo hệ lụy là, nếu những BS này gặp sự cố xảy ra tại bệnh viện sẽ không được công nhận là tai nạn lao động. Vì vậy, không ít người đã lên tiếng kêu gọi các bệnh viện ĐH Y Nhật Bản nhanh chóng khắc phục tình trạng này.
Nhiều BS Nhật Bản phải làm việc mà không được trả lương được cho là sự ảnh hưởng của hệ thống chương trình đào tạo “ikyoku”. Theo đó, chương trình “ikyoku” hình kim tự tháp mô phỏng hình ảnh một giáo sư (GS) ở trên, SV vừa tốt nghiệp và người dân ở giữa. Do đó, các GS trên đỉnh “ikyoku” có ảnh hưởng rất lớn tới việc, liệu SV có được bằng tiến sĩ và được làm việc tại các bệnh viện hay không. Bởi vậy, trong một số trường hợp, SV mới tốt nghiệp có lẽ không thể yêu cầu được cải thiện điều kiện, ngay cả khi phải nhận sự đối xử không công bằng.
Không ít người cho rằng, nhiều BS tâm sự không được trả lương tại bệnh viện ĐH. Điều này có nghĩa là, bệnh viện đã vận hành bằng cách bóc lột sức lao động của các BS không được trả lương, khi những cơ sở y tế này luôn có khối lượng công việc khổng lồ. Chính thực trạng đáng báo động này đã khiến nhiều chuyên gia Nhật Bản đặt ra câu hỏi, làm thế nào để mô hình kim tự tháp “ikyoku” không bị bóp méo? Làm sao để chấm dứt vấn nạn lấp đầy sự thiếu hụt BS chuyên nghiệp tại bệnh viện ĐH bằng cách sử dụng BS không được trả lương? Chắc chắn, chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đưa ra biện pháp phù hợp giải quyết vấn đề này.