Malaysia: Ô nhiễm hóa chất khiến trường học đóng cửa

GD&TĐ - Mới đây, hàng trăm trường học thuộc thị trấn Pasir Gudang, bang Johor (Malaysia) đã buộc phải đóng cửa, sau khi nhiều HS bị khó thở và nôn mửa do ô nhiễm hóa chất. Trước tình trạng này, chính quyền bang Johor đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

Toàn bộ trường học tại thị trấn Pasir Gudang phải đóng cửa do ô nhiễm
Toàn bộ trường học tại thị trấn Pasir Gudang phải đóng cửa do ô nhiễm

Ô nhiễm nối tiếp…

Hôm 20/6, nhiều HS tại thị trấn Pasir Gudang (Johor) đột nhiên có những triệu chứng khó thở và buồn nôn. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, chính quyền bang Johor kết luận, nguyên nhân vụ việc là do ô nhiễm chất thải hóa học. Phát biểu hôm 24/6, Bộ trưởng Nhà ở và Chính quyền địa phương, bà Zuraida Kamaruddin khẳng định, những chất độc hóa học này bắt nguồn từ dòng sông Sungai Kim Kim.

Vào tháng 3, hàng nghìn người đã đổ bệnh sau khi chất thải hóa học được đổ một cách bất hợp pháp xuống sông

Sungai Kim Kim ở thị trấn Pasir Gudang (Johor). Chất độc đã khiến nhiều người phải nhập viện, trong đó có cả các HS ở những trường học lân cận. Kết quả là, hơn 100 trường học phải đóng cửa tại thời điểm đó; đồng thời, chính quyền địa phương đã bắt giữ 9 nghi phạm ngay sau đó.

Phát biểu với truyền thông, nữ Bộ trưởng Kamaruddin khẳng định, theo điều tra, nhà thầu được giao nhiệm vụ làm sạch chất thải hóa học bị đổ bất hợp pháp xuống sông hồi đầu năm nay đã không hoàn thành công việc. “Do các nguyên vật liệu độc hại đã tiếp xúc với gió và nước mưa, các chất trong không khí không được kiểm soát có thể đã lan rộng và ảnh hưởng đến người dân một lần nữa”, bà Kamaruddin cho biết.

Cũng theo bà Zuraida Kamaruddin, Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương đã thông báo vấn đề này tới Bộ Môi trường Malaysia, nhằm có những biện pháp loại bỏ ngay các vật liệu độc hại. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu, bà Isnaraissah Munirah Majilis nhận định, sự cố mới nhất khác với vụ việc ở sông Sungai Kim Kim hồi tháng 3. “Tất cả rác thải thu từ

Sungai Kim Kim đã được xử lý bởi lò đốt rác thải sinh hoạt vào ngày 8/4”, nữ thứ trưởng phát biểu ngoài lề cuộc họp tại Sân vận động Pasir Gudang hôm đầu tuần.

Theo bà Isnaraissah, chất gây ô nhiễm được cho là đã phát tán trong quá trình bốc hơi do thời tiết nắng nóng và điều kiện địa hình ở Pasir Gudang, kết hợp với gió mùa Tây Nam thổi từ phía Nam. Tuy nhiên, thứ trưởng cho biết, chất gây ô nhiễm này vẫn chưa được xác định. Do đó, bán kính giám sát (từ vị trí đầu tiên xảy ra vụ việc ở Sekolah Agama Taman Mawar) đã được mở rộng tới 15km.

…đến đóng cửa trường học

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến chính quyền bang Johor ra quyết định đóng cửa tất cả các trường học tại khu vực, trong vòng ba ngày kể từ ngày 25/6, sau khi ghi nhận nhiều HS có các triệu chứng như khó thở và nôn mửa.

Ông Azman Adnan, Giám đốc Sở Giáo dục Johor cho biết, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện những biện pháp giải quyết nguồn ô nhiễm trong khu vực trong thời gian các trường học tạm ngưng hoạt động. “Có 111 trường tiểu học và trung học, 3 tổ chức GDĐH, 14 trường tư thục và quốc tế, cũng như 347 trường mẫu giáo tư thục đã đăng ký đóng cửa với sở”, vị giám đốc nói thêm.

Cũng theo ông Adnan, tất cả hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm là những người có trách nhiệm thông báo việc đóng cửa trường học tới HS, giáo viên và phụ huynh, cũng như nhân viên nhà trường. “Sở sẽ theo dõi và giúp đỡ các trường học nhằm bảo đảm sức khỏe của HS”, ông Adnan nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Sức khỏe, Môi trường và Nông nghiệp Johor, Tiến sĩ Sahruddin Jamalcho biết, cơ quan có thẩm quyền đang trong giai đoạn cuối của việc xác định các hóa chất liên quan; đồng thời, tuyên bố đã thu hẹp từ 265 nhà máy xuống còn 30 nhà máy hóa chất ở Pasir Gudang trong danh sách tình nghi, phục vụ cho công tác điều tra, làm rõ xem liệu có nhà máy nào liên quan đến sự cố ô nhiễm mới nhất hay không. “Bộ Môi trường sẽ điều tra và nếu phát hiện hóa chất tại nhà máy tương đồng với tác nhân khiến HS nôn mửa và khó thở, chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động ngay lập tức”, TS Sahruddin Jamalkhẳng định.

Cũng theo TS Sahruddin, kết quả xét nghiệm mẫu máu lấy của 15 nạn nhân cho thấy, các em HS này đều âm tính với 3 hợp chất hóa học: Acrylonitrile, acrolein và cyanide. Hôm đầu tuần, có 75 nạn nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Sultan Ismail, trong đó 4 người đã được điều trị và hoàn toàn hồi phục.

Tổng Giám đốc Sở Cứu hỏa và Cứu hộ (JBPM) Mohammad Hamdan Wahid cho biết, chất lượng không khí trong khu vực vẫn ở mức độ gây nguy hại dù cách sông Sungai Kim Kim khá xa. Vị tổng giám đốc khẳng định, JBPM sẽ tiếp tục hợp tác với Sở Môi trường, chính quyền địa phương và chính quyền bang, nhằm khống chế tình hình và sẽ thông báo tới công chúng về những diễn biến mới nhất.

Tháng trước, chính quyền bang Johor đã kêu gọi các trang trại và nhà máy lọc dầu nằm dọc sông thuộc khu vực này duy trì hệ thống thoát nước và ngăn ngừa ô nhiễm nước. Ủy viên Điều hành nhà nước về Thương mại, Đầu tư và Tiện ích quốc tế, ông Jimmy Puah cảnh báo rằng, những tổ chức và cá nhân không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc.

Theo Mục 25 (3) trong Luật Chất lượng Môi trường 1974 của Malaysia, người gây ô nhiễm sẽ phải ra hầu tòa và bị phạt tới gần 24 nghìn USD hoặc phải đối mặt với án tù lên đến 5 năm, hoặc cũng có thể cả hai.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.