Giải mã hệ thống giáo dục đặc biệt ở Nhật Bản

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục đặc biệt ở Nhật Bản được thành lập năm 1948, sau khi ban hành Luật Giáo dục phổ thông. Từ thời điểm này, số lượng học sinh các trường đặc biệt tăng lên không ngừng. 

Một ngôi trường phổ thông ở Nhật Bản
Một ngôi trường phổ thông ở Nhật Bản

Nhưng phải 20 năm sau, nhà nước mới nhận thức được quy mô thực sự của vấn đề. Sau một thời gian ngắn, Nhật Bản đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đặc biệt quốc gia, bảo đảm cho trẻ em khuyết tật nhận được sự giúp đỡ to lớn của nhà nước và sự bảo trợ xã hội.

Hệ thống giáo dục đặc biệt

Các cơ sở giáo dục đặc biệt của Nhật Bản gồm ba loại:

- Các cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thị;

- Các cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thính;

- Các cơ sở giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật về trí tuệ và vận động, trẻ em mắc các bệnh kinh niên.

Các trường dành cho trẻ em khiếm thị và khiếm thính nằm trong hệ thống giáo dục bắt buộc từ năm 1948, còn từ năm 1979, tất cả các trường đặc biệt ở Nhật đầu trở nên bắt buộc. Những trẻ em không thể đến trường, được học ở nhà.

Các hình thức dạy học

Theo luật, trẻ em có thể vào học trường đặc biệt hay lớp đặc biệt tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Trẻ em cũng có thể vào học trường đại trà và nhận được sự trợ giúp về chuyên môn thông qua các phòng nhân lực với điều kiện đứa trẻ chỉ bị một khuyết tật không trầm trọng. Đối với những trẻ em ở tuổi mầm non bị khuyết tật (từ 3 - 6 tuổi) sự trợ giúp về tâm lý giáo dục chỉ có thể được thực hiện ở nhà trẻ đặc biệt.

“Phòng nhân lực”

Là một hình thức giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật mức độ trung bình đang học tại các trường phổ thông đại trà.

Năm 1971, Bộ Giáo dục Nhật Bản thành lập Viện giáo dục đặc biệt quốc gia (NISE)  để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể của hệ thống giáo dục đặc biệt. Cho đến nay tất cả trẻ em, không phân biệt mức độ khuyết tật, đều được đến trường.

Các trường phổ thông bình thường có hệ thống trợ giúp dành cho những trẻ em bị khuyết tật về trí tuệ, trẻ em tự kỉ và những khuyết tật khác. Khi cần thiết, bất cứ trẻ em nào cũng có thể tham gia các lớp học nhỏ hay học một mình với giáo viên của phòng nhân lực một vài giờ trong tuần.

Đây chính là hình thức trợ giúp dành cho học sinh khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật về phát triển cảm xúc, khiếm thị, khiếm thính, học sinh khuyết tật vận động và mắc bệnh kinh niên. Theo thống kê, học sinh khuyết tật ngôn ngữ và cảm xúc thường nhận được sự trợ giúp nhiều hơn các loại khuyết tật khác tại phòng nhân lực. Ít cần sự trợ giúp hơn nhiều là học sinh khiếm thị, ít hơn nữa là học sinh mắc các bệnh kinh niên hay khuyết tật về hệ thống xương khớp.

Học sinh khuyết tật ở mức trung bình được học tại các lớp đặc biệt của trường phổ thông. Tại đây các em nhận được sự trợ giúp cần thiết theo nhu cầu cá nhân.

Trẻ em bị khuyết tật nặng về trí tuệ hoặc nhiều khuyết tật vẫn phải đi học. Tỷ lệ trẻ em Nhật Bản được hoãn hay không phải học do bệnh tật quá nặng rất ít: 0,001% số trẻ em tuổi đi học.

Chi phí rất lớn nhà nước không đóng cửa các trường và lớp đặc biệt

Nhà nước sẽ không đóng cửa các lớp và trường đặc biệt, ngược lại, sẽ mở rộng điều kiện của giáo dục đặc biệt. Ví dụ, Nếu như ban đầu giáo dục đặc biệt kết thúc vào năm 14 - 15 tuổi đối với phần lớn học sinh thì hiện nay có 96% học sinh khiếm thị tốt nghiệp phổ thông cơ sở tiếp tục vào học các trường trung học phổ thông đặc biệt. Ở bậc học này, không còn các phòng nhân lực nữa.

Nhiều học sinh khiếm thị và khiếm thính tiếp tục vào học đại học. 1/5 số học sinh khiếm thị tốt nghiệp các trường đại học, trong đó có học sinh khuyết tật về trí tuệ, tìm được việc làm.

1 giáo viên /1,5 học sinh

Tại các trường đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/học sinh khoảng 1:1,5. Nếu tính cả đội ngũ giáo viên và cán bộ hỗ trợ thì tỷ lệ đó gần 1:1. Sĩ số trung bình của lớp học dành cho học sinh khuyết tật cả ở trường đặc biệt lẫn trường phổ thông không vượt quá 3 học sinh. Sĩ số học sinh một lớp bình thường ở trường đại trà khoảng 40 em.

Đào tạo giáo viên

Giáo viên làm việc trong hệ thống giáo dục đặc biệt được cấp chứng chỉ chuẩn và một trong ba loại chứng chỉ dành cho các cơ sở giáo dục đặc biệt: Cho trẻ khiếm thị, khiếm thính hoặc trẻ em khuyết tật trí tuệ và khuyết tật vận động, cũng như trẻ em bị bệnh kinh niên.

Chương trình đào tạo và tái đào tạo giáo viên

Ở cấp thứ nhất (khu vực), sau 10 năm công tác thực tế giáo viên được nâng cao trình độ chuyên môn tại các trung tâm giáo dục đặc biệt địa phương. Chương trình nâng cao phù hợp với trình độ của giáo viên, từ giáo viên mới vào nghề đến giáo viên có trình độ cao.

Cấp thứ hai được bảo đảm bởi các chương trình do chính phủ cung cấp. Đó hoặc là các khóa nâng cao trình độ giúp giáo viên giải quyết những nhiệm vụ mới do nhà nước đặt ra trước hệ thống giáo dục đặc biệt, hoặc các khóa chuyên đề của Viện Giáo dục đặc biệt quốc gia. Tại đây giáo viên được giới thiệu về các phương pháp và công nghệ giáo dục đặc biệt đã được kiểm tra bằng thực nghiệm.

Ngoài ra, các trường phổ thông còn tiến hành các seminar và hội nghị để thảo luận về những trường hợp phức tạp trong công tác dạy học.

Kiểm tra chặt chẽ hiệu quả công việc

Điều đó có nghĩa là bộ này nắm được thông tin chính xác về kết quả phát triển của học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt bằng cách tiến hành nhiều quan sát, phân tích và khảo sát. Bộ Giáo dục cũng thực hiện giám định chất lượng các dự án ở tất cả các địa phương.

“Nếu như ban đầu giáo dục đặc biệt ở Nhật Bản kết thúc vào năm 14 - 15 tuổi đối với phần lớn học sinh thì hiện nay có 96% học sinh khuyết tật tốt nghiệp phổ thông cơ sở tiếp tục vào học các trường trung học phổ thông đặc biệt. Nhiều học sinh khiếm thị và khiếm thính tiếp tục vào học đại học. 1/5  số học sinh khiếm thị tốt nghiệp các trường đại học, trong đó có học sinh khuyết tật về trí tuệ, tìm được việc làm”.

Các trường đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thị, khiếm thính, trẻ em khuyết tật về trí tuệ, trẻ em khuyết tật thể chất và trẻ em mắc bệnh kinh niên hoạt động theo chuẩn quốc gia. Nhà trường yêu cầu các thầy giáo và phụ huynh phối hợp xây dựng kế hoạch cá nhân của học sinh. Để xây dựng kế hoạch cần thu thập và xử lý thông tin về tiểu sử bệnh tật của đứa trẻ, đánh giá tâm lý và kiểm tra, cũng như thu thập thông tin về hoàn cảnh gia đình, lưu ý tới nguyện vọng của bố mẹ. Trên cơ sở các số liệu đã xử lý, người ta xây dựng kế hoạch học tập cá nhân của đứa trẻ. Kế hoạch cá nhân cho phép đánh giá đúng tình hình thực tế và cung cấp những phương pháp giáo dục phù hợp nhất.

Việc kiểm tra sự phù hợp của hoạt động dạy học với nhu cầu cá nhân học sinh được thực hiện bởi các cơ quan quản lý giáo dục khu vực: Thông qua các tổ chức giám định trực thuộc, các cơ quan này hỗ trợ tư vấn cho tất cả các trường giáo dục đặc biệt.

Theo báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ