Từ “Họa”…
Trương Quang Duy (14 tuổi, trú tại Thuận Hòa, Thành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) là con trai út trong một gia đình có 3 người con. Trên Duy còn có 1 người anh tên Trương Quang Dương (SN 2002) và người chị tên Trương Thị Kim Dung (SN 2004).
Trước đây, 3 anh em Duy cũng từng có một cuộc sống tuy còn khó khăn, vất vả nhưng ấm cúng và đầy tình thương. Bố mẹ Duy đều là những người gắn bó với công việc tay chân, thu nhập hàng ngày không nhiều nhưng cũng đủ để nuôi 3 người con ăn học.
Thế nhưng, biến cố xảy ra khiến cuộc sống của gia đình Duy rơi vào ngõ cụt. Năm Duy 7 tuổi, bố Duy là ông Trương Quang Thái đột nhiên mắc chứng tâm thần phân liệt, sức khỏe giảm sút.
Một năm sau đó, mẹ Duy qua đời do căn bệnh tràn dịch phổi. Thiếu người sóc, sức khỏe của bố Duy cũng vì thế mà chuyển biến xấu đi, ý thức cũng mất dần. Thiếu vắng tình thương của bố mẹ, 2 anh chị Duy đều phải nghỉ học từ rất sớm, lăn lộn mưu sinh.
Được sự giới thiệu từ người quen, 2 người anh chị của Duy đều ra Bắc Ninh làm thuê tại quán bánh xèo để kiếm tiền gửi về chạy chữa bệnh cho bố và lo cho người em trai ăn học. Duy lúc đó vẫn còn nhỏ tuổi nên ở nhà phụ trông nom người bố bệnh tật.
Thời gian bố mắc bệnh, anh chị đi làm ăn xa, Duy cũng buồn chán, học lực sa sút rồi quyết định nghỉ học. Cách đây khoảng 2 tháng, Duy được anh trai gọi ra Bắc Ninh để phụ việc tại quán bánh xèo của Nguyễn Thị Ánh Tuyết.
Bà Lê Thị Thu Lập (thím của Duy) nói rằng, khi biết tin này, người thân ai cũng mừng và yên tâm vì chủ quán là người cùng quê và ở kế xã bên. Hơn nữa, anh trai của Duy cũng có vài năm làm việc tại quán ăn của Tuyết mà không có vấn đề gì.
Các con ra Bắc mưu sinh, căn nhà nhỏ chỉ còn một mình ông Thái. Những lúc tỉnh, ông có thể tự nấu nướng, tự phục vụ bản thân nhưng khi lên cơn, ông thường đập phá đồ đạc và bỏ nhà đi vài hôm mới trở về.
Trương Quang Dương (anh trai Duy) bảo rằng, khi quyết định đón Duy từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh, anh cũng chỉ mong anh chị em có thể gần nhau, cố gắng làm ăn kiếm tiền. Cuộc sống của người bố đau ốm mấy anh em đành nhờ cậy những người thân ở quê.
Những tưởng có một công việc làm để kiếm tiền gửi về lo cho bố là một cái phúc nhưng nào ngờ trong cái phúc đó lại bắt đầu nảy mầm ra những cái họa.
Sống trong cảnh mỗi ngày làm việc gần 20 tiếng (từ 7h sáng đến 4h sáng ngày hôm sau), ăn cơm chan với nước mắm, nước tương và đồ thừa của khách, ngủ dưới nền đất và thường xuyên phải chịu đựng những trận đòn, những màn tra tấn dã man bằng tay, chân, bàn chải sắt đánh vảy cá, chày đâm tiêu và thậm chí cả dao của chủ quán. Nhưng theo Duy “vì nhà khó khăn nên con chỉ nghĩ đơn giản là có chỗ ăn, chỗ ngủ qua ngày để không phải trở thành gánh nặng của gia đình là vui rồi”.
Đến khi không thể chịu đựng được những trận hành hạ của chủ quán, Duy vùng dậy bỏ trốn khỏi cái “địa ngục trần gian” núp bóng dưới một quán bánh xèo để rồi khi kiệt sức, em được những người dân tốt bụng cứu giúp.
…đến “Phúc”?
Vụ việc Duy và một người nhân viên khác bị chủ quán hành hạ bị phanh phui, những kẻ “quỷ dữ đội lốt người” đang bị điều tra và sẽ sớm phải trả giá cho những hành động man rợ của mình. Duy cũng được đưa đến thăm khám, chữa trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Phong. Anh Trương Quang Dương chia sẻ với PV vào chiều ngày 26/11 rằng mặc dù Duy vẫn còn mệt nhưng thần sắc đã tươi tỉnh hơn rất nhiều. Dương bảo có lẽ được ăn uống, được nghỉ ngơi và nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người nên Duy mới nhanh bình phục như vậy.
Lo cho tình hình sức khỏe của Duy nên những người thân cũng từ Quảng Ngãi ra để phụ giúp việc chăm sóc cậu bé tội nghiệp. Người thân của Duy tâm sự rằng “nếu biết trước như này thì tôi đã không cho cháu đi”. Những ngày qua, ngoài việc chăm sóc cho sức khỏe của cháu, bà Lập còn phải bận bịu tiếp chuyện và cảm ơn những nhà hảo tâm đến động viên, ủng hộ người cháu trai.
Bà bảo sẽ chăm sóc cho đến khi nào Duy khỏe hẳn rồi sẽ đón cả 3 anh em Duy trở về Quảng Ngãi để có thể gần gũi và chăm sóc được cho các cháu. Phía chính quyền địa phương khi biết thông tin về trường hợp của Duy cũng đã đồng ý tạo công ăn việc làm cho các anh chị của Duy. Ngoài ra, theo anh Trương Quang Dương chia sẻ, cũng có nhà hảo tâm đã hứa sẽ nuôi Duy ăn học đến khi trưởng thành.
Sau sự việc này, bà Lập nói rằng sẽ động viên để Duy có thể quay trở lại trường học tập cho bằng chúng bạn. Hơn ai hết, bà không muốn những ký ức hãi hùng trong 2 tháng làm nhân viên tại quán bánh xèo đeo đuổi cả cuộc đời Duy. “Tôi nghĩ nếu cháu được đi học trở lại, cháu sẽ hòa đồng và nhanh quên đi được những chuyện đã xảy ra. Phúc là cháu đã được cứu giúp thoát ra khỏi nơi đó đồng thời cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người”, bà Lập chia sẻ.
Chuyến “hành hương” ra Bắc trong hơn 2 tháng qua của cậu bé 14 tuổi Trương Quang Duy sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với bản thân em và những người thân trong gia đình. Chuyến đi đầu đời của cậu bé theo quan điểm chủ quan của bản thân người viết có thể được gói gọn trong hai chữ “Họa” (Duy bị chủ tra tấn, hạnh hạ suốt một thời gian dài) và “Phúc” (Phúc là cháu đã được cứu giúp thoát ra khỏi nơi đó đồng thời cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người – chia sẻ của người thím em Duy).
Hy vọng, sau biến cố đầu đời, cậu bé Trương Quang Duy có thể trở lại mạnh mẽ và cùng những người anh, người chị của mình trở thành chỗ dựa vững chắc cho phần đời còn lại của người cha bệnh tật.