Nhân vật Thị Mầu từ sân khấu dân gian đến thơ ca

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhân vật Thị Mầu cùng đoạn trích Thị Mầu lên chùa trở thành mẫu mực của loại hình chèo sân đình nói riêng cũng như sân khấu dân gian nói chung.

Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa. Ảnh minh họa.
Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa. Ảnh minh họa.

Không chỉ có sức sống lâu bền trong môi trường sân khấu, Thị Mầu còn gợi cảm hứng cho bao sáng tác thi ca.

Thị Mầu là nhân vật trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, thuộc kiểu nhân vật nữ lệch của loại hình sân khấu dân gian quen thuộc của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đã từ bao đời nay, Thị Mầu đi vào đời sống tinh thần của người dân Việt cũng như trở thành một điển tích trong văn học Việt Nam.

Mỗi tác giả khi viết về Thị Mầu đều đứng trước những băn khoăn về nỗi oan Thị Mầu, về bản chất dám bộc lộ con người cá nhân, tình yêu lứa đôi một cách mãnh liệt, táo bạo, dám sống thật với lòng mình.

Giữa một xã hội đầy lễ nghi, khuôn phép áp đặt con người nhất là những người phụ nữ vào những tín điều xơ cứng nhằm thủ tiêu dấu ấn con người cá nhân, Thị Mầu xuất hiện và lập tức đạp đổ cả hàng rào lễ giáo đã tồn tại hàng ngàn năm.

Nhà thơ Anh Ngọc trong bài Thị Mầu đã có những câu thơ diễn tả khá chính xác con người, bản chất Thị Mầu. Người dám cả gan chọc ghẹo cửa chùa, sàm sỡ cà sa, thừa sinh lực nên luôn túng thiếu:

Người phá tung khuôn khổ những điệu chèo

Để cuộc sống ùa lên đầu cửa miệng

Người trung thực đến không cần giấu giếm

Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa

Người cả gan sàm sỡ cả cửa chùa

Chọn sắc áo cà sa mà chọc ghẹo

Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu

Nên hương trầm tiếng mõ khéo trêu ngươi

Đó cũng là một Thị Mầu đầy bản lĩnh, vượt qua mọi miệng lưỡi thế gian, dám sống thực với lòng mình cùng những khát vọng chính đáng của con người mà bao lớp son đạo đức ra sức kìm hãm, cấm kị. Những câu hát trẻ trung, tình tứ cùng mùi da thịt đã đi từ sân khấu đến cuộc đời thường. Chính vì lẽ đó mà Thị Mầu có sức sống lâu bền trong nhân dân. Thị Mầu đã nói lên tiếng nói nữ quyền kéo dài trong suốt mấy thế kỷ:

Người sống trong hơi thở của nhân dân

Mấy trăm năm ai để thương để giận

Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn

Nhịp trống gầm lên

những khát vọng không lời

Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người

Được sống đúng với lòng mình thực chất

Những xiềng xích phết màu sơn đạo đức

Mấy trăm năm không khóa nổi Thị Màu

Nhà thơ Ngân Vịnh trong bài Này em Thị Mầu đã dành nhiều thiện cảm cho nhân vật, ông nhấn mạnh đến sự lẳng lơ của nhân vật và coi đó như biểu hiện của khát vọng tình yêu mãnh liệt. Đó là con người dám sống thật với lòng mình, không quan tâm dư luận, trở về với bản thể tự nhiên, cái lẳng lơ vốn trời cho còn khiến bao kẻ thèm, bao người muốn theo Thị Mầu lên chùa:

Này em mắt cứ đong đưa

Cứ môi trầu thắm bỏ bùa cho sư

Mấy khi đời được tương tư

Vầng trăng lẻ, giữ khư khư làm gì

Táo thì đỏ rụng lối đi

Tuổi thì hơn hớn, lòng thì ngả nghiêng

Có là chi cái chính chuyên

Mà đem thân phận buộc duyên nợ vào

Bước em đi đến nơi nào

Cũng nghe đôi dải yếm đào xổ tung

Có gì đâu phải ngượng ngùng

Tình yêu ngọn lửa cháy bùng bấy nay

Thị Mầu em vắng một ngày

Đàn ông trên thế gian này ra sao...?

Nhà thơ Nguyễn Duy có bài Kính thưa Thị Mầu chỉ với 4 câu nhưng cũng khái quát đầy đủ con người Thị Mầu, người dám chịu, dám chơi, dám vỗ vào cái mặt đời giả dối:

Kính thưa thục nữ Thị Mầu

yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người

mấy ai dám chịu dám chơi

dám ai vỗ cái mặt đời như em

Nhà thơ Đàm Thị Lam Luyến cũng là phụ nữ nên hiểu và cảm thông với Thị Mầu từ đó mà đặt ra bao câu hỏi cho người phụ nữ nói chung:

Ai bảo mẹ sinh em đẹp

Ai xui cha muốn con giàu

Cưới con thách trăm đun thóc

Cưới con thách chục buồng cau

Em phải vu oan Thị Kính

Em phải lẳng lơ Thị Mầu

Bây giờ mỗi lần con hỏi

Biết chàng Nô ở nơi đâu?

Tác giả Thảo Nguyên trong bài Oan Thị Mầu cũng đặt lại vấn đề một cách riêng để từ đó bênh vực cho Thị Mầu, cô gái giữa xã hội nam quyền đầy những lễ nghi đạo đức khuôn ép con người, cũng như nhiều người từng nhắc Thị Kính oan một Thị Mầu oan hai:

Đừng nghĩ mình em lẳng lơ

Bao cô gái khác giả vờ đấy thôi

Gió trao cái yếm lụa sồi

Mắt em lúng liếng đất trời ngất ngây

Tình xuân nhựa sống căng đầy

Cõi thiền cửa đóng đêm ngày phong rêu

Trăng rằm soi tỏ niềm riêng

Oan này đâu chỉ mình em Thị Mầu

Có thể nói nhân vật Thị Mầu có đời sống lâu bền trong cả hai loại hình sân khấu dân gian và thơ ca, mặc dù không phải là cô gái theo chuẩn mực lễ giáo phong kiến. Điều gì khiến nhân vật có sức sống lâu bền như vậy? Đó luôn là câu hỏi đặt ra khi xem vở chèo Quan âm Thị Kính cũng như đọc những vần thơ về Thị Mầu.

Phải chăng nhân vật đã nói được nỗi niềm của biết bao cô gái xưa với những khát vọng chính đáng của mình, phản đối lại những giáo lý phong kiến cổ hủ. Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Quỳnh Anh từ cảm hứng qua bài giảng Thị Mầu lên chùa mà viết bài thơ Còn đây Thị Mầu:

Em đi qua những mùa tình

Chỉ còn khoảng lặng sân đình táo rơi

...

Xổ tung dải yếm một lần

Để cho bao kẻ bần thần tiếc hoa

Em lên chùa từ mười ba

Chẳng để tiểu quét lá đa xạc xào

Rối tung một vạt yếm đào

Lúng la lúng liếng thả vào xa xôi

Trống chèo điểm tháng ngày trôi

Lẳng lơ có bấy nhiêu thôi mùa tình.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng trong bài Mầu em có mấy lời đã nhập vai vào nhân vật để nói hộ nỗi niềm Thị Mầu, một cô gái mang tiếng dại trai nhưng cũng đầy bản lĩnh:

Thật ra em muốn lấy chồng

Nhưng mà ai sẽ bằng lòng cưới đây?

Đàn ông là lũ giời đày

Chỉ toàn háo sắc có ngày oan gia!

Đã sinh ra phận đàn bà

Dại trai mang tiếng như là em thôi

Cho nên mặc kệ người đời

Em mà đã thích có trời mà ngăn!

Có thể nói còn rất nhiều bài thơ viết về Thị Mầu nhưng trong khuôn khổ bài viết nhỏ chúng tôi chưa có điều kiện đề cập tới. Thơ ca viết về Thị Mầu không chỉ nói lên sức sống lâu bền của nhân vật mà qua đó cũng giúp giáo viên, học sinh đọc hiểu kịch bản đoạn trích Thị Mầu lên chùa trong chương trình. Chúng tôi cho đó là những cách tiếp cận hữu ích nhằm phát huy tính tích cực của học sinh qua một bài học cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.