Nhận thức về hoạt động thực tập của sinh viên cần được thay đổi

GD&TĐ - Trước thực tế hoạt động thực tập của sinh viên trong trường ĐH, CĐ còn kém hiệu quả, NGND.TS Hà Xuân Quang – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội – cho rằng, có nhiều vấn đề về nhận thức liên quan đến nội dung này cần được thay đổi.

Nhận thức về hoạt động thực tập của sinh viên cần được thay đổi

Nội dung thực tập cần hướng tới mục tiêu đào tạo

"Hiện nay nhiều trường sử dụng thời gian thực tập của sinh viên chưa hiệu quả. Sinh viên đi thực tập nhưng không thu nhận được kiến thức, kĩ năng thực tế như mong muốn mà chủ yếu chỉ thể hiện kết quả qua báo cáo. Trong khi đó, có nhiều cách sinh viên hoàn thành báo cáo mà không cần phải thực tập thực tế ở cơ quan, doanh nghiệp nào".
NGND Hà Xuân Quang

- Một thực tế là hiện nay sinh viên vẫn khá vất vả, khó khăn trong việc tìm kiếm nơi thực tập. Ông có cho rằng, sinh viên cần được thực tập tại những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp … đúng với chuyên ngành được đào tạo mới thực sự có hiệu quả?

Điều này liên quan đến mục đích, nội dung của từng đợt thực tập, mà mục đích, nội dung thực tập phải hướng tới đạt mục tiêu chung của chương trình đào tạo đề ra. Do đó, để xác định nội dung thực tập có phù hợp với ngành học hay không phải đối chiếu với mục đích của từng đợt thực tập và mục tiêu đào tạo đã được xây dựng.

Thường trong đào tạo, mục tiêu sẽ gồm nhiều loại kiến thức và kĩ năng khác nhau. Trong đó có kiến thức, kĩ năng của ngành, chuyên ngành, nhưng cũng có thể là kiến thức, kĩ năng chung, hoặc các kiến thức kĩ năng khác hỗ trợ cho ngành học. Vì vậy, khi thực tập cũng phải chú ý cả những kiến thức, kĩ năng bổ trợ khác.

Ví dụ một trường có đào tạo về kế toán, để có thể làm tốt công tác kế toán, trong chương trình đòi hỏi cả kiến thức về công nghệ sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất, dây chuyền sản xuất, quản lý chất lượng, về vật tư, thiết bị, lao động, tiền lương… tức phải hiểu bản chất kinh tế của các đối tượng kế toán, thì mới hạch toán đúng.

Đồng thời cùng với rèn luyện các kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp, sinh viên cũng cần nhiều kĩ năng mềm như làm việc tập thể, giao tiếp trong môi trường làm việc thực tế, khả năng chịu áp lực trong môi trường sản xuất hiện đại và kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp…

Tất cả những cái đó đều cần thiết cho mục tiêu đào tạo ra những kế toán viên tương lai, còn nếu chỉ biết các kiến thức, kỹ năng về kế toán sẽ là chưa đủ, sinh viên ra trường sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Một thực tế là hiện nay, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng đều có chung nhận xét là sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH,CĐ Việt Nam thiếu những kiến thức, kĩ năng bổ trợ khác, chứ không phải yếu kiến thức chuyên môn. Do vây việc đi thực tập, thực tế sẽ giúp bổ sung những điểm yếu đó, không phải chỉ kiến thức chuyên môn. Đây cũng là điều cần thay đổi trong nhận thức về hoạt động thực tập, thực tế của sinh viên.

Nhận thức về hoạt động thực tập của sinh viên cần được thay đổi ảnh 1NGND.TS Hà Xuân Quang 

Không quy định cứng nhắc thời gian thực tập

- Theo ông sinh viên nên được đi thực tập từ năm thứ bao nhiêu là hợp lý? Có nên quy định cứng về thời gian sinh viên được thực tập hay không?

Khi thiết kế chương trình đào tạo mục tiêu phải rõ ràng, từ mục tiêu sẽ quyết định xem nội dung dạy cái gì, và tổ chức giảng dạy học tập như thế nào. Nếu hướng tới đạt được mục tiêu tốt hơn, trong quá trình thực hiện đào tạo, nội dung dạy học, tổ chức dạy học có thể thay đổi cho phù hợp, không cần cứng nhắc theo thiết kế ban đầu.

Các nội dung học tập trong chương trình cùng với trang bị kiến thức lý luận, phải rèn kỹ năng thực hành và kiến thức thực tế. Do đó, có thể có nhiều đợt thực tập, trải nghiệm thực tế với nội dung thực tập khác nhau để kịp thời bổ sung kiến thức thực tế, rèn kỹ năng thực hành liên quan của từng nội dung học tập để đạt mục tiêu đào tạo và đạt chuẩn đầu ra.

Hiện Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đã và đang tiến hành cải tiến các chương trình đào tạo theo hướng giữ lại những nội dung đào tạo thiết thực, cập nhật nội dung mới, tăng cường thực hành, thực tế. Yêu cầu tăng tính thực tiễn và tăng cường thực hành không chỉ thể hiện ở các chương trình đào tạo mà ở cả trong các quy định, quy chế đào tạo.

Theo đó, những hoạt động trải nghiệm thực tế, thực tập của sinh viên được công nhận tương đương với nội dung học trong trường. Tiến tới nếu sinh viên đang học ở trường (theo học chế tín chỉ) có nguyện vọng đi làm rồi quay lại trường học thì những kiến thức, kĩ năng các em có được trong thời gian đi làm đó sẽ được ghi nhận để không phải học lại trong nhà trường. Mục tiêu cuối cùng là làm sao người học đáp ứng tốt nhất so với nhu cầu thực tế.

Chúng tôi cũng chú trọng sử dụng thời gian thực tập thật hiệu quả, làm sao trong quá trình thực tập, sinh viên thu nhận được nhiều kiến thức, kĩ năng hơn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Một cải tiến khác chúng tôi đang triển khai là tổ chức đào tạo một cách linh hoạt, không cứng nhắc như trước đây. Cụ thể, tổ chức đào tạo theo mođun và đào tạo theo tín chỉ. Trước đây, trong 2-3 năm học, những năm đầu sinh viên được học những môn cơ bản, cơ sở, đến năm cuối mới học chuyên môn, như vậy sinh viên muốn đi làm được chuyên môn phải học hết khoá học 2-3 năm.

Hiện nay, chương trình đang được cải tiến, tích hợp lại, để hết năm thứ nhất, thứ hai sinh viên đã có thể làm được một số công việc chuyên môn nhất định. Cách này khiến sinh viên học tập rất hứng thú vì những kiến thức được học các em có thể áp dụng ngay trong công việc thực tế.

Ta phải quan niệm: Thực tập là để bổ sung, trang bị cho học sinh kiến thức, kĩ năng thực tế mà nhà trường chưa trang bị được trong suốt qúa trình đào tạo. Tất cả những kiến thức, kĩ năng được trang bị phải hướng tới đạt được mục tiêu chung. Với quan niệm như vậy thì không phải năm cuối mới cần đi thực tập mà hoạt động thực tập, thực thế có thể diễn ra trong suốt quá trình học.

Quan hệ nhà trường – doanh nghiệp vô cùng quan trọng

- Có một thực tế là khi sinh viên đi thực tập hầu như không được tiếp cận với công việc một cách chính thức. Vậy làm sao các em có thể nâng cao được năng lực chuyên môn?

Sinh viên học kế toán chẳng hạn, rất ít công ty, cơ quan giao cho các em sổ sách kế toán để các em làm thực tế như một nhân viên. Vậy có cách nào để rèn kỹ năng kế toán cho sinh viên khi đi thực tập.

Một số người học hiểu chưa đúng, chưa đủ về mục tiêu học tập nên khi học kế toán mong muốn chỉ được dạy về kế toán mà không cần những nội dung khác. Khi đó, ra trường sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Tôi được biết ở Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, họ đã xây dựng một mô hình phòng thực hành kế toán ảo, giống như một phòng kế toán của công ty, doanh nghiệp với đầy đủ chứng từ, sổ sách, nhưng số liệu là giả định được thiết kế theo từng loại hình doanh nghiệp... để hướng dẫn sinh viên. Chúng tôi cũng đang cải tiến thực tập chuyên môn kế toán theo hướng như thế.

Cách thứ hai là hợp tác với các công ty dịch vụ kế toán. Những công ty này có thể nhận sinh viên thực tập và kèm cặp, giao cho các em những việc đơn giản, thực hiện công việc của từng phần hành kế toán đến kế toán tổng hợp.

Mối quan hệ nhà trường – doanh nghiệp có vai trò quan trọng, giúp sinh viên có được điều kiện thực tập tốt hơn, tiếp cận với thực tế ở doanh nghiệp ngay khi các em còn đang học. Đây là cơ hội rất tốt để gắn đào tạo với thực tế, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Ví dụ, mới đây (tháng 9/2016), chúng tôi tổ chức được cho trên 400 sinh viên khóa K2014 đi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Trong số này có trên 380 em thực tập tại công ty Samsung Việt Nam; số còn lại được bố trí ở một số doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh (đây là những trường hợp sức khỏe không phù hợp với công việc trải nghiệm tại công ty Samsung Việt Nam hoặc do nguyện vọng cá nhân).

Mỗi sinh viên thực tập tại công ty Samsung Việt Nam được tìm hiểu thực tế và trải nghiệm các công việc như một nhân viên, được công ty hỗ trợ gần 4 triệu/tháng và trợ cấp chuyên cần 300.000đồng/tháng, có xe đưa đón, bữa ăn ca miễn phí. Trong quá trình thực tập, công ty có trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động, trang bị đầy đủ bảo hộ và dụng cụ làm việc cho sinh viên.

Kết thúc 1,5 tháng thực tập, chúng tôi đã thực hiện một khảo sát nhanh. Kết quả, hầu hết sinh viên cho rằng, đợt trải nghiệm giúp các em thu nhận được rất nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế và cơ hội tốt rèn luyện ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp – một yếu tố quan trọng giúp các em thành công trong mọi môi trường làm việc hiện đại.

- Từ kinh nghiệm nhiều năm quản lý, theo ông, các nhà trường cần lưu tâm những gì để tăng hiệu quả hoạt động thực tập của sinh viên?

Để tăng hiệu quả hoạt động thực tập, tôi cho rằng, cùng với những thay đổi nhận thức về mục đích, nội dung thực tập như nói trên, cần tăng cường công tác phối kết hợp giữa các đơn vị trong trường để tổ chức tốt thực tập, thực tế; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc thực tập để học sinh, sinh viên hiểu và tham gia một các tự giác và tích cực

Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo phải phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, yêu cầu xã hội. Nhà trường cần tiếp tục cải tiến các chương trình đào tạo theo hướng: Khoa học- thiết thực- linh hoạt – tang thực hành; tăng cường hơn nữa mối quan hệ, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp cho sinh viên được tham quan, trải nghiệm, thực tập, tiếp xúc với môi trường thực tế.

Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp cũng giúp nhà trường nắm bắt được yêu cầu thực tế để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, giảng viên là thành phần tương tác trực tiếp với sinh viên, quyết định đến chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các hoạt động như: Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, khuyến khích và hỗ trợ giảng viên đi thăm, trải nghiệm thực tế nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, giúp bài giảng có tính ứng dụng cao.

- Cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ