Nhận thức đầy đủ, triển khai quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 29-NQ/TW

GD&TĐ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương đóng góp ý kiến phát triển giáo dục nước nhà.

Giờ học trong phòng truyền thống của cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).
Giờ học trong phòng truyền thống của cô trò Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).

Triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, cũng cho rằng: Quan điểm giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển cần được nhận thức và triển khai đầy đủ, quyết liệt hơn nữa trong thực tiễn.

Hiệu quả bước đầu

- Năm 2023 đánh dấu chặng đường 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. PGS đánh giá như thế nào về công tác triển khai, cũng như tác động của Nghị quyết 29 với GD-ĐT sau 10 năm?

- GD-ĐT là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định cho sự phát triển con người, chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững an ninh - quốc phòng của mỗi quốc gia, dân tộc. Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được quán triệt, nhấn mạnh, làm rõ và cụ thể hóa trong các văn kiện đại hội, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Ngày 4/11/2012, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là sự kiện lớn, tin vui đối với cả nước, đặc biệt là ngành GD-ĐT.

Nghị quyết xác định “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả bậc học, ngành học.

Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp”.

Quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có nhiều nhiệm vụ lớn, mới, chưa có tiền lệ. 10 năm qua, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.

Công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục đạt nhiều tiến bộ. Nổi bật là ban hành được Luật Giáo dục (2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (2018). Cùng với đó, hệ thống các văn bản dưới luật tạo hành lang pháp lý quan trọng thực hiện mục tiêu, các nhiệm vụ giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) mới được ban hành và đang tích cực triển khai. Chương trình GDPT được xây dựng bài bản, khoa học, đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 29, tiếp cận xu hướng tiên tiến của thế giới về phát triển chương trình giáo dục. Sách giáo khoa được tổ chức biên soạn theo phương thức xã hội hóa, khuyến khích sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng.

Chất lượng GDPT được nâng lên. Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực được ứng dụng trong thực tiễn. Trong các đợt đánh giá PISA, học sinh Việt Nam có kết quả vượt trội so với trung bình các nước trong khối OECD. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua luôn ở thứ hạng cao của thế giới.

Quy mô giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao, nhất là một số ngành công nghệ cao. Giáo dục nghề nghiệp có xu hướng chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Giáo dục đại học có bước tiến mới, từng bước tiếp cận khu vực và thế giới. Hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục được tăng cường; tự chủ đại học triển khai khá quyết liệt, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH có bước phát triển mới, số công bố quốc tế tăng nhanh.

Một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã lọt vào top 1.000 trường tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trọng tâm là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đạt kết quả bước đầu; giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, ngày càng đảm bảo độ tin cậy, cơ bản khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước năm 2015.

PGS.TS Lê Huy Hoàng.

PGS.TS Lê Huy Hoàng.

Hạn chế, bất cập cần khắc phục

- Bên cạnh kết quả đạt được, triển khai Nghị quyết 29, theo ông còn những tồn tại, hạn chế như thế nào?

- Bên cạnh kết quả nêu trên, quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn có những hạn chế, bất cập. Cụ thể là: Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH” chưa được các cấp, ngành nhận thức và triển khai đầy đủ, quyết liệt trong thực tiễn. GD-ĐT, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển KT-XH.

Hệ thống GD-ĐT chưa bảo đảm tính đồng bộ và liên thông giữa các trình độ, phương thức GD-ĐT; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Xã hội hóa giáo dục chưa thực hiện tốt. Hệ thống các trường tư thục, đặc biệt là trường tư thục không vì lợi nhuận còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu, chính sách đãi ngộ. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông chưa được giải quyết dứt điểm. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, CBQL giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất nhà giáo.

Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống có nơi bị xem nhẹ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ nhà giáo, CBQL, học sinh, sinh viên và phát triển đảng viên trong cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong quản lý học sinh, bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh học tập, rèn luyện thiếu chặt chẽ.

Chưa chủ động, tích cực gắn kết GD-ĐT với thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tuy có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp. Đầu tư, phát triển một số ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển KT-XH chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài tham gia vào nghiên cứu, GD-ĐT.

Thầy trò Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình).

Thầy trò Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình).

Những vấn đề cần chú trọng

- Từ thực tiễn triển khai, theo ông, những vấn đề nào cần chú trọng để Nghị quyết 29 tiếp tục phát huy hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo?

- Chúng ta cần tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW và Kết luận 51-KL/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; các quan điểm, định hướng phát triển GD-ĐT trong Nghị quyết Đại hội XIII. Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp cần nhấn mạnh bao gồm:

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Khắc phục triệt để bệnh thành tích trong giáo dục, hướng tới nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Thật sự coi trọng, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả, hiện thực hóa chủ trương GD-ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước.

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. GD-ĐT phải gắn với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển KT-XH, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt coi trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc; ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên. GD-ĐT gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.

Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Mục tiêu, giải pháp tạo đột phá

- Năm 2023, một trong những công việc quan trọng của ngành Giáo dục là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ông có thể gợi ý những nội dung cần quan tâm trong dịp này?

- Năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Đây là cơ hội đánh giá toàn diện và sâu sắc, khách quan và thực chất từ quá trình quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết đến thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm qua 10 năm. Trên cơ sở đó, đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong giai đoạn tới. Nội dung tổng kết bao gồm:

Đánh giá kết quả đạt được trong triển khai cho từng nhiệm vụ, giải pháp và mức độ đạt được so với mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đã nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW, tập trung vào 6 nội dung chính:

Đầu tiên, việc thể chế hóa quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH.

Tiếp đến là công tác xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông phục vụ học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Thứ 3: Phát triển giáo dục cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Thứ 4: Phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh, gắn kết dạy người, dạy chữ và dạy nghề.

Thứ 5: Xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuối cùng, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Xác định các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW. Tập trung làm rõ các yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; phối hợp triển khai các cấp, ngành. Phân tích và làm sáng tỏ các nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan dẫn tới hạn chế, yếu kém.

Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn, dự báo tình hình trong nước và quốc tế, làm rõ cơ sở đề xuất quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển GD-ĐT đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản và giải pháp chủ yếu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Huy Hoàng!

Nghị quyết 29-NQ/TW tiếp tục kế thừa những quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển giáo dục đã nêu từ Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII, đồng thời bổ sung, phát triển nhiều quan điểm, nội dung mới. Với 7 quan điểm chỉ đạo, 9 nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết 29-NQ/TW hướng tới hai vấn đề then chốt. Thứ nhất: Chuyển từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Thứ hai: Xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông; thực học, thực nghiệp; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; gắn với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.