Nhận thêm Patriot để chặn Oreshnik?

GD&TĐ - Đức cùng Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine thêm 15 xe tăng Leopard, gửi một hệ thống IRIS-T SLS, một IRIS-T SLM và tăng cường Patriot.

Hệ thống phòng không Patriot.
Hệ thống phòng không Patriot.

Tăng cường đánh chặn

Hãng Reuters dẫn nguồn tin nội các Đức cho biết: "Gói cung cấp hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine bao gồm: 103 xe tăng chiến đấu chủ lực LEOPARD 1A5 cùng phụ tùng thay thế (dự án chung với Đan Mạch).

Ngoài ra, còn có 30 xe bọc thép chống mìn và chống phục kích (MRAP), đạn dược cho xe tăng chiến đấu Leopard 2 từ kho vũ khí của quân đội và công nghiệp cùng đạn dược cho xe tăng chiến đấu Leopard 1 đã được chuyển giao".

Đức cũng chuyển giao tên lửa cho hệ thống IRIS-T cùng với đó là tăng cường tên lửa đánh chặn cho hệ thống Patriot, hai pháo phòng không Gepard cùng phụ tùng thay thế.

Bên cạnh đó, Đức chuyển giao thêm 65.000 viên đạn cho pháo phòng không Gepard, hai trạm radar trên không TRML-4D và tên lửa dẫn đường AIM-9L/I-1 Sidewinder.

Theo danh sách, Berlin cũng đang chuẩn bị gửi cho Kiev 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, hai bệ phóng tên lửa Patriot và bốn xe phòng thủ động lực (Diehl Defence).

Nga cho biết việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở việc giải quyết xung đột và trực tiếp liên quan đến các nước NATO trong cuộc xung đột.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov lưu ý rằng bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine đều sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga.

Ngăn chặn được Oreshnik?

Ngay trước khi Đức tuyên bố tăng cường vũ khí đánh chặn cho Ukraine, trong đó có Patriot, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, vũ khí có thể chặn đứng đòn tấn công của tên lửa siêu thanh Oreshnik chính là Patriot.

"Ukraine đang phối hợp với các đối tác để tìm cách phản ứng và Kiev đang cần thêm hệ thống phòng không đủ mạnh. Đối tác phương Tây của chúng tôi có những vũ khí đủ sức chống lại mối đe dọa từ Oreshnik", ông Zelensky tuyên bố.

Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro Sibylline ở Anh, Justin Crump nhận xét: "Rất ít khí tài đạt được tốc độ như Oreshnik. Tên lửa bay càng nhanh, thời gian đến mục tiêu càng ngắn và hạn chế đáng kể năng lực phản ứng của đối phương".

Tên lửa đạn đạo truyền thống thường bay tới mục tiêu theo quỹ đạo dạng parabol dễ dự đoán. Tên lửa hiện đại như Oreshnik còn có thể thay đổi độ cao và đổi hướng, tạo ra đường bay phức tạp nhằm gây khó khăn cho các hệ thống phòng không tiên tiến.

"Đây không phải vấn đề mới mẻ, nhưng vẫn là thách thức không hề nhỏ với các cường quốc quân sự. Đó là lý do Tổng thống Putin nhấn mạnh vào yếu tố tốc độ khi công bố thông tin về Oreshnik", giám đốc Crump nói.

Ivan Kyrychevsky, chuyên gia quân sự Ukraine cũng thừa nhận nước này không sở hữu radar có thể phát hiện loại mục tiêu bay nhanh như Oreshnik, cũng không có hệ thống phòng không đủ sức bắn hạ chúng.

"Các đối tác phương Tây có thể đã phát hiện vụ phóng trước Ukraine bởi Nga đã thông báo cho họ trước khi vụ phóng diễn ra, nhưng đánh chặn Oreshnik là điều không thể ở thời điểm hiện tại", ông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ