Nhân rộng mô hình phát triển thư viện toàn diện ở vùng biên

GD&TĐ - Hướng đến mục tiêu phát triển thư viện toàn diện, thời gian qua các trường học vùng biên đã đẩy mạnh công tác đầu tư thư viện.

Thư viện xanh của các em học sinh vùng biên.
Thư viện xanh của các em học sinh vùng biên.

Thư viện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về khoa học thư viện và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học.

Đầu tư là tiền đề phát triển

Hướng đến mục tiêu phát triển thư viện toàn diện cho các trường học, thời gian qua các cơ sở giáo dục vùng biên của tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh công tác đầu tư thư viện, vận hành cán bộ quản lý thư viện tại đơn vị. Đồng thời, lồng ghép thư viện vào các chương trình học để nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Tại huyện Tân Hồng, việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, phòng, bàn ghế… đáp ứng cho thư viện được ngành giáo dục địa phương đặc biệt quan tâm. Từ việc vận động xây dựng nguồn tài nguyên, học liệu mở đến phát triển hệ thống Wi-Fi phủ sóng khắp khuôn viên nhà trường để hướng. Mục đích để triển khai thư viện điện tử trong các trường học, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh khai thác tài nguyên thông tin dễ dàng.

Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng Phòng GD&ĐT Tân Hồng cho biết: Đến nay, 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn đều xây dựng thư viện xanh và được triển khai thực hiện Thư viện số. Với những điểm trường có cơ sở vật chất chưa đảm bảo ngành sẽ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.

Công tác đầu tư thư viện, phát triển Văn hóa đọc gắn với Thư viện xanh trong trường học trên địa bàn được thực hiện tốt là nhờ vào sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn ngành đặc biệt sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh, qua đó giúp địa phương có nhiều thuận lợi.

Các trường đầu tư nhiều sách, truyện cho các em có sự lựa chọn phong phú

Các trường đầu tư nhiều sách, truyện cho các em có sự lựa chọn phong phú

Bà Nguyễn Thị Kim Yến - Trưởng phòng GD&ĐT TP Hồng Ngự cho hay: Hầu hết thư viện trên địa bàn thành phố đều được đầu tư đầy đủ trang thiết bị chuyên dùng, tài liệu tham khảo, sách báo, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, truyện đọc phong phú, đa dạng về chủng loại, phù hợp với lứa tuổi và bậc học của nhà trường...

Đặc biệt, mỗi thư viện trường đều trang bị ít nhất từ 3 - 4 máy tính kết nối với internet để phục vụ việc tra cứu của học sinh. Hằng năm, các đơn vị trường đều dành một khoản kinh phí bổ sung sách, báo, tài liệu cho thư viện.

"Đối với các đơn vị bố trí giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện đều được nhà trường tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học", bà Yến nói thêm.

Tuy nhiên về nhân lực, việc vận hành cán bộ thư viện còn thiếu, phần lớn các trường mầm non, mẫu giáo đều chưa có biên chế Nhân viên thư viện. Vì vậy việc bố trí giáo viên kiêm nhiệm có nhiều hạn chế khi chưa có đủ chuyên môn nghiệp vụ, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn tại trường học

Để phát triển thư viện trong nhà trường mạnh mẽ hơn, thiết nghĩ việc đầu tư về nhân lực và vật lực cần được các địa phương, trường học duy trì cân đối.

Hiệu quả đến từ các mô hình độc đáo

Nhiều mô hình hiệu quả được các trường học vận dụng vào hoạt động thư viện như: Thư viện góc lớp, thư viện xanh, thư viện số, thư viện thân thiện, thư viện ước mơ, hay các cuộc thi viết truyện, đọc sách… nhằm mục đích tạo hứng thú, thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết của độc giả với truyện, sách. Hấp dẫn các em học sinh đến với thư viện nhiều hơn.

Tại trường Tiểu học Bình Phú (Tân Hồng), thầy Đào Quốc Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh, Trường TH Bình Phú đã thực hiện mô hình Thư viện xanh ngay tại sân trường theo tiêu chí: bền vững, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên để giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi tri thức. Từ đó, góp phần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy và học và đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mô hình Xe thư viện lưu động không người lái tại trường Tiểu học Bình Thạnh 1 (Tp Hồng Ngự)

Mô hình Xe thư viện lưu động không người lái tại trường Tiểu học Bình Thạnh 1 (Tp Hồng Ngự)

Ví dụ như mô hình Xe thư viện lưu động không người lái tại trường Tiểu học Bình Thạnh 1 (Tp Hồng Ngự). Đây là mô hình mang lại vai trò hết sức là quan trọng, tạo ra một không gian đọc sách hằng ngày thật lí thú và bổ ích cho các bạn học sinh.

Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, có thùng rác, giúp học sinh có ý thức phân loại rác đem đi đốt và rác bán phế liệu được. Mô hình hoạt động, tạo cho đội cộng tác viên thư viện của trường được tham gia tích cực, ngày càng có ý thức tuyên truyền các bạn học sinh đọc sách tốt hơn.

Hay như Thư viện góc lớp là một mô hình mà trong mỗi lớp học đều bố trí một góc trưng bày sách truyện phục vụ việc đọc sách của học sinh. Thư viện góc lớp rất thuận lợi cho việc đọc sách, cũng như phát huy văn hóa đọc trong nhà trường, nhất là các điểm trường phụ cách xa điểm chính, học sinh không có điều kiện lên thư viện, việc bố trí thư viện góc lớp là một giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả rất cao, góp phần tăng số lượng đọc sách cho học sinh.

Các không gian Thư viện xanh còn là nơi tổ chức sinh hoạt Đội; sinh hoạt văn nghệ; dạy các môn nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm… và là nơi cha mẹ học sinh có thể tham gia cùng với con em mình trong các hoạt động ngoài trời của lớp học.

Ngoài ra, hiện nay các trường còn thực hiện tiết đọc sách đầu giờ để giúp các em học sinh phát huy văn hóa đọc và có thêm nhiều kiến thức về thế giới xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ