Dự chương trình có ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), ông Lê Văn Chương - Phó Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cùng các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp CNTT trong kỷ nguyên số, Bachkhoa-Aptech cùng với 3 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT - Công ty cổ phần Rikkeisoft, Công ty cổ phần Tập Đoàn Ominext, Công ty cổ phần công nghệ Sotatek đã xây dựng và cho ra mắt chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế chất lượng cao.
Chương trình được Bachkhoa-Aptech thiết kế sát với yêu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp. Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của 3 doanh nghiệp uy tín, từ xây dựng chương trình, phỏng vấn đầu vào đến đào tạo, quản lý chất lượng đào tạo và tuyển dụng nhân sự. Doanh nghiệp cam kết tuyển thẳng sinh viên đạt yêu cầu với mức lương từ 10 triệu đồng là lợi ích vượt trội mà chương trình mang lại cho học viên.
Bà Phạm Thái Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bachkhoa-Aptech cho biết: Với lộ trình tinh gọn trong 2,5 năm, Bachkhoa-Aptech cam kết sinh viên đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của các doanh nghiệp. Chú trọng rèn kỹ năng thực hành với 900 giờ chuyên môn theo mô hình "làm trước học sau", với 1200 giờ thực tập tại doanh nghiệp, "bỏ túi" ít nhất 6 sản phẩm phần mềm thực tế.
Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị tiếng Anh, kỹ năng mềm và tư duy thực chiến, tạo cơ hội cho sinh viên học và làm cùng nhà tuyển dụng tương lai, rút ngắn khoảng cách nhà trường - doanh nghiệp, giúp sinh viên bắt nhịp nhanh và sớm bứt tốc. Đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tuyển dụng và sở hữu cam kết cống hiến lâu dài từ đội ngũ nhân sự IT chất lượng.
Trong buổi lễ, Bachkhoa-Aptech ký kết hợp tác toàn diện với 3 doanh nghiệp uy tín. Đánh dấu bước ngoặt lớn trong mối quan hệ hợp tác bền vững với Bachkhoa-Aptech và các doanh nghiệp. Mở ra cơ hội việc làm và bệ phóng phát triển sự nghiệp cho học viên lựa chọn chương trình này.
Đánh giá cao mô hình đào tạo CNTT "làm trước - học sau" độc đáo của Bachkhoa-Aptech, ông Tô Hồng Nam- Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Đối với CNTT có đặc thù bên cạnh đào tạo dài hạn chính quy trong các trường đại học thì đào tạo ngắn hạn là phần quan trọng không kém.
Hiện nay, đào tạo ngắn hạn giúp cập nhật công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là CNTT thường xuyên thay đổi, cập nhật. Sinh viên sau khi học chương trình này sẽ có nhiều cơ hội việc làm bởi tính cập nhật của chương trình học. Chương trình còn có lợi thế lớn khi kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, sinh viên sau khi học xong có thể làm việc được ngay, không mất thời gian đào tạo lại.
Bộ GD&ĐT cam kết hỗ trợ mô hình đào tạo này phát huy được thế mạnh, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng CNTT trong nước, hơn thế còn đặt mục tiêu có thể xuất khẩu nguồn lực này ra các nước khu vực và thế giới.