Nhân lực du lịch cần tương xứng với lợi thế

GD&TĐ - Với lợi thế bờ biển trải dài hơn 3.200 km, cùng hàng chục hòn đảo và gần 3.000 đảo nhỏ, du lịch bãi biển và du lịch đảo đã trở thành một sản phẩm du lịch trọng điểm của Việt Nam. 

Nhân lực du lịch cần tương xứng với lợi thế

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam hiện nay vẫn chưa tương xứng với lợi thế. Thực trạng cho thấy đang cần thêm những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp “không khói” này.

Chưa phát huy hết năng lực

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2015, tổng doanh thu ngành du lịch Việt Nam đạt khoảng 330.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), chiếm 7,7% GDP. Ngành này cũng đã tạo ra khoảng 1,8 triệu việc làm, bao gồm cả việc làm cho 550.000 lao động trực tiếp. Hơn 40% tổng số lao động đã qua đào tạo, ở trường hay tại nơi làm việc. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và lao động đang được đào tạo tại chỗ chuyên nghiệp ngày càng tăng, chuẩn bị cho sự hội nhập sâu hơn của ngành du lịch Việt Nam vào du lịch khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch năm 2013 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 80 trong số 140 quốc gia. Vị trí này không thay đổi kể từ năm 2011. Những nỗ lực để phát triển ngành du lịch Việt Nam chưa phát huy toàn bộ năng lực của đất nước để thay đổi vị thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Các vấn đề nội bộ của ngành du lịch Việt Nam về cơ sở hạ tầng, môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, chất lượng lao động du lịch, thiếu sự gắn kết trong phát triển lữ hành giữa các điểm du lịch, và các vấn đề toàn cầu như suy thoái kinh tế và sự gia tăng các điểm du lịch cạnh tranh mới nổi đã ảnh hưởng đáng kể đến phát triển du lịch của Việt Nam. Hơn nữa, mặc dù gần đây ngành du lịch của Việt Nam đã tạo ra khoảng 30.000 - 40.000 việc làm trực tiếp bổ sung hằng năm, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của du khách về tính chuyên nghiệp, chất lượng quản lý và tiêu chuẩn dịch vụ.

Đào tạo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế

Đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung và mục tiêu đào tạo nhân lực ngành nói riêng, “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đưa ra 8 nhóm giải pháp phát triển ngành như: Phát triển sản phẩm du lịch với chất lượng cao và giá trị gia tăng cao; Phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, về cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội và văn hóa, và cơ sở hạ tầng du lịch kỹ thuật; Phát triển thị trường du lịch; hỗ trợ đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến du lịch và phát triển thương hiệu; Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch trong các lĩnh vực môi trường pháp lý, năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, xây dựng kế hoạch và chiến lược; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ trong quản lý và kinh doanh du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, khảo sát thị trường và xúc tiến du lịch.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, chiến lược nêu rõ, đảm bảo về số lượng, chất lượng và tiêu chuẩn đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo về du lịch mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa chất lượng giảng viên, chuẩn hóa chương trình khung đào tạo du lịch. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu của ngành phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đặc biệt chú ý tới các nhà quản lý du lịch và lao động lành nghề. Đa dạng hóa phương thức đào tạo bao gồm khuyến khích đào tạo tại chỗ và tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo dự báo của ILO, việc làm trong ngành du lịch Việt Nam dự kiến tăng bình quân mỗi năm 50.000 số việc làm trực tiếp trong ngành đến năm 2020, với số lao động gián tiếp tăng 120.000 mỗi năm. Tốc độ tăng việc làm trực tiếp được dự kiến tăng lên ở mức 63.000 mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ