Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Mối tình đẹp của anh bộ đội và cô dân công hỏa tuyến

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gặp nhau trên chiến trường Điện Biên Phủ, chiến sĩ Vũ Xuân Thanh đem lòng yêu thương và nên duyên với nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Lan.

Vợ chồng ông Thanh ôn lại những kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Ảnh: Phạm Tâm
Vợ chồng ông Thanh ôn lại những kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Ảnh: Phạm Tâm

Ấn tượng lần đầu gặp gỡ

Cứ đến đầu tháng 5, vợ chồng ông Vũ Xuân Thanh (SN 1930) và bà Nguyễn Thị Lan (SN 1937), trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An, lại mang chiếc rương nhỏ cất trong phòng ra lau chùi. Từ chiếc rương gỗ cũ, ông Thanh lấy ra một chiếc áo trấn thủ, một vài tấm ảnh đen trắng, mảnh vải dù và tấm áo mưa… Đây đều là những kỷ vật “một thời hoa lửa” của vợ chồng ông.

Cùng tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh bộ đội Vũ Xuân Thanh và nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Lan đã cảm mến nhau từ lần đầu gặp gỡ. Nhưng mãi sau này, khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, hai người trở về quê mới biết là người cùng một làng và nên duyên từ đó.

Năm 1953, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Vũ Xuân Thanh gác lại thanh xuân, viết đơn lên đường nhập ngũ. Được phân công vào Sư đoàn 312, đơn vị của ông Thanh tham gia chiến đấu cơ động khắp mặt trận. Khi chiến dịch thắng lợi, ông và các đồng đội tiếp tục phụ trách đánh chặn, không cho đối phương từ Điện Biên Phủ rút về Lào.

Cuối năm 1953, phong trào lao động sản xuất và huy động nhân tài, vật lực tập trung cho Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra sôi nổi. Lúc bấy giờ, thanh niên ở các làng quê Nghệ An xung phong đi dân công hỏa tuyến, bộ đội rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Lan khi đó mới là cô gái 17 tuổi, dáng người nhỏ bé, chỉ nặng 37kg cũng hăng hái xung phong đi dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch.

Ở mặt trận, Nguyễn Thị Lan làm nhiệm vụ gánh gạo, làm đường, san lấp hố bom. Được tập huấn lớp y tá khi còn đi học nên cô gái trẻ được đơn vị giao luôn việc chăm sóc, băng bó vết thương cho các chiến sĩ bị thương dọc đường đi.

Nhớ về thời thanh xuân sôi nổi, ông Thanh và bà Lan đều không khỏi tự hào khi được phục vụ chiến dịch, góp sức vào cuộc chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Trên đường hành quân mệt nhọc nhưng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có dịp gặp nhau, rất vui, nhất là tìm được đồng hương.

“Thấy các anh bộ đội hành quân qua, các chị em thanh niên xung phong, dân công lại chạy ra hỏi: Bên nớ có anh mô người Nghệ An không? Nhiều người nhận ra người làng, người cùng xã”, bà Lan kể lại.

Dọc đường gặp người như trảy hội, nhất là đội quân xe đạp thồ, gồng gánh, mang vác... chỉ nghe giọng nói là đoán ra quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi hỏi thăm nhau. Một hôm, khi đang ở hậu cứ tiếp nhận gạo của dân công hỏa tuyến vận chuyển vào kho, ông Thanh nghe được giọng nói của một cô gái xứ Nghệ nhỏ nhắn, da dẻ trắng trẻo, tóc dài.

Đồng hương gặp nhau giữa chiến trường, hai người chỉ trò chuyện một vài câu bâng quơ, cũng chưa kịp hỏi tên tuổi, địa chỉ, rồi lại chia tay mỗi người mỗi ngả đi làm nhiệm vụ. Nhưng ấn tượng về lần đầu gặp gỡ ấy đã gieo trong lòng anh bộ đội và cô dân công niềm xao xuyến, bâng khuâng...

Ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan thời còn trẻ. Ảnh: NVCC

Ông Vũ Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Lan thời còn trẻ. Ảnh: NVCC

Tình yêu đẹp tuổi đôi mươi

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Vũ Xuân Thanh tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận nước bạn Lào. Đến năm 1961, sau 8 năm tham gia quân ngũ, ông mới có dịp về phép thăm gia đình ở xã Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Hôm đó, chàng trai trẻ đi qua sông Lam, thấy bà con đang gánh nước, bỗng một khuôn mặt và dáng dấp nhìn rất quen khiến tim rộn lên. Ông Thanh nhận ra cô gái dân công gánh gạo, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã gặp năm nào. Tưởng xa nhưng hóa gần, hỏi ra mới biết Nguyễn Thị Lan ở cùng thôn, cách nhà chỉ một quãng đồng.

Cảm giác như được ông trời se duyên, những ngày nghỉ phép, Thanh thường ghé sang nhà Lan hỏi thăm, trò chuyện. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tình yêu hai người trẻ nảy nở từ đó.

Năm 1967, ông Thanh được điều động vào chiến trường Bình Trị Thiên chiến đấu. Mãi hai năm sau, khi gần 40 tuổi, ông được đơn vị tạo điều kiện để về cưới vợ. Gần 10 năm yêu xa, mặc dù chỉ qua lại thư từ, nhưng tình yêu của hai người vẫn bền bỉ, vẹn nguyên.

Năm 1979, ông Thanh phục viên, về hưu với quân hàm đại úy. Trở về cuộc sống đời thường, người chiến sĩ Điện Biên Vũ Xuân Thanh tham gia Hội Cựu chiến binh cơ sở, luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ.

Người cựu chiến binh ngày ngày vẫn động viên các thế hệ cháu con phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước... Hiện 3 người con trai của ông Thanh đều làm ăn thành đạt, các cháu chăm ngoan, học giỏi.

Giờ đây, vợ chồng ông Thanh, bà Lan tóc bạc, răng long nhưng mối tình ấy vẫn đậm đà, chung thủy, cùng nhau vui tuổi già bên con cháu. Bao nhiêu năm qua, cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, ông lại bồi hồi nhớ tưởng các ký ức hào hùng của một thời trai trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ